Giữ ấm cho con kiểu này, cha mẹ tưởng đúng nhưng có thể hại con, thậm chí hại tính mạng

Ngày 06/12/2019 14:10 PM (GMT+7)

Những cách cha mẹ giữ ấm cho trẻ mùa đông tưởng đúng dưới đây sẽ dễ khiến trẻ bị ho, sổ mũi, viêm họng, viêm phổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Cách giữ ấm sai lầm cha mẹ vẫn đang làm

* Mặc thật nhiều quần áo quá dày, quá nhiều lớp thì con mới ấm, đặc biệt ở trong phòng kín và khi đi ngủ "càng kín càng tốt":

Giữ ấm cho con kiểu này, cha mẹ tưởng đúng nhưng có thể hại con, thậm chí hại tính mạng - 1

Ủ càng kín càng tốt không làm ấm trẻ mà ngược lại trẻ dễ bị lạnh. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa nhi, BV Bạch Mai cho rằng, việc giữ ấm cho trẻ là cần thiết khi trời lạnh nhưng không có nghĩa ủ ấm quá mức. Cách làm này còn gây bệnh cho trẻ vì trẻ chưa thể tự điều hòa thân nhiệt của mình tốt như người lớn. Ủ ấm quá mức làm thân nhiệt trẻ tăng cao, nhất là khi trẻ vận động làm toát mồ hôi, mồ hôi thấm vào lớp áp trong gây ra lạnh người trở lại. Ứ đọng mồ hôi bên trong nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, dẫn tới bệnh về da liễu.

Ban đêm khi trẻ ngủ mặc cho trẻ quá nhiều áo quần dày là thói quen của nhiều bậc cha mẹ vì sợ con không đắp chăn mà hay tung chăn. Điều này cũng không giúp trẻ ngủ ngon giấc và luôn khó chịu. Hơn nữa, phải mặc quá nhiều quần áo, lúc nào cũng phải đội mũ, đeo găng tay găng chân làm cho trẻ khó chịu, vận động không được thoải mái. Trong những ngày thời tiết lạnh giá, các bậc cha mẹ chú ý mặc cho trẻ đủ ấm để cho trẻ vận động thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt.

* Không tắm cho trẻ

Lo sợ trẻ lạnh, ốm, nhiều bậc cha mẹ không tắm cho trẻ. Trẻ thường xuyên nghịch ngợm nên càng cần phải vệ sinh cơ thể để loại bỏ chất bẩn, tế bào chết. Kiêng tắm cho trẻ lâu ngày còn làm cho trẻ bứt rứt, khó chịu, sinh bệnh về da. Cha mẹ nên tắm rửa cho bé hàng ngày bằng nước ấm, trong phòng kín với thời gian từ 5-10 phút, ủ ấm ngay sau đó. Trẻ thoải mái sẽ luôn khỏe.

* Sưởi ấm bằng than tổ ong:

Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới ngạt, vì khí CO sinh ra do đốt than. Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi mọi người đang ngủ dễ lịm đi mà không biết. Đã có rất nhiều trường hợp dùng than để sưởi ấm và có những hậu quả đáng tiếc.

* Lạm dụng đèn sưởi, điều hòa bật chế độ sưởi: Nếu sử dụng quá lâu khiến niêm mạc đường hô hấp khô sẽ dẫn tới bị phù nề.

* Lạm dụng các loại tinh dầu:

Bôi quá nhiều vào các huyệt đạo để phòng bệnh hô hấp, nhưng sẽ tăng nhiệt cho trẻ. Trẻ da lại rất mỏng manh khi bôi trực tiếp lên da với lượng quá nhiều còn dễ gây bỏng. Cách giữ ấm này cũng có hiệu quả nhưng mọi người cần phải thận trọng khi sử dụng.

* Không cho trẻ ra ngoài:

Đóng kín các cửa phòng trong nhà, không để trẻ ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để trẻ được ấm áp, nhưng đây là nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu vitamin D. Trẻ nhỏ cũng trở nên yếu hơn là bảo vệ bé.

Trong ngày cha mẹ nên cho trẻ ra ngoài. Để tránh nhiễm lạnh khi trẻ ra ngoài, mặc quần áo ấm, thấm hút tốt, đội nón mỏng, đi tất và chú ý lau mồ hôi cho trẻ là được. Thời gian để đưa trẻ dạo chơi thích hợp nhất trong những ngày lạnh là từ 9-10 giờ sáng và khoảng 15-17 giờ chiều, còn những ngày trời rét đậm hay mưa phùn thì nên để trẻ ở nhà. Đồng thời, mẹ vẫn cần thực hiện việc tắm nắng cho trẻ vào mùa đông ở những khung thời gian trên trong khoảng 15-20 phút.

Những lưu ý khi giữ ấm đúng cách cho trẻ

Theo khuyến cáo của các bác sĩ Nhi Khoa, giữ ấm cho trẻ đúng cách thì các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng:

- Duy trì nhiệt độ phòng ở 26 - 28oC và độ ẩm thích hợp cho bé khoảng từ 40% - 60%.

- Luôn giữ cho phòng sạch sẽ, thoáng khí.

- Cho bé mặc áo mỏng, dài tay khi ở trong phòng điều hòa, chọn chất liệu cotton, rộng rãi thoải mái. Đắp thêm một chăn mỏng, che đi các bộ phận dễ nhiễm lạnh khi ngủ.

- Không sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hòa ấm quá 2-3 giờ và trực tiếp thổi vào người bé. Nên bật quạt thông gió để tạo sự thông thoáng không khí trong phòng.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần lưu ý khi thấy trẻ có những dấu hiệu ho, hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ cần chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể và đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc tại nhà.

Tưởng giữ ấm cho con, ai ngờ khiến con bị viêm loét, ngứa ngáy da.
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều bố mẹ có thói quen cho con mặc bỉm 24/24 để… giữ ấm. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ.
Theo Hà My
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe mùa đông