Món ngon của Nghệ An mang chất riêng đặc biệt đến nỗi bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều nhớ mãi không quên...
Nghệ An là mảnh đất non nước hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc. Vẻ đẹp kỳ thú pha lẫn chút nguyên sơ luôn làm say đắm bất cứ ai đã từng đi qua và dừng chân ghé lại nơi này. Không chỉ có thế, trên mảnh đất hồn hậu, địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều đặc sản mà ai "lỡ" nếm thử một lần cũng vương vấn mãi không thôi.
Cam xã Đoài
Cam Xã Đoài là một đặc sản của xã Nghi Diên còn có tên nôm là xã Đoài, thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hương vị thơm ngon của cam Đoài gây nức lòng người thưởng thức đến nỗi nó đã trở thành một hình ảnh ngọt ngào của thơ ca.
“Cam xã Đoài mọng nước
Giọt vàng như mật ong
Bổ cam ngoài cửa trước
Hương bay vào nhà trong” (Phạm Tiến Duật)
Cam xã Đoài trở thành một đặc sản bởi hơn hết nó có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Khi trồng, người dân nơi đây phải lựa kỹ giống, cây giống được chọn lọc sạch, không sâu bệnh.
Nếu một lần đặt chân đến đây vào dịp tết Nguyên Đán, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một thứ sắc màu tươi mới, trùng điệp bởi quả, bởi lá. Hương cam bay lan tỏa ra xung quanh, nửa như mời gọi nửa muốn níu chân người lữ khách.
Cam xã Đoài mọng nước, hương thơm ngọt ngào (Ảnh: Internet)
Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ xây xát là đã thoát một mùi thơm ngây ngất. Khi bổ ra, cam có màu vàng óng, nước cam chảy ra nhìn sánh như những giọt mật ong óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Hơn thế nữa, khi thả miếng cam vào miệng, tưởng chừng như bao vị ngọt ngào của đất trời kết tinh trong đó.
Nhút Thanh Chương
Có lẽ, mít xanh là thứ quả gắn với tuổi thơ rong ruổi của rất nhiều người. Những quả mít non được hái xuống, rồi đem luộc, chấm với muối ớt, mặn chát, nghẹn trong cổ họng mà bao đứa trẻ vẫn khao khát và thích thú. Còn với người Thanh Chương xứ Nghệ, việc chế biến mít xanh thành món ăn như dưa muối lại là nghệ thuật vô cùng độc đáo. Món ăn làm từ mít xanh đó được gọi là nhút. Nhiều người còn coi nhút chính là một loại "kim chi" của xứ Nghệ này.
Những quả mít xanh được chế biến thành nhút (Ảnh: Internet)
Nghe nói, nghề làm nhút ở Thanh Chương có từ lâu đời, là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình. Nguyên liệu để làm nhút chỉ gồm có mít xanh và muối trắng và cách làm tương tự như nhiều món dưa muối khác ở Việt Nam.
Để làm nhút, người ta lựa những quả mít xanh, loại ương ương càng ngon rồi gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa sau đó bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Muối được cho vào, trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng mít được cho vào vại sành khoả đều trên bề mặt, đặc một chiếc vỉ lên trên, chèn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày là dùng được.
Nhút là món ăn hàng ngày giản dị nhưng lại trở thành đặc sản của xứ Nghệ (Ảnh: Internet)
Hàng ngày trong mỗi bữa cơm, người ta lấy ra bát nhút, hương vị chua chua giòn giòn, ăn thật thích thú. Nhút ăn với cơm rất hợp, chỉ cần chút nước mắm làm nước chấm là đủ.
Lươn Vinh
Lươn vốn là loại thủy sản nước ngọt có ở hầu hết đồng ruộng trên đất nước Việt Nam. Nhưng dưới bàn tay khéo léo cùng văn hóa ẩm thực đặc trưng của những người con xứ Nghệ, các món ngon từ lươn lần lượt ra đời và dần trở thành đặc sản, tinh hoa của mảnh đất này.
Để chế biến một món ăn ngon, khâu sơ chế lươn rất quan trọng. Người chế biến loại bỏ chất nhớt bằng nhiều kinh nghiệm khác nhau như dùng tro, giấm, nước sôi hoặc dùng một số lá có độ thô như lá tre để tuốt các chất nhờn trên da lươn. Tùy theo yêu cầu của món nấu mà có thể để nguyên con, rút xương hay cắt khúc. Khâu rút xương cũng có 2 phương pháp. Hoặc cắt khứa từ cổ rồi lạng dần xuống. Hoặc đặt thân lươn lên thớt, dùng chày gỗ dần lên, rồi lộn ngược bên trong, lạng bỏ phần xương.
Cháo lươn cũng là một đặc sản khó cưỡng.
Sau khi sơ chế xong, người ta chế biến lần lượt thành những món ăn mà món nào món nấy đều hút hồn thực khách đến nỗi phải quay lại quán biết bao nhiêu lần. Chẳng hạn như lươn om (om chuối, om lá ngải cứu, om rau ngổ, om lá lốt, om nồi đất...), cháo lươn, lươn nướng, súp lươn... Lươn nướng than hoa là một trong những món ăn được đặc biệt ưa chuông. Mùi thơm của lươn nướng bay tỏa trong không trung khiến chẳng ai có thể cầm lòng được.
Súp lươn cũng là món hấp dẫn không kém. Bát súp có lượng nước trong, ngọt, thơm, những miếng thịt lươn chín còn nguyên dạng, không nhũn nát, thấm vị và dậy lên hương đặc trưng của lươn quê. Hành lá, rau răm còn nguyên sắc xanh tươi thắm được cắt nhỏ, thả bồng bềnh trên mặt nước nóng hổi điểm nhẹ những giọt ớt đỏ. Hơi bay lên kéo theo mùi hương thơm, cay, nồng khiến chưa ăn miệng đã thấy thèm.
Tương Nam Đàn
Nếu như mảnh đất Hưng Yên nổi tiếng với thứ tương Bần thơm ngon, tinh khiết thì trên mảnh đất Nam Đàn xứ Nghệ, người ta cũng có quyền tự hào vì đã làm ra một loại tương hấp dẫn không kém.
Nguyên liệu chính để làm tương đều là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày nhu đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Nếu vô tình hoặc cố ý cho thêm một thứ gì vào, chum tương sẽ bị hỏng. Để có được chum tương ngon, đòi hỏi ở người làm tương sự kỳ công, tỷ mẩn.
Nếu có dịp qua mảnh đất này, bạn hãy mang về cho mình, người thân hoặc bạn bè một chút hương vị tương giản dị này nhé!
Tương Nam Đàn lại có đủ hai loại: Mặn và ngọt. Tương mặn dùng để ăn hàng ngày, còn tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ chủ yếu để đãi khách và làm quà biếu. Nghe nói, tương Nam Đàn được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn và hưởng khí, đất đai hậu thuận lợi. Có lẽ, được sản sinh từ mảnh đất phù sa màu mỡ mà đã cho ra đời thứ đậu tương hảo hạng.
Thế mới hiểu vì sao, ở xứ Nghệ, người ta hay truyền tai nhau rằng, muốn ăn nhút Thanh Chương thì trước tiên phải tìm được tương Nam Đàn. Hai thứ ấy kết hợp với nhau thì bữa cơm dù đạm bạc đến mấy vẫn ngon đến vô cùng.
Người Nam Đàn làm tương (Ảnh: Internet)
Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Nếu có dịp qua mảnh đất này, bạn hãy mang về cho mình, người thân hoặc bạn bè một chút hương vị tương giản dị này nhé!
Bánh mướt
Thoạt nhìn, bánh mướt có vẻ giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng nó lại có hương vị thơm ngon rất riêng.
Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh được làm vào những buổi sáng sớm tinh mơ. Người làm bánh phải thức dậy từ khi 2 - 3 giờ sáng để nổi nửa tráng bánh thì mới kịp bán cho khách.
Khi thưởng thức, chỉ cần chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng thế là có thể ăn đến no.
Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong (Ảnh: Internet)
Chính người dân nơi đây cũng chẳng rõ bánh mướt có từ khi nào, chỉ biết rằng món ăn dân dã mà ngon đến lạ thường này vẫn luôn được người ta yêu mến từ thủa bé cho đến lúc trưởng thành hay già đi.
Bánh mướt vẫn luôn giữ được hồn quê dân dã (Ảnh: Internet)
Dẫu rằng chiếc bánh mướt theo thời gian đã được người ta cách điệu đi đôi phần như dùng máy để xay bột, dùng thịt heo, mộc nhĩ để làm thêm nhân... nhưng bánh mướt vẫn còn giữ được hồn quê dân dã đến kỳ lạ!
Bánh bèo Vinh
Nếu như bánh bèo Huế được làm từ bột gạo thì bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ thì mới có thể có một mẻ bánh ngon. Để bánh trông đẹp hơn, người bán hàng thường nặn bánh cho giống cánh bèo.
Những con tôm làm nhân bánh không cần to quá nhưng phải được làm sạch chân, râu rồi phi thơm cùng hành mỡ. Được biết, tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị và khi ăn thì mới thấy thơm, thấy bùi.
Đĩa bánh bèo thường phải cho thêm hành khô và một ít rau mùi thì mới hoàn chỉnh. Với những ai thích ăn cay thì có thể cho thêm tương ớt chưng. Bỏ miếng bánh bèo vào miệng sẽ thấy được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô. Món bánh bèo Vình mới chỉ xuất hiện cách đây hơn chục năm nhưng nó đã trở thành một món ăn ngon, nổi tiếng của mảnh đất này.
Mực nháy nướng Cửa Lò
Món mực nháy nướng (“Mực nháy” có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi này dùng để chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên khỏi nước biển còn nguyên độ tươi và được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ khi còn tươi nguyên) ở Cửa Lò từ lâu đã hấp dẫn du khách khi đến xứ biển. Mực ở đây tươi ngon, khi mới câu lên có màu trắng trong. Sau khi sơ chế, người ta cho những con mực tươi mới ấy lên bếp than hoa rực hồng rồi nướng. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã từng công bố 10 đặc sản hải sản Việt Nam trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần thứ 1/2012 trong đó có mực nháy.
Hương thơm lừng của món mực nháy nướng quyến rũ bất cứ ai thưởng thức (Ảnh: Internet)
Hãy cứ thử tưởng tượng, sau khi đắm mình trong làn nước biển xanh mát, bao la, tận hưởng những cơn gió mặn mòi của biển rồi nằm dài trên chiếc ghế ở một quán ven đường, hít hà mùi thơm của mực nướng, từ từ nhâm nhi những miếng mực giòn giòn chấm với gia vị, thậm chí chỉ cần tương ớt thôi đã là quá tuyệt. Cuộc sống dường như lắng lại để con người tận hưởng hết những tinh hoa của biển cả, chỉ có gió và sóng cứ ồn ào, xô mãi không thôi.
Ngoài ra, ở Nghệ An còn có nhiều món ăn ngon như mọc cua bể, ghẹ hấp me, cá giò bảy món, cháo nghêu (Cửa Lò), bánh ngào... Mỗi món ăn đều tạo nên đặc trưng riêng của mảnh đất này.