Ngày cuối tuần đúng dịp nghỉ lễ 2-9, chị em hãy trổ tài nấu các món chè ngon cho cả nhà nhé!
Thưởng thức từng thìa chè bưởi dai, giòn thơm ngon, ấm nóng thật là tuyệt.
Nguyên liệu:
- Cùi bưởi: 200 gr (dùng bưởi năm roi hoặc da xanh – mình dùng bưởi năm roi)
- Đường: 200 gr
- Phèn chua: 1 thìa cà phê
- Đậu xanh đã xát vỏ: 100 gr
- Bột năng: 120 gr
- Muối
- Nước cốt dừa
- Nước hoa bưởi
Cách làm:
- Vỏ của quả bưởi dùng dao sắc gọt bỏ phần vỏ xanh và phần trắng mỏng nằm sát múi bưởi, chỉ lấy phần cùi trắng dầy ở giữa. Cùi bưởi thái hạt lựu rồi đem ngâm vào nước có pha muối khoảng 4-5 tiếng. Sau vớt ra bóp xả thật nhiều lần với nước và muối sao cho khi cắn thử miếng cùi không còn vị đắng và cùi bưởi chuyển màu trắng trong và giòn là được.
- Đun sôi nước với phèn chua rồi cho cùi bưởi vào chần nhanh trong khoảng 1 phút (không có phèn chua thì chần qua bằng nước muối cũng được). Vớt cùi bưởi ra và lại bóp xả thật kĩ với nước một lần nữa sao cho hết vị chua (mặn) là được.
- Vắt nhẹ cùi bưởi cho ra bớt nước (không được vắt quá kĩ sẽ làm cùi bưởi bị xơ, dai).
- Trộn cùi bưởi với 100 gr đường rồi cho lên bếp đảo ở mức lửa nhỏ.
- Dùng đũa đảo qua đảo lại cùi bưởi vài lần thì cho vào chảo khoảng 1 thìa canh nước. Sau đó đảo tiếp trong khoảng 4 - 5 phút khi đường tan hoàn toàn và ngấm hết vào bên trong cùi bưởi thì tắt bếp (trong lúc này nếu thấy nước cạn khô thì lại rưới thêm một tí xíu nước).
- Khi cùi bưởi vừa được tẩm với đường xong còn rất nóng, cho luôn 50 gr bột năng vào trộn thật đều để cùi bưởi hút hết phần bột này vào trong.
- Tiếp tục cho thêm 50 gr bột năng, trộn thật đều sao cho bột bao hết bên ngoài cùi bưởi đến khi phần bột bên ngoài khô, cùi bưởi không còn ướt, không còn bột thừa là được.
- Trong lúc trộn bột thì chúng ta tranh thủ bắc một nồi nước lên bếp đun sôi. Khi nước sôi thì cho cùi bưởi vào luộc trong khoảng 4 - 5 phút khi mà cùi bưởi nổi lên là được (chia chỗ cùi bưởi ra luộc làm 2 lần).
- Sau đó dùng muôi thủng vớt cùi bưởi ra rồi ngâm ngay vào bát nước đá (để cùi bưởi giòn, dai hơn).
- Đậu xanh ngâm nước khoảng 2 - 3 tiếng cho nở. Sau đun nước thật sôi rồi cho đậu vào hấp trong khoảng 15 phút là đậu chín (đậu phải chín bở và khô ráo).
- Hòa tan 100 gr đường với 20 gr bột năng cùng nước rồi đổ vào nồi vừa luộc cùi bưởi (sao cho lượng nước trong nồi lúc này vào khoảng 600 ml). Quấy thật đều tay cho đến khi bột chuyển màu trong thì cho cùi bưởi vào đảo đều rồi rắc tiếp đậu xanh vào. Vừa rắc vừa quấy nhẹ đến khi hết đậu thì cho thêm một tí xíu nước hoa bưởi vào, quấy đều lần nữa rồi tắt bếp.
Khi ăn chúng ta múc chè bưởi ra bát và ăn thêm cùng nước cốt dừa.
Xem tại đây để được hướng dẫn chi tiết bằng hình ảnh.
Chè bà ba
Đây là món chè đậm chất miền Nam. Tương truyền, sở dĩ người ta gọi đây là chè bà ba là bởi món chè này ngon độc đáo, giống như người con gái đẹp miền Tây mặc chiếc áo bà ba mộc mạc mà hấp dẫn vô song.
Nhờ có đậu xanh và phổ tai mà món chè này có công dụng giải nhiệt rất tốt. Công đoạn chuẩn bị có vẻ công phu, nhưng kết quả món chè sẽ khiến bạn phải tấm tắc.
Nguyên liệu:
- 1 củ khoai lang bí lớn
- 1 củ khoai môn cao vừa
- 1 chén đậu phộng hạt
- 1 chén đậu xanh cà
- Vài tai nấm mèo
- 1 ít phổ tai (là một loại hải sản gốc thực vật. Đây một loại rong (tảo) biển phơi khô)
- 1 ít bột khoai, bột báng
- 150 gram dừa nạo
- Khoảng 300 gram đường cát
- 1 bó lá dứa, ít bột năng
Cách làm:
- Đậu phộng và đậu xanh ngâm vài giờ.
- Sau đó mang đậu phộng đi nấu cho mềm rồi vớt ra để ráo. Đậu xanh ngâm xong cũng vớt ra để ráo nước.
- Khoai lang và khoai môn gọt vỏ, xắt miếng vuông nhỏ, ngâm nước muối loãng cho không bị thâm. Ngâm đến khi nào nấu mới vớt ra rửa lại.
- Ngâm bột khoai và bột báng trong nước lạnh.
- Phổ tai rửa nhiều lần cho sạch, cắt khúc vừa ăn rồi ngâm nước cho mềm. Nấm mèo cũng rửa kỹ, ngâm nước ấm cho nở rồi xắt sợi nhỏ như phổ tai.
- Nhồi dừa nạo với nước ấm, vắt một tô nước cốt dừa.
- Lá dứa rửa sạch, bó lại cho gọn. Cho nước cốt dừa vào nồi cùng khoảng 1,5 lít nước, thả lá dứa vào rồi đun sôi.
- Cho khoai môn và khoai lang vào nồi nước cốt dừa.
- Khi khoai mềm, lần lượt cho đậu phộng, đậu xanh, bột khoai, bột báng, nấm mèo và phổ tai vào nồi.
- Nấu đến khi đậu phộng mềm và bột báng trong là được. Cho đường vào, nêm ngọt vừa ăn. Pha ít bột năng với nước rồi đổ vào nồi chè. Tắt bếp.
- Món chè này ăn nóng rất ngon nhưng ăn lạnh hương vị hấp dẫn chẳng kém chút nào. Bạn chỉ việc cho vào ngăn mát tủ lạnh vào tiếng là thưởng thức được ngay thôi. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của các loại đậu và khoai, xen lẫn phổ tai và nấm mèo giòn giòn, thoang thoảng hương lá dứa.
- Các bạn có thể thêm khoai mì (sắn), hạt sen… vào món chè bà ba, cũng rất ngon và đúng điệu.
Xem tại đây để được hướng dẫn chi tiết bằng hình ảnh.
Chè trứng cút long nhãn
Ngoài hương vị đặc biệt, chè trứng long nhãn còn có tác dụng dưỡng huyết và an thần. Với những nguyên liệu quen thuộc hằng ngày như trứng cút, long nhãn khô, bạn có thể tạo ra một món chè độc đáo.
Nguyên liệu:
- Trứng cút : 10 quả
- Long nhãn: 100 gr
- Đường phèn: 50 gr
- Gừng
- Thời gian chế biến: 20 phút
- Tổng giá tiền: 25.000 đồng
Cách làm:
- Trứng cút cho vào nồi luộc chín. Sau đó bóc vỏ cho sạch.
- Long nhãn ngâm qua với nước rồi rửa sạch lại.
- Gừng thái chỉ.
- Bắc nồi lên bếp cho long nhãn vào nấu sôi.
- Khi long nhãn nở cho thêm đường vô. Bạn nào ăn nhạt thì không cần phải cho thêm đường nhé. Vì nước long nhãn cũng ngọt rồi.
- Đường tan hết, cho tiếp trứng vào đến khi lòng trắng thấm long nhãn chuyển sang màu nâu.
- Đun sôi thêm 10 phút cho gừng vào và tắt bếp.
- Cho chè ra bát thưởng thức khi còn nóng.
- Món chè trứng cút long nhãn với cách chế biến vô cùng đơn giản và nhanh gọn nhưng mang lại cảm giác mới mẻ cho người ăn.
- Vị bùi của trứng và dai của long nhãn quyện với hương thơm của gừng và nước đường thanh mát sẽ giúp bạn đỡ mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng. Với cách nấu này trứng dai hơn, thêm vị béo bùi của lòng đỏ khiến món chè trứng cút long nhãn thêm ngon...
Xem tại đây để được hướng dẫn chi tiết bằng hình ảnh.
Tổng hợp
Món ngon tại Bếp Eva: