Dịch cúm gia tăng, bác sĩ chỉ sai lầm bắt đầu từ chiếc khăn xô làm trẻ lâu khỏi bệnh

Ngày 24/12/2019 00:14 AM (GMT+7)

Việc dùng đi dùng lại khăn xô khi trẻ bị cúm vô tình khiến trẻ nhiễm lại virus cúm và khiến trẻ lâu khỏi, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Trong vòng 1 tuần vừa qua thông tin dịch cúm bùng phát khiến không ít người lo lắng, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Khoảng hơn 1 tuần vừa qua tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tối nào cũng có khoảng 500 trẻ đến khám, đa phần trong số đó là mắc cúm ở nhiều mức độ khác nhau.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), có những ngày cao điểm có đến 200 bệnh nhi đến khám vì mắc các bệnh liên quan đến cúm và đường hô hấp. Trong số các trẻ đến khám có đến gần một nửa phải nhập viện điều trị.

Sở dĩ tình trạng trẻ nhập viện gia tăng là do thay đổi thời tiết, cũng như ô nhiễm không khí đang ở mức có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm đỉnh của dịch cúm mùa nên tỷ lệ trẻ mắc cúm gia tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Trong khi bệnh cúm mùa đang có những diễn biến phức tạp, trên mạng xã hội cũng chia sẻ rất nhiều về thói quen dùng khăn xô cho trẻ mà nhiều gia đình gặp phải khiến bệnh lâu khỏi và có nguy cơ lây lan. Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết điều đó là hoàn toàn đúng.

Dịch cúm gia tăng, bác sĩ chỉ sai lầm bắt đầu từ chiếc khăn xô làm trẻ lâu khỏi bệnh - 1

Phụ huynh nên dùng khăn giấy lau mũi cho con rồi vứt luôn vào thùng rác. (Ảnh minh họa)

Theo lý giải của bác sĩ Lâm, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh hiện nay chủ yếu do các chủng vi rút cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.

“Khi trẻ bị cúm, nhiều gia đình vệ sinh đường hô hấp cho trẻ bằng cách dùng khăn xô lau sau đó dùng lại. Việc này là hoàn toàn sai lầm vì việc dùng lại khăn cũ, virus vẫn còn tồn tại trên mặt khăn sẽ khiến trẻ càng lâu khỏi. Cách tốt nhất khi vệ sinh mũi miệng cho trẻ là dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi, rồi vứt luôn vào thùng rác sau khi sử dụng. Như vậy, trẻ vừa tránh tình trạng nhiễm lại virus, vừa tránh lây bệnh cho trẻ khác”, bác sĩ Lâm chia sẻ.

Cách chăm sóc tại nhà khi trẻ bị cúm

Dù là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ bùng phát thành dịch nhưng cúm thường lành tính, có diễn biến nhẹ và phục hồi sau 2-7 ngày. Bởi vậy, những trường hợp nhẹ thường được hướng dẫn chăm sóc tại nhà, khi chăm sóc cần phải chú ý những vấn đề sau:

- Hạ sốt cho trẻ: Khi trẻ sốt hơn 38,5 độ, cần nới rộng quần áo, chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, cứ 4-6 tiếng uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ.

Dịch cúm gia tăng, bác sĩ chỉ sai lầm bắt đầu từ chiếc khăn xô làm trẻ lâu khỏi bệnh - 2

Trẻ khi bị cúm nên đeo khẩu trang để cách ly bệnh với người khác.

- Vệ sinh cho trẻ: Ngoài vấn đề như đã phân tích ở trên, các bậc phụ huynh hàng ngày cần nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Về chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ

- Phòng lây nhiễm cúm bằng cách: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế

Khi trẻ sốt cao liên tục ≥ 39ºC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. 

- Xuất hiện tình trạng co giật. 

- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh. 

- Trẻ khó thở, thở nhanh.

Cho đến nay các phòng cúm hiệu quả nhất là tiêm vắc xin cúm hàng năm không chỉ cho trẻ mà cả người trưởng thành. Ngoài ra, đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.

Trẻ ồ ạt nhập viện, thuốc điều trị cúm tăng từ 45.000 đến 180.000 đồng/viên vẫn không có để bán
Số lượng trẻ nhập viện do mắc cúm gia tăng khiến thuốc Tamiflu tăng giá mạnh, thậm chí đang trong tình trạng khan hiếm hàng.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm