Vào tuần thứ 9 này, bé yêu của mẹ sẽ có kích thước bằng khoảng một quả nho tây lớn.
Dưới đây chính là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:
Sự phát triển của thai nhi
Tới tuần thứ 9 này, kích thước của thai nhi vào khoảng 22 mm, bằng với kích thước của một quả nho tây lớn. Đến cuối tuần này, cơ thể thai nhi cũng trở nên thẳng hơn và phần 'đuôi nòng nọc' cũng biến mất. Các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục phát triển và trở nên rõ ràng với đôi mắt trở nên lớn hơn và sắc tố màu mắt cũng xuất hiện, đồng thời mí mắt cũng sẽ hình thành vào tuần này. Ngoài ra, các hàm và cơ mặt cũng dần hình thành trong tuần này, đi kèm với đó là miệng và vị giác.
Các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục phát triển và trở nên rõ ràng với đôi mắt trở nên lớn hơn và sắc tố màu mắt cũng xuất hiện. (Ảnh minh họa)
Các cơ quan nội tạng chính bao gồm não, tim, phổi, thận và đường tiêu hóa cũng đang hình thành và dần hoàn thiện trong tuần này. Cụ thể, tim bắt đầu phân chia rõ ràng và có 4 ngăn. Ruột phát triển tuy nhiên không phải bên trong phôi thai mà ở phía bên trong dây rốn, và sau đó sẽ di chuyển vào bên trong bụng thai nhi khi thai nhi đủ lớn. Đến cuối tuần thứ 9, núm vú cũng xuất hiện trên ngực bé.
Các tuyến yên – tuyến điều tiết các tuyến nội tiết khác bắt đầu hình thành, cùng với các bộ phận khác trong vùng cổ như thanh quản và khí quản. Vào khoảng đầu tuần 9, các tế bào sơ khai sẽ di chuyển tới khu vực sẽ hình thành bộ phận sinh dục để hình thành bộ phận sinh dục nam hay nữ của thai nhi. Đến cuối tuần này, các tế bào này bắt đầu hình thành, cùng với các cơ quan khác trong khu vực hậu môn.
Trong tuần thứ 9, cánh tay đã phát triển tương đối và uốn cong ở phần khuỷu tay và cổ tay khá rõ ràng. Đến cuối tuần, các vết lõm ở chân sẽ hình thành đầu gối và mắt cá chân, móng chân cũng có thể bắt đầu xuất hiện.
Các thành phần cấu tạo của xương và bộ xương sẽ hình thành trong tuần thứ 9, và cơ bắp sẽ bắt đầu phát triển. Do vậy trong tuần này nếu siêu âm, mẹ thậm chí còn có thể nhận thất các chuyển động của cơ bắp.
Sự thay đổi trong cơ thể mẹ
Ngoại hình của mẹ chắc hẳn chưa có nhiều thay đổi rõ rệt trong tuần này nhưng nếu tinh ý, mẹ có thể nhận ra vòng eo của mình có lớn hơn một chút. Bộ ngực cũng tăng kích thước do vậy mẹ có thể cảm thấy áo ngực trở nên chật chội. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể làm cho da mẹ xuất hiện các đốm màu nhỏ.
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Nếu mẹ vẫn phải đi làm thì nên nói chuyện với sếp về chuyện bầu bí để được ưu tiên trong công việc. Mẹ cũng nên lưu ý tới sự an toàn trong công việc và đi bằng phương tiện gì để đảm bảo cho cả mẹ và thai nhi. Nếu việc tự đi làm khiến mẹ thêm mệt mỏi thì hãy nhờ chồng giúp đỡ. Chồng đưa đón sẽ giúp mẹ đến cơ quan sớm hơn và kết thúc công việc đúng giờ, dành nhiều thời gian rảnh cho buổi tối để đi bộ và nghỉ ngơi cũng giúp mẹ bầu bớt mệt mỏi.
Bơi lội và đi bộ là những lựa chọn tuyệt vời trong suốt chín tháng thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Để giảm mệt mỏi và buồn ngủ, mẹ bầu nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi để ngủ bất cứ khi nào có thể. Nghỉ ngơi sẽ giúp mẹ cảm thấy bớt khó chịu hơn. Mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được bổ sung thêm vitamin B6 sẽ giúp tình trạng ốm nghén thuyên giảm.
Mẹ cũng có thể tham gia vào các hoạt động thể dục nhẹ nhàng trong tuần này. Bơi lội và đi bộ là những lựa chọn tuyệt vời trong suốt chín tháng thai kỳ. Những bài tập tăng cường cơ bắp và sức chịu đựng sẽ giúp mẹ không khó chịu vì trọng lượng cơ thể tăng lên trong thai kỳ, chuẩn bị sức chịu đựng cho những cơn đau lâm bồn sắp tới.