Bất cứ du khách nào đến Hà Tĩnh sẽ bị thu hút bởi những món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn nhưng giản dị như hồn người nơi này.
Hà Tĩnh là mảnh đất nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, sông núi hùng vĩ thơ mộng. Vùng đất này còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như ca trù, ví đò đưa, hát dặm… Không chỉ thế, bất cứ du khách nào đến đây còn bị thu hút bởi những món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn nhưng giản dị như hồn người nơi này.
Kẹo Cu đơ
Món kẹo này bạn có thể tìm mua ở nhiều điểm du lịch khác nhau nhưng thực sự, chỉ đến với Hương Sơn, Hà Tĩnh, bạn mới có thể tìm mua cho mình loại kẹo thơm ngon nhất.
Nghe nói, ở vùng Hương Sơn có một gia đình nấu kẹo “gia truyền” rất ngon chỉ bằng ba thứ nguyên liệu là mật mía, lạc (đậu phộng) và bánh đa. Loại kẹo này đến đời người con thứ Hai thì nổi tiếng khắp vùng. Anh “Cu Hai” là chủ của lò kẹo ngon nhất này. Tới thời Pháp xâm lược, nhiều người gọi vui kẹo anh Cu Hai là kẹo “Cu đơ” (đơ theo số đếm tiếng Pháp là hai). Thế là từ cuối thế kỷ 19 đến nay, tên gọi Cu đơ đã thành thương hiệu của món kẹo đặc sản này.
Kẹo Cu đơ - đặc sản Hà Tĩnh - được làm chủ yếu từ lạc và mật mía. Mật mía được bỏ vào chảo chuyên dùng để đun sôi chảy, trộn thêm một số phụ gia như gừng, vừng (mè), bột mạch nha để bánh được mềm hơn sau khi tráng. Sau đó, lạc nhân (đậu phộng hạt) được thêm vào chảo mật đang sôi, với nhiệt độ nhất định, lạc sẽ hóa giòn tan và rất thơm.
Kẹo Cu đơ được làm chủ yếu từ lạc và mật mía (Ảnh: Internet)
Sau khi mọi thứ đã vừa độ, người làm kẹo sẽ dùng những miếng bánh đa nướng (bánh tráng) cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau. Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến cu đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay, vừa sạch sẽ, lại đỡ mất công bóc giấy mà ăn vẫn giòn, ngon, hợp khẩu vị.
Ăn cu đơ và nhâm nhi cùng bát nước chè xanh bạn sẽ có cảm nhận sự nồng hậu của những con người nơi mảnh đất “đồng chua nước mặn” này (Ảnh: Internet)
Cầm miếng bánh cu đơ trên tay vừa nặng, vừa chắc, cắn miếng bánh phải dẻo quẹo, nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc, đấy mới là chiếc bánh chuẩn và ngon. Ăn cu đơ và nhâm nhi cùng bát nước chè xanh bạn sẽ có cảm nhận sự nồng hậu của những con người nơi mảnh đất “đồng chua nước mặn” này.
Kẹo Cu đơ Hà Tĩnh từng vinh dự là lễ vật được dâng lên Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013.
Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch là thứ quả bưởi khá đặc biệt trong cả nước. Bưởi có dạng hình cầu tròn trĩnh, bề ngang và chiều cao gần như bằng nhau. Khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Đặc biệt, cuống quả không lồi, đế quả lại hơi lõm, vỏ không trơn nhưng cũng chẳng ráp, màu sắc vỏ quả có màu xanh vàng. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, còn khối lượng quả đạt không to như những loại bưởi khác chỉ từ 1- 1,5 kg, một trái bưởi có 14 -16 múi/một quả.
Bưởi Phúc Trạch khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên (Ảnh: Internet)
Loại bưởi này ngon và quý đến nỗi, năm 2002, nó công nhận là một trong 7 loại cây ăn quả quí hiếm cấm không được xuất khẩu giống.
Mực nhảy Vũng Áng
Vũng Áng vốn là một khu kinh tế cảng biển của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nổi bật là một vùng biển xanh non nước hữu tình. Đến Vũng Áng bạn còn được nhiều món hải sản vô cùng tươi ngon, nhất là mực nhảy.
Những con mực nhảy ở Vũng Áng tươi rói (Ảnh: Internet)
Loại mực nhảy Vũng Áng - đặc sản Hà Tĩnh - này được những người thợ câu trong đêm sau đó đem thả vào các khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán. Vì mực ở đây luôn tươi rói, lúc nào cũng nhảy nhót vì mới có tên là mực nhảy. Theo người dân nơi đây, mực nhảy còn được gọi là mực “nháy”, muốn nhấn mạnh đôi mắt mực còn sống nhấp nháy, hoặc da mực mới vớt lên khỏi nước ánh lên lấp lánh. Dù là mực “nhảy” hay mực “nháy” thì cùng giống nhau ở đặc điểm là mực còn tươi, sống.
Mực nhày dù là chế biến thành món gì thì khi thưởng thức, thực khách vẫn luôn cảm nhận được vị giòn giòn, tươi ngon của mực nơi này (Ảnh: Internet)
Mực nhảy có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác như luộc, xào, hấp hay gỏi… Dù là món gì thì khi thưởng thức, thực khách vẫn luôn cảm nhận được vị giòn giòn, tươi ngon của mực nơi này.
Bánh bèo
Bánh bèo là thứ bánh quê dân dã, là đặc sản của nhiều nơi, nhiều vùng như Huế, Quảng Bình, Nghệ An… ấy thế nhưng, bánh bèo Hà Tĩnh là mang hương sắc rất riêng biệt, quyến rũ được cả hồn người.
Hãy cứ tưởng tượng, vào tiết trời se se lạnh giá, thưởng thức những miếng bánh bèo nóng hổi với những lát tươi cay xé lưỡi thật thú vị biết bao (Ảnh: Internet)
Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm, bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt. Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon.
Hãy cứ tưởng tượng, vào tiết trời se se lạnh giá, thưởng thức những miếng bánh bèo nóng hổi với những lát tươi cay xé lưỡi thật thú vị biết bao. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn.
Gỏi cá đục
Gỏi cá đục vốn là đặc sản tươi ngon của vùng biển Tam Bình (Bình Thuận) thế nhưng ở mảnh đất Hà Tĩnh cũng có thể làm ra món gỏi này ngon không kém.
Cá đục có hình dáng thon nhỏ, hơi giống cá bống, dàu khoảng 13-18cm. Loài cá này sống gần bờ biển vì thế cũng dễ đánh bắt. Thịt cá đục rất chắc, trắng lại có vị ngọt và cá xuất hiện quanh năm cho nên nó chẳng khó để trở thành một loại hải sản được ưa thích.
Ăn kèm gỏi cá đục sẽ là các loại rau thơm như lá đinh lăng, sung, cùng xoài xanh, khế chua, chuối xanh… (Ảnh: Internet)
Gỏi cá đục - đặc sản Hà Tĩnh - làm cũng không hẳn là khó nhưng chắc chắn, người dân ở đây có bí quyết làm gỏi riêng cho nên gỏi cá đục mới hấp dẫn người ăn đến như vậy. Ăn kèm gỏi cá đục sẽ là các loại rau thơm như lá đinh lăng, sung, cùng xoài xanh, khế chua, chuối xanh… cuốn với bánh tráng, chấm nước gia vị. Cắn một miếng gỏi cá đục, bạn sẽ cảm nhận được vị béo béo, bùi bùi của cá, các vị chua, cay… vô cùng thú vị.
Ngoài ra, đến Hà Tĩnh bạn còn được thưởng thức nhiều món ngon khác như Cam bù Hương Sơn, Hồng ngâm Thạch Hà, bánh gai Đức Thọ, ram bánh mướt,... hay các loại hải sản tươi ngon khác. Mỗi món ăn hấp dẫn này đều mang phảng phất chất giản dị mộc mạc của những con người mảnh đất sông Lam, núi Hồng.
Mộc Lan
Đặc sản các vùng tại Bếp Eva: