Lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng còn cao hơn cả tôm, cá. Do đó món cháo lươn là món ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi. Hãy cùng tìm hiểu những cách nấu cháo lươn ngon mà không hề tanh trong bài viết sau đây.
Cháo lươn là đặc sản có xuất xứ từ Nghệ An, đây là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Theo như thống kê cho thấy, thịt lươn chứa hàng loạt dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như đạm, protein, vitamin A, vitamin nhóm B, canxi, sắt, magie,.... Do vậy món cháo lươn sẽ giống như là bài thuốc bổ dưỡng cho trẻ thêm cứng cáp, bà bầu và người già được bồi bổ hồi phục thể lực. Ngoài ra món ăn này còn có thể giúp chữa suy dinh dưỡng, đau khớp, kiết lỵ, đau mỏi lưng,...
Món cháo lươn hấp dẫn và ngon miệng
Khi chế biến món cháo lươn, điều quan trọng nhất đó là phải loại bỏ hoàn toàn xương mà chỉ giữ lại phần thịt để sử dụng. Ngoài ra cách chế biến cần lựa chọn những nguyên liệu phù hợp để món cháo khi hoàn chỉnh sẽ không hề có mùi tanh của lươn.
1. Cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm không hề tanh
Nguyên liệu nấu cháo lươn
- Lươn đồng: 2-3 con (khoảng 500g)
- Gạo nếp: ½ bát
- Gạo tẻ: ½ bát
- Hành lá, hành khô, rau răm, ngò gai: Tùy theo lượng ăn
- Các gia vị cần thiết: Nước mắm, đường, muối, gừng, tiêu, tỏi,...
Bước 1: Sơ chế lươn
- Lươn tươi sống khi vừa mua về hãy đem ngâm trong nước vo gạo từ 1-2 tiếng để làm sạch bụi bẩn và các chất nhớt dính trên mình lươn.
- Sử dụng gừng, chanh muối để vuốt dọc thân lươn nhằm khử tanh và làm sạch nhớt.
- Dùng dao để rạch một đường dọc theo thân lươn để loại bỏ các phần nội tạng không cần thiết. Sau đó dùng muối chà xát khắp thịt lươn để loại bỏ vi khuẩn.
Công đoạn sơ chế lươn
- Cho lươn vào nồi nước sôi để luộc trong 2-3 phút cùng với gừng, sả rồi vớt ra để nguội.
- Tiến hành tách lấy thịt lươn bằng cách tóm lấy phần đầu lươn rồi dùng tay tuốt phần thịt xuôi xuống dưới, dùng dao để lọc bỏ hoàn toàn thịt lươn ra khỏi xương. Giữ lại xương để nấu nước, loại bỏ các bộ phận không cần thiết.
Bước 2: Nấu nước dùng
- Cho xương lươn đã lọc vào trong nồi nước để đun sôi nấu nước dùng. Đun sôi trong khoảng 15-20 phút với lửa vừa để xương chiết xuất ra hết dưỡng chất.
- Sau khi tắt bếp, lấy phần xương đem giã nát rồi dùng rây lọc lấy cốt qua một miếng vải lọc, rồi bỏ phần bã xương đi. Phần cốt đó cho vào nồi nước dùng đã đun sôi để nấu cháo.
Bước 3: Cách nấu cháo lươn
- Gạo nếp và gạo tẻ ngâm trong nước khoảng 30 phút rồi vo sạch, vẩy cho ráo nước rồi cho vào nồi nước dùng đã chuẩn bị để nấu cháo. Bỏ thêm ½ thìa cà phê muối vào nồi rồi đun cháo với lửa nhỏ, liên tục khuấy đều để không bị cháy dưới nồi.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn và một chút tỏi băm vào phi cho thơm. Sau đó cho thịt lươn đã sơ chế để xào sơ qua cùng với hạt nêm, nước mắm sao cho vừa khẩu vị của bé. Khi thịt lươn chín tới thì tắt bếp rồi múc ra.
Xào lươn để nấu cháo
- Khi nồi cháo bắt đầu chín, bạn cho thịt lươn vào nấu cùng và đảo đều, rồi bỏ hành lá, rau răm, ngò rí vào nồi cháo, đun thêm 1-2 phút rồi tắt bếp. Khi này bạn đã hoàn thành món cháo lươn cho bé ăn dặm rồi.
