Những triệu chứng của viêm cơ tim thường bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác.
Theo lời kể của cha mẹ bé N.T.M.L (10 tuổi, ngụ Bình Tân), vào khoảng ngày 19/11, bé L bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt, ói và nhức mỏi, cứ ngỡ cảm cúm nên ba mẹ chỉ mua thuốc tại tiệm thuốc tây cho em. 3 ngày sau, bất ngờ bé L than mệt, mặt mày tái mét, hỏi han ít trả lời...
Cha mẹ bé lập tức đưa con đi khám tại BV quận Bình Tân để rồi bàng hoàng khi các bác sĩ phát hiện bé liên tục rối loạn nhịp, hạ huyết áp và theo dõi tình trạng viêm cơ tim cấp đe dọa tính mạng. Bệnh nhi được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vào buổi chiều cùng ngày.
Khi đến khoa Cấp Cứu, Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố vào lúc 17 giờ, bệnh nhi đã trong tình trạng hạ áp nặng, môi tái, lừ đừ. Với sự chuẩn bị sẵn sàng, tiên lượng thời gian vàng hồi sức là một yếu tố quan trọng, bé L. đã nhanh chóng được đưa đến khoa Hồi Sức Tích Cực, nơi ekip Hồi Sức và Tim mạch có thể xem các hoạt động tim của bé bằng siêu âm Doppler và áp dụng các biện pháp hỗ trợ cơ học kịp thời để giúp tim lưu thông máu và đập tốt.
Lúc này huyết áp của bé ngày càng thấp, kiểu thở nặng nhọc, đây là những dấu hiệu xảy ra với bệnh nhân suy tim nặng. Ngay lập tức, ekip bác sĩ trực ICU và tim mạch đã nhanh chóng đặt một đường truyền tĩnh mạch trung tâm, ống thông tiểu, đặt ống nội khí quản hỗ trợ thở máy cho em.
Ngỡ cảm cúm thông thường, bé gái nguy kịch vì căn bệnh viêm cơ tim.
Không lâu sau đó, tim bé L đi vào nhịp nhanh nhất trên 200 nhịp, nhịp tim đe dọa đến tính mạng, được nhanh chóng đặt máy tạo nhịp tạm thời nhưng tim em vẫn đờ đẫn, loạn nhịp không cải thiện với thuốc vận mạch và thuốc chống loạn nhịp, sốc điện lẫn máy tạo nhịp..
Trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh, lãnh đạo bệnh viện và khoa Hồi sức tích cực đã quyết định chỉ định phương pháp Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation – ECMO). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như một máy tim phổi nhân tạo, ECMO sẽ giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục.
Sau khoảng 2 giờ phối hợp, tim của bé gái đập trở lại và tình trạng huyết động cải thiện. Sau 6 ngày chạy ECMO, 4 ngày lọc máu, tình trạng viêm cơ tim bệnh nhi ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt, chức năng gan thận cải thiện ngoạn mục. Hiện, bé được cai máy thở, ngưng lọc máu, tỉnh táo và liên tục đòi ăn bánh tráng trộn sau cơn thập tử nhất sinh.
Bé gái hiện đã qua cơn nguy kịch.
Theo các chuyên gia, viêm cơ tim hình thành do các siêu vi rút tấn công và làm tổn thương tế bào cơ tim. Tim sẽ bị viêm, hoại tử, giãn mạch hoặc co bóp rất yếu khi bị nhiễm khuẩn và có thể gây suy tim, thậm chí là đột tử. Đối tượng dễ mắc bệnh viêm cơ tim là trẻ em, trẻ càng nhỏ tuổi thì bệnh càng nặng vì sức đề kháng của bé còn yếu.
Bệnh viêm cơ tim diễn tiến rất nhanh và nguy cơ dẫn đến tử vong là khá cao. Nếu được phát hiện sớm các triệu chứng viêm cơ tim cấp và theo dõi điều trị khi bệnh ở mức độ nhẹ thì sẽ có cơ hội khỏi bệnh, nhưng đa phần các ca mắc bệnh về sau đều dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Qua thăm khám, chụp X-quang ngực và siêu âm tim cho thấy hậu quả của viêm cơ tim là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm cơ tim cấp lâm sàng ban đầu thường khá nhẹ và mơ hồ, rất khó phát hiện. Do đó, bệnh nhân và người nhà dễ dàng chủ quan bỏ qua hoặc bị nhầm lẫn dấu hiệu viêm cơ tim với các bệnh khác như cảm sốt.
Thực tế, các bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đã bị suy hô hấp nặng, thở yếu, ngất lịm, nhịp tim rất nhanh và toàn thân tím tái. Nguy hiểm hơn, có phụ huynh đưa trẻ đến cấp cứu trong tình trạng trụy mạch, rối loạn nhịp tim, sốc tim và thậm chí là tiên lượng rất xấu, khả năng sống sót chỉ trong vòng vài giờ.
Biểu hiện của viêm cơ tim trên lâm sàng ở mức độ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như độ tuổi của bệnh nhi.
- Ở trẻ lớn
Các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên thường khởi phát từ những triệu chứng của hệ hô hấp như: Đau tức ngực, khó thở...sau đó đến rối loạn tiêu hóa rồi khi bệnh tiến triển nặng mới dần thấy các triệu chứng tại tim và vùng ngực.
Do vậy, ở giai đoạn này, các mẹ rất dễ nhầm với sốt cảm cúm thông thường, tự xử lý thuốc mà ít khi cho con đi khám, đến khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu ở vùng tim mới đưa trẻ đi khám, dẫn tới việc điều trị chậm trễ.
- Ở trẻ nhỏ
Ban đầu triệu chứng không rõ ràng, đôi khi chỉ là thấy trẻ đột nhiên bỏ bú, thường xuyên quấy khóc, sốt, rơi vào trạng thái li bì. Do đó, rất khó khăn để chẩn đoán lúc này.
Khám thấy tiếng tim mờ là triệu chứng sớm rất có giá trị chẩn đoán trong viêm cơ tim cấp, ban đầu mờ tiếng thứ nhất. Sau đó mờ cả tiếng thứ hai kèm dấu hiệu tím tái, sắc nhợt nhạt, nhịp nhanh, huyết áp tụt đặc biệt là huyết áp tối đa, đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, khó thở khi gắng sức, trường hợp nặng khó thở cả khi nghỉ ngơi. Nghe tim phổi có thể thấy tiếng ngựa phi, tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim do buồng thất trái giãn gây tình trạng hở van 2 lá cơ năng.
Các dấu hiệu của suy tim xuất hiện khi tình trạng viêm cơ tim bị lan rộng. Trẻ xuất hiện nhiều hơn các cơn đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim kèm theo khó thở trong lúc hoạt động thậm chí cả khi nghỉ ngơi, có thể phù chân, mắt cá chân với bàn chân do bị ứ dịch.