Suốt cả quá trình trong phòng sinh với vợ, anh cũng chẳng nói hay làm gì, chỉ im lặng thôi. Em đã quen rồi, chẳng có gì mà thất vọng.
Em kết hôn năm ngoái và vừa sinh con đầu lòng được 1 tuần. Chồng em tính tình khô khan, ít nói, lúc em mang bầu chẳng bao giờ hỏi vợ thích thế nào, muốn ăn gì để mua đâu. Cũng không có chuyện bóp chân bóp tay, đấm lưng cho vợ, em còn hay phải đi khám thai một mình ấy chứ.
Nhiều lúc cũng tủi thân lắm nhưng em đành nhìn vào những điểm tốt của chồng để cố gắng. Em nghỉ ở nhà dưỡng thai, mình anh đi làm, công việc cũng vất vả, áp lực. Thấy anh chăm chỉ làm việc, không tiêu pha hoang phí, biết tiết kiệm lo cho tương lai gia đình, thôi thì em cũng lấy đó làm thỏa mãn.
Nhiều lúc cũng tủi thân lắm nhưng em đành nhìn vào những điểm tốt của chồng để cố gắng. (Ảnh minh họa)
Đủ ngày đủ tháng, em đau bụng nhập viện sinh con. Ngày đó không hiểu sao chồng em lại nằng nặc đòi vào phòng sinh cùng vợ. Em vốn cũng chẳng trông đợi gì, tính anh có phần cục cằn, thiếu lãng mạn, làm gì có chuyện vào phòng sinh động viên, an ủi vợ như mấy ông chồng tâm lý khác.
Thế mà chồng em vào thật. Nhưng suốt cả quá trình trong phòng sinh với vợ, anh cũng chẳng nói hay làm gì, chỉ im lặng thôi. Em đã quen rồi, chẳng có gì mà thất vọng. Sau đó có bà nội, bà ngoại từ quê lên nữa, may mắn cuối cùng em cũng mẹ tròn con vuông.
Vợ sinh con nên chồng em được công ty cho nghỉ mấy ngày. Đêm đầu tiên con chào đời, chồng em và bà ngoại túc trực trong viện, bà nội về ngủ để mai vào thay ca. Lúc khuya muộn, mọi người đều ngủ hết, em bé và mẹ đẻ em cũng ngủ say, chồng đột nhiên nắm tay em rồi nói 1 câu không thể tưởng tượng được:
- Nhìn em đẻ anh thấy sợ quá, mình đẻ 1 đứa thôi cũng được, nếu em không thích thì không cần đẻ đứa thứ 2 đâu. Mẹ có nói gì để anh khuyên cho.
Em không cầm được nước mắt mà khóc luôn các chị ạ. Phụ nữ hiểu sâu sắc việc mang thai, sinh con vất vả thế nào nhưng đàn ông mấy người thấu suốt. Họ cho đó là nghĩa vụ của vợ, ai là phụ nữ chẳng biết đẻ, thậm chí còn bắt vợ sinh con theo ý chồng và nhà chồng.
Vậy mà người chồng khô khan, thiếu chu đáo của em sau khi vào phòng sinh cùng vợ không những chẳng sợ hãi hay bị ám ảnh mà còn thương vợ hơn. Anh đã đưa ra quyết định rất thực tế khiến em vô cùng cảm động. Em cảm thấy những khó nhọc mình phải chịu đựng đều xứng đáng cả.
Lúc này em mới thấm thía mình có 1 người chồng tốt. Trong cuộc sống hàng ngày có thể anh không chu đáo, chú ý tiểu tiết nhưng vào những lúc quan trọng thì anh luôn bên cạnh và nghĩ cho vợ. Thế thôi cũng khiến em thấy hạnh phúc lắm rồi.
Lúc này em mới thấm thía mình có 1 người chồng tốt. (Ảnh minh họa)
Ích lợi của việc để chồng vào phòng sinh cùng vợ:
- Để chồng cảm nhận niềm hạnh phúc trong giây phút đầu tiên con chào đời: Một số căng thẳng có thể xảy đến với người cha khi chứng kiến vợ sinh con là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên niềm hạnh phúc khi được tận mắt nhìn thấy khoảnh khắc đầu tiên em bé đến với thế giới là niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh được trong lòng các ông bố.
- Người chồng có thể động viên tinh thần vợ và hỗ trợ khi cần: Khi có chồng bên cạnh, các sản phụ sẽ cảm thấy yên tâm, ấm áp hơn, nỗi đau, sự lo lắng sẽ vơi bớt phần nào. Sự có mặt của người chồng cũng rất có ích nếu như phòng sinh đột ngột xảy ra sự cố cần giúp đỡ hoặc ca sinh nở gặp vấn đề cần quyết định từ người thân.
- Tăng cường sự gắn kết giữa cha và con: Người bố ngày càng có xu hướng tham gia nhiều hơn vào quá trình vợ mang thai, sinh con và chăm sóc con nhỏ. Việc người chồng vào phòng sinh cùng vợ là một trong các hoạt động đó. Từ đây có thể tăng cường sự gắn kết giữa cha và con, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển cảm xúc của trẻ sau này.