2. Cách nấu cháo lươn ngon chuẩn vị Nghệ An cho cả nhà
Nguyên liệu nấu cháo lươn
- Lươn đồng: 3-4 con (dành cho 3-4 người ăn)
- Gạo tẻ: 100g
- Gạo nếp: 100g
- Ớt sừng: 2-3 trái
- Nghệ tươi: 1 củ
- Gừng tươi: 1 củ
- Rau răm, hành lá: 1 mớ tùy lượng ăn
- Hành tím: 1 củ
- Các gia vị cần thiết: Muối, hạt nêm, đường, tiêu, dầu ăn, nước mắm,...
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cách sơ chế lươn bạn thực hiện giống như cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm đã liệt kê ở trên. Tách lấy phần thịt lươn và xương, loại bỏ các bộ phận không cần thiết.
- Gạo nếp và gạo tẻ vo sạch, vẩy sạch để ráo nước.
- Ớt sừng bỏ cuống, rửa sạch rồi cắt nhỏ, giữ lại một nửa để nấu cháo, một nửa để nguyên. Gừng, nghệ nạo vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Rau răm, hành lá nhặt bỏ lá héo úa, rửa sạch sau đó thái nhỏ rồi để ráo nước.
Vo gạo để tiến hành nấu cháo
Bước 2: Nấu nước dùng nấu cháo
- Phần xương lươn đã được lọc thịt đem cho vào nồi để nấu nước dùng nấu cháo. Đun sôi nước để hầm trong khoảng 20-30 phút để xương tiết ra hết dưỡng chất.
- Tắt bếp, lấy phần xương lươn để giã nát, lọc lấy cốt qua vải lọc rồi trộn cùng với nước dùng để nấu cháo.
Bước 3: Nấu cháo lươn
- Cho gạo nếp và gạo tẻ vào nồi nước dùng để nấu cháo, bỏ thêm 1 thìa cà phê muối, 1 thìa hạt nêm vào nồi rồi đun cháo với lửa nhỏ, liên tục khuấy đều để không bị cháy dưới nồi, vớt hết bọt nổi ở trên.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn và một chút tỏi, hành tím băm, ớt sừng băm, gừng, nghệ vào phi cho thơm. Kế đến cho thịt lươn đã sơ chế để xào sơ qua cùng với hạt nêm, nước mắm sao cho vừa với khẩu vị ăn. Khi thịt lươn chín tới thì tắt bếp rồi múc ra.
- Khi nồi cháo bắt đầu chín, bạn cho thịt lươn vào nấu cùng và đảo đều. Sau đó bỏ hành lá, rau răm vào nồi cháo, đun thêm 1-2 phút rồi tắt bếp. Như vậy là đã hoàn thành món cháo lươn chuẩn vị Nghệ An rồi.
Món cháo lươn ngon chuẩn vị Nghệ An sau khi hoàn thành
3. Lưu ý để nấu cháo lươn được ngon và hấp dẫn
- Lựa chọn loại lươn ngon nhất để nấu cháo đó là lươn đồng vì chúng chắc thịt, có lợi cho hệ tiêu hóa.
- Không sử dụng lươn đã qua chế biến mua ở bên ngoài về để nấu cháo vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa không chỉ của trẻ nhỏ mà cả người lớn.
- Thịt lươn vốn có tính lạnh, do đó khi ăn cháo lươn không được kèm theo các loại thực phẩm có tính lạnh khác vì dễ gây đau bụng.
- Để nấu cháo lươn cho trẻ, bạn có thể bỏ qua công đoạn xào lươn trên chảo. Thay vào đó hãy lấy thịt lươn nghiền nhỏ rồi ninh nhừ cùng với nồi cháo trong khi chế biến là tốt nhất.
- Bạn có thể bổ sung thêm một số loại rau có giá trị dinh dưỡng và ngon miệng giúp món ăn thêm hấp dẫn hơn như rau mồng tơi, cải thìa, rau ngót,...
Hy vọng với những cách nấu cháo lươn ngon cho cả nhà đã liệt kê ở trên, các bạn đã có thể tự mình làm món ăn cho gia đình được dễ dàng và ngon miệng. Chúc các bạn thành công!