Cách làm vải thiều phơi nắng tại nhà vô cùng đơn giản, chị em nào cũng có thể thực hiện được.
Vải là loại quả đặc trưng của mùa hè, được rất nhiều người yêu thích vì có vị ngọt ngon, nhiều nước, thơm lừng. Vải có thể ăn trực tiếp, đem làm sinh tố, ngâm để pha trà, làm kem... Mỗi món ăn có hương vị hấp dẫn riêng khiến ai cũng phải mê mẩn. Bên cạnh đó, vải thiều sấy khô hoặc vải phơi khô cũng là món được nhiều người yêu thích. Nếu nhà không có lò sấy, bạn có thể tận dụng thời tiết nắng nóng của tháng 6, tháng 7 để phơi khô vải cũng đem lại thành phẩm ngon tương tự.
Cùng Bếp Eva tham khảo cách làm vải thiều phơi nắng của chị Vũ Thanh Hoan (Hà Nội) dưới đây nhé:
Chuẩn bị:
- Vải thiều
- Muối ăn
Vải thiều phơi nắng là ngon nhất
Cách làm:
Bước 1: Chọn vải
Nói chung, để vải phơi nắng có nhiều cùi và ngọt thì tốt nhất bạn nên chọn vải thiều. Loại vải này hạt bé, hương vị lại thơm ngon. Chọn những quả trông thật tươi, lá còn xanh nguyên, cành tươi không khô quắt. Sờ vào quả vải thấy nhẵn, căng mọng, vỏ có hàu hồng tươi thỉnh thoảng có chỗ pha vàng nhạt. Không nên chọn những quả vỏ sần sùi, nhiều gai, vỏ có màu trắng xanh. Tốt nhất nên bóc ra nếm thử, thấy cùi trong veo, dày, ngọt, hạt nhỏ là được.
Bước 2: Sơ chế
Sau khi mua vải về, chúng ta cắt từng quả ra khỏi cành, để lại khoảng 0.5cm cuống. Tuy nhiên bạn không nên dùng tay giật quả ra, làm như vậy vỏ vải sẽ bị nứt, làm trứng côn trùng và vi khuẩn sẽ xâm nhập vào quả vải trong quá trình phơi.
Hòa một ít muối vào chậu nước, cho vải vào ngâm khoảng 30 phút để loại bỏ bụi bẩn, trứng côn trùng.
Bước 3: Phơi nắng
- Vớt vải ra, dùng khăn giấy thấm khô quả rồi rải các quả vải đều ra mẹt, rồi đem phơi nắng.
- Với nắng thông thường thì phơi từ 15-20 nắng. Còn vào những ngày nắng gay gắt, khoảng gần 40 độ C thì chỉ cần phơi 10 nắng là đủ.
- Cứ sáng mang ra sân (ban công) phơi, chiều hết nắng lại cất vào.
Lưu ý: Đang phơi nắng dở mà bị mưa, không nên lo lắng, mang mẹt vải vào để chỗ thoáng gió (nếu không có gió thì có thể bật quạt), khi nào có nắng lại mang ra phơi là được.
Đặc biệt, khi nào quyết định mang vải phơi nắng, bạn nên xem dự báo thời tiết trước, nếu thấy thông báo có đợt nắng dài ngày thì nên phơi.
- Phơi đến khi nào lắc được quả là khi đó đạt. Bóc thử ra ăn, thấy long vải héo lại, ngọt sắc, ráo đường, sờ không dính tay, dẻo dẻo như vải sấy là được.
Vải thiều phơi nắng cho thành phẩm long vải ăn rất ngon
Bước 4: Bảo quản
Vải sau khi phơi khô xong, đem hút chân không để dành ăn dần tới tận Tết.
Vải thiều phơi nắng thì làm món gì?
Vải thiều phơi nắng cũng như vải sấy khô, đều thu được long vải. Long vải có thể dùng để ăn trực tiếp, nấu các loại chè, sắc nước uống giải khát hay ngâm rượu đều được.
Chúc các bạn thành công với cách làm vải thiều phơi nắng này!