Đầu bếp bánh Nguyễn Văn Khu quan niệm: "Nếu bạn giúp được ai bất cứ cái gì, dù vật chất hay công sức, hãy luôn mở rộng lòng mình, để mình thấy cuộc đời này nhiều ý nghĩa hơn”.
Đam mê nấu ăn từ những ngày còn học lớp 3, lớp 4 thế nhưng duyên phận lại đưa anh Nguyễn Văn Khu (35 tuổi, Hà Nội) trở thàn đầu bếp bánh một cách tình cờ, như cơn mưa mùa hạ đến mà không báo trước. Anh tâm sự, bản thân lớn lên ở vùng quê Thái Bình, gắn bó với nhiều món ăn dân dã đã hình thành ở 8X những ký ức ẩm thực tuổi thơ không thể phai nhòa.
Cũng từ đó, một hạt giống nảy mầm trong ước mơ của chàng trai quê lúa là trở thành đầu bếp. Thế nhưng, vào thời điểm đi thực tập, anh lại được giao cho nhiệm vụ ở bếp bánh của khách sạn. Cuối cùng, nhờ mối nhân duyên ấy, đến nay, ông bố 2 con đã chính thức là đầu bếp bánh được 16 năm và rất nổi tiếng trong lĩnh vực này.
Trước khi trở thành ông chủ, anh Khu có hơn 10 năm đầu bếp bánh ở 2 khách sạn 5 sao tại Hà Nội. Đây cũng là cái nôi giúp anh trau dồi kinh nghiệm, khẳng định được tay nghề, bản thân, để sau nhiều năm, 8X mạnh dạn "ra riêng", xây dựng cho mình một thế giới lúc nào cũng ngào ngạt mùi thơm của bánh, của bơ.
Không chỉ mở công ty về bánh, anh còn đi tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ bánh cho đối tác nước ngoài. Anh tâm sự, "Đến với bánh là duyên với mình rồi, bắt đầu từ những ngày thực tập ấy. Sau nhiều năm, Khu vẫn đang nỗ lực hơn để tạo cho mình 1 chỗ đứng ổn định hơn".
Hiện tại, ngoài mảng bánh, anh còn làm thêm mảng đồ ăn mặn. Có lẽ, dù đam mê với bánh nhưng sở thích nấu ăn của anh vẫn chưa khi nào mất đi cả. Chính vì thế, ông bố 8X vẫn muốn làm riêng cho mình 1 concept đồ ăn đậm chất quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, để anh có thể mang hương vị tuổi thơ vào trong mâm cơm của các gia đình Việt Nam.
Làm bánh là nghề còn nấu ăn là sở thích của anh Khu
Hai năm trở lại đây, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tất cả các ngành nghề và mảng bánh của anh cũng chẳng thế nào tránh được. Năm 2020, anh đã phải đóng cửa một quán cà phê bánh ngọt được đầu tư đầy tâm huyết, cũng như tiền bạc, ý tưởng. Đến đầu năm nay, ông bố đầu bếp lại tiếp tục chia tay 1 căn bếp chuyên làm đồ online...
Khó khăn bủa vây là thế nhưng 8X vẫn luôn vui vẻ, nỗ lực để duy trì công ty và 1 căn bếp studio rất chuyên nghiệp, dành để quay video, chụp và nghiên cứu, dạy nấu ăn. Mặc dù mọi thứ không còn đi theo quỹ đạo mà bản thân vẽ ra nhưng chưa khi nào anh cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng chân cả. Đằng sau anh còn là đam mê, là ước mơ cần thực hiện.
Không chỉ nổi tiếng tay nghề cao trong giới bánh, anh Khu còn được nhiều người biết đến là một đầu bếp đam mê từ thiện. Đối với anh, không được lao động, không được cống hiến có nghĩa là "bạn đã chết".
"Bởi vì xuất thân từ nông thôn, cộng thêm mình là người năng nổ nên việc làm và làm nó luôn ở trong mình. Tranh thủ ngày nghỉ hoặc ngày cuối tuần là mình đi làm từ thiện ngay tại Hà Nội hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước đây mình hoạt động trong Nhóm Ước Mơ Xanh Hà Nội từ 2011 - 2016 với các hoạt động hướng đến Người khuyết tật Việt Nam, các cụ già neo đơn và các con bị chất độc màu da cam, trẻ em ở các trại trẻ mồ côi. Hàng tháng nhóm sẽ lên kế hoạch để đi lên trao quà hoặc nấu ăn cho mọi người hoặc hỗ trợ dạy họ 1 công việc nào đó (như anh Trịnh Công Thanh là chủ tịch Hội Thanh Niên Khuyết Tật Việt Nam đã và đang làm).
Từ 2016 đến nay, Khu hoạt động tự do vào các nhóm, tổ chức mà có uy tín hoặc bạn bè Khu đã từng tham gia. Như Nhóm Người Tôi Cưu Mang chuyên đi nấu soup, cháo dành tặng các con tại Viện Huyết Học Truyền Máu Trung Ương vào chủ nhật hàng tuần tại Chùa Trung Kính, 2-3 tháng có 1 hoạt động đi xa phát quà hỗ trợ nấu ăn dành tặng các con hoặc bà con miền núi. Ngoài ra Khu cũng kết hợp với 1 câu lạc bộ của Trung Ương Đoàn Việt Nam tổ chức làm bánh Trung Thu - bánh chưng cùng các Hoa Hậu Việt Nam… để đến tận nơi trao và tặng quà, đến năm 2021 này là 5 năm liên tiếp Khu đồng hành cùng các hoạt động đó. Hi vọng 2022 mọi hoạt động vẫn được tiếp diễn", Anh chia sẻ về quá trình hoạt động từ thiện của mình qua nhiều năm.
Trong năm vừa qua, mặc dù dịch bệnh hoành hành phải hạn chế đi lại nhưng ông bố 2 con vẫn đóng góp sức lực cho các chương trình thiện nguyện mà bản thân thấy ý nghĩa. Với quan niệm của 8X, "cho đi là còn mãi” nên anh luôn tâm niệm rằng, "Nếu bạn giúp được ai bất cứ cái gì, dù vật chất hay công sức, hãy luôn mở rộng lòng mình, để mình thấy cuộc đời này còn nhiều ý nghĩa hơn”.
Anh Khu và bạn bè thân thiết có chung sở thích nấu ăn, làm bánh rất tích cự tham gia các hoạt động từ thiện
Hầu hết thời gian hoạt động thiện nguyện của anh và nhóm Chef Thiện Chiến (nhóm thành lập được 5 năm) của mình 2 năm vừa rồi đều diễn ra ở Hà Nội, nấu ăn hỗ trợ các y bác sĩ, công an, dân phòng tuyến đầu chống dịch bằng những phần cơm, bánh và nước trong đợt Hà Nội giãn cách xã hội 2020 và 2021.
Anh và nhóm trực tiếp vận động xin đóng góp từ các mạnh thường quân, các anh em bạn bè… Không chỉ thế, nhóm cũng hỗ trợ các nhóm khác khi họ xin được vật chất mà không có ai nấu. Thời gian nhóm làm hoạt động này làm từ những ngày đầu có dịch đến tháng 9 năm 2021. Tất cả các thành viên trong nhóm nấu cùng nhau đều là những bạn bè đã quen biết và gần như đều làm đầu bếp hoặc đam mê nấu ăn với anh.
Những suất cơm ngon, sạch và đủ dinh dưỡng dành tặng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch
Nấu ăn từ thiện trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát không phải đơn giản. Để đảm bảo an toàn, các thành viên trong nhóm anh thường xuyên làm xét nghiệm PCR. Anh chia sẻ, mọi người có thể ngủ tại chỗ nấu và không di chuyển nhiều, chỉ đi từ nhà qua chỗ nấu, hạn chế tiếp xúc với người lạ và các thành viên phân chia nhau để nấu. Đội đưa cơm cũng là 1-2 người chuyên đi hàng ngày, những ai đứng bếp thì chỉ ở bếp gọi đồ về sơ chế và nấu.
Những lời cảm ơn viết vội của những người làm tuyến đầu khi được nhóm anh tặng suất ăn
Những suất cơm mà nhóm anh nấu ra đều do các mạnh thường quân đóng góp. Những người ở nơi xa gửi thực phẩm đến để chế biến. "Ngoài ra mình cũng vận động người thân quen, các đối tác, các nhãn hàng mà Khu quen biết để họ ủng hộ vật chất và nguyên liệu họ có sẵn. Bên cạnh đó, Khu cũng dạy online gây quỹ từ thiện để lấy tiền mua gạo đi phát cho bà con vùng phong toả", anh nói.
Nhóm anh tự tay lựa chọn sơ chế nguyên liệu và vận chuyển đồ ăn
Trong cả đợt nguyện này, mỗi ngày nhóm của anh sẽ nấu từ 150-400 suất tùy theo ngày. Dịch căng thì nhiều phần cơm được nấu hơn dành cho anh chị em tuyến đầu. Các món ăn được nhóm nghiên cứu theo các nhóm dinh dưỡng, định lượng khẩu phần ăn của mỗi người. Các món ăn từ bò, cá, gà, heo, hải sản… được thay đổi theo ngày hoặc dựa vào nguyên liệu bà con ủng hộ. Anh cho biết, một buổi nấu nhóm sẽ sắp xếp làm sao cho đủ số người để nấu ít hay nấu nhiều. Nếu nấu cho 150 suất 1 bữa thì chỉ cần 4-5 người sơ chế, nấu nướng và chia đồ sau đó chở đi. Số lượng người sẽ tăng nếu suất ăn tăng.
Anh Khu quan niệm, hãy luôn sống như 1 đóa hoa tỏa hương
Những ngày đầu có dịch thì anh Khu cùng nhóm sang Bệnh Viện Nhiệt Đới TW cơ sở 2 để hỗ trợ 1 nhóm khác nấu 400-500 suất 1 bữa vào 2 ngày cuối tuần. Sau đó nhóm lại về bên nội thành nấu cùng các nhóm khác dành tặng các y bác sĩ tại CDC Hà Nội, Cấp cứu 115 Phan Chu Trinh, Đại Học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi nhóm sẽ nấu khoảng 1 tháng rồi lại nhóm khác nấu. Ngoài hoạt động nấu ăn cho tuyến đầu ra thì nhóm anh còn mua gạo đi tặng các nơi phong toả bằng quỹ vận động được, hỗ trợ tặng quà nhu yếu phẩm đến những người lao động mất việc làm, các em sinh viên.
"Mỗi lần mà trực tiếp Khu đi trao cơm thấy mọi người khen và ăn hết những phần cơm thì cả nhóm vui lắm. Cũng hỏi han xem mọi người muốn đổi bữa món gì để anh em làm. Cả nhóm cũng rất vui khi được làm những việc ý nghĩa đó", đầu bếp 35 tuổi xúc động tâm sự.
Anh chia sẻ, khi đặt mình vào hoàn cảnh của những người tuyến đầu chống dịch mới thấy được sự vất vả của họ. Anh cảm nhận những điều mình và nhóm làm vẫn còn rất nhỏ bé so với sự hi sinh của các y bác sĩ… "Thực sự nhờ có họ mà mọi tổn thất về người cũng giảm đi rõ rệt. Mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống quay về bình thường. Cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất đến với các anh chị em tuyến đầu và cầu cho mọi người dân luôn bình an".
Hiện tại, không còn giãn cách xã hội, nhóm của anh đã tạm dừng việc nấu ăn cho tuyến đầu chống dịch từ cuối tháng 9. Những ngày cuối năm, nhóm của anh lại có thêm những dự án mới, chuẩn bị làm 1000 chiếc bánh chưng cho trẻ em miền núi.
Anh và nhóm bạn sắp tới sẽ có chương trình làm 1000 chiếc bánh chưng cho trẻ em miền núi.
Anh tâm sự, khi đã làm việc gì đều xác định 2 dòng dư luận, 1 là khen, 2 là chê. Thế nên việc của mình là hãy làm thật tốt những điều đang tốt rồi, còn việc kia hãy tạm bỏ ngoài tai gác qua 1 bên. Anh luôn quan niệm 1 điều, hãy sống và làm việc với những gì bạn thích, "hãy sống như 1 đoá hoa luôn toả hương đi và hãy luôn chiến hết mình dù ngày mai có ra sao thì ta vẫn là người đã chiến thắng chính bản thân ta".