Bánh lá mơ dẻo nhẹ, mùi thơm đặc trưng, ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy đem lại hương vị vô cùng xuất sắc!
Ẩm thực Việt Nam từ lâu đã nổi danh bởi sự phong phú và đa dạng, mỗi vùng miền đều mang trong mình những món ăn độc đáo, đậm đà hương vị quê hương. Trong vô vàn những món ngon ấy, bánh lá mơ miền Tây nổi lên như một nét chấm phá thú vị, xinh xắn, kết tinh từ sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người dân vùng sông nước. Vậy điều gì đã làm nên sức hút của món bánh dân dã này?
Bánh lá mơ ở miền Tây còn có tên gọi khác là bánh lá mít (vì bánh sau khi được nhồi thành bột thì nắn lên lá mít đem đi hấp). Lá mơ ở miền Tây cùng họ với lá mơ lông ở miền Bắc, hình thù lá nhỏ và dài hơn lá mơ lông (ở miền Bắc gọi lá mơ này là mơ Nam, mơ rừng, rau mơ lá trơn...). Lá mơ này được xay và lọc lấy nước để nhồi bột, lúc tươi lá có mùi hơi hắc nhưng khi hấp chín thì có mùi thơm đặc trưng.
Ở miền Tây, bánh lá mơ vô cùng gần gũi, thân thuộc. Đây là một loại bánh ăn vặt thú vị, rẻ, ngon, dễ làm. Điều đặc biệt của bánh này ngoài mùi vị đặc trưng của lá mơ thì phải nhắc đến thức chấm đi kèm... đó là nước cốt dừa - một loại gia vị thường xuất hiện hầu như rất phổ biến trong tất cả các loại bánh ở miền Tây. Bánh thơm, ngọt nhẹ... hoà quyện với nước cốt dừa ngọt ngọt mặn mặn, ăn vào là nhớ mãi.
Dưới đây là cách làm bánh lá mơ của chị Nguyễn Hoàng Em, các bạn hãy cùng tham khảo nhé:
Chuẩn bị:
- 500g bột gạo tẻ.
- 350g bột gạo nếp.
- 1 nắm rau mơ lá trơn.
- 1 muỗng cà phê muối.
- 2 muỗng canh đường.
- 1 muỗng canh dầu ăn.
- Lá mít (Lá mít dùng để nắn bột lá mơ lên để hấp).
- Làm sốt chấm từ cốt dừa: Nước cốt dừa, một ít muối, đường, một ít bột năng pha loãng.
Cách làm bánh lá mơ miền Tây:
Bước 1: Sơ chế
- Lá mít rửa sạch, để ráo.
- Lá mơ rửa sạch, đem cắt nhỏ rồi xay nhuyễn.
Sau đó vắt rau mơ rồi lược lấy riêng nước. Màu bánh đậm hay nhạt phụ thuộc vào số lượng của lá mơ, thường bánh màu đậm sẽ trông ngon nên mọi người có thể làm nhiều lá một chút... Lá mơ xay xong có màu xanh đậm nhưng khi hấp lên bánh lại có màu xám hoặc đen giống như màu bánh gai miền Bắc.
Bước 2: Nhồi bột
Cho bột nếp trộn với bột gạo, trộn đều với nhau. Sau đó từ từ cho nước lá mơ vừa xay cùng 1 muỗng canh dầu ăn (chống dính bánh quá chặt vào lá sau khi hấp), 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh đường. Lưu ý, vừa thêm nước vừa nhào để tránh việc cho nhiều nước quá bột sẽ nhão.
Nhào cho đến khi được hỗn hợp bột mịn màng, có độ dẻo vừa phải.
Bước 3: Nặn bột lên lá mít
Lấy một ít bột dàn đều và nặn lên khắp mặt lá mít.
Lưu ý, nhớ cắt cuống lá nhọn để cuộn lá và ghim cố định. sau khi dàn bột xong, cuộn lá lại, lấy đầu nhọn ghim lá cho không bị bung ra. Bạn có thể dùng tăm gài vào cho chắc.
Nếu không có lá mít, bạn có thể dùng lá dừa nước, lá chuối để thay thế nhé.
Bước 4: Hấp bánh
Xếp bánh vào trong nồi, hấp khoảng 12-15 phút tính từ lúc nước sôi. Hấp đến khi bánh đổi từ màu bột trắng xám sang màu đen là được. Nếu bạn không cuộn lá mít mà trải đều ra thì hấp khoảng 8-10 phút là bánh chín.
Bước 5: Cách làm sốt chấm từ nước cốt dừa
Pha nước cốt dừa với một ít muối, đường (tỉ lệ cứ 3 muỗng đường, thì dùng 1/3 muỗng muối), một ít bột năng pha loãng vào để tạo độ sệt cho sốt chấm. Cho tất cả vào nồi sun sôi 1 phút thì cho hành lá vào. Đun sôi khoảng 1p rồi cho thêm hành lá vào. Trong thời gian đun nhớ khuấy liên tục để không bị khét. Không đun quá lâu sốt sẽ thành dầu.
Khi ăn, gỡ lá mít ra, cuộn bánh lại rồi chấm với nước cốt dừa.
Hoặc có thể cuộn bánh và đặt lên đĩa, chan nước cốt dừa lên rồi thưởng thức. Nếu ăn không hết có thể cho vào tủ lạnh bảo quản 2-3 ngày. Khi bánh để ngoài nhiệt độ phòng vài tiếng hoặc bảo quản trong tủ lạnh bị cứng thì đem hấp lại vài phút rồi ăn vẫn rất ngon nhé.
Bánh lá mơ dẻo nhẹ, mùi thơm đặc trưng, ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy đem lại hương vị vô cùng xuất sắc!
Chúc các bạn thành công!