Theo các chuyên gia phong thủy, lễ vật và ngày giờ cúng Táo quân cũng cần thực hiện đúng chuẩn.
Năm nay, Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào ngày thứ Sáu 17/1/2020. Cũng trong dịp này, theo phong tục cổ truyền, để lấy lòng các vị Táo quân, người dân sẽ chuẩn bị các lễ vật và mâm cỗ cúng, tiễn họ về trời. Dưới đây là lễ vật cúng cũng như ngày giờ cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất theo gợi ý của các chuyên gia phong thủy.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Nơi cúng ông Công ông Táo:
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho rằng, nếu gia đình nào có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) riêng thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không thì bắt buộc phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên là nơi trang trọng nhất chứ không tiến hành cúng lễ ở bếp.
Nguyên nhân là bởi ban thờ luôn được coi là "ăng ten" để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh. Còn bếp là nơi chế biến các món ăn, có nhiều mùi dầu mỡ, không được trang trọng.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương (Ảnh: Internet)
Lễ vật cúng ông Công ông Táo:
Lễ vật cúng ông Công ông Táo thường bao gồm mũ ông Công ông Táo, mâm cỗ mặn và cá chép sống để phóng sinh:
- Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hai ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
- Ngoài bộ mũ, các gia đình thường chuẩn bị 1 mâm cỗ mặn cùng các lễ vật khác như bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép sống.
- Mâm cỗ cúng Táo quân trong truyền thống bao gồm rất nhiều món. Một mâm cỗ đầy đủ nhất thường có: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Hiện nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ cúng cũng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món ăn trên. Ngoài vàng mã thì tùy theo từng gia cảnh, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân về trời.
Ngày, giờ cúng Táo quân
- Ngày cúng:
Tuy 23 tháng Chạp (âm lịch) mới là ngày chính các Táo về trời, nhưng phần lớn nhiều người đã cúng từ vài hôm trước. Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, "Mọi người có thể cúng trước ngày 23 nhưng chỉ nên cúng từ ngày 20 âm lịch trở đi".
Chuyên gia lý giải, lý do không thể cúng trước ngày 20 trở về trước vì từ ngày 15-19 âm lịch vẫn còn khí của ngày Rằm. Trong đó, 15 là Rằm, 16 trăng tròn, 17 ngày xấu sẽ không ai cúng, 18 là ngày Tam nương, còn ngày 19 là ngày tận cùng từ đầu 1 đến đầu 2 nên cũng không ai thích. Do đó, bà nhấn mạnh, cúng Táo quân có thể cúng từ ngày 20 đến ngày 23.
Chuyên gia phong thủy Song Hà (Ảnh: Internet)
- Giờ cúng:
Chuyên gia Nguyễn Song Hà chia sẻ, "mọi người nên cúng trước giờ Ngọ (tức là trước 12 giờ trưa), bất đắc dĩ lắm mới cúng quá giờ ngọ. Nếu mọi người bận quá cũng phải cúng trước giờ Hợi (trước 23 giờ) và phải cúng giờ Tuất trở ra (trước 19-21 giờ). Mọi người không nên cúng 22 giờ bởi giờ đó muộn rồi, theo dân gian như vậy ông Công ông Táo sẽ bị nhỡ tàu, nhỡ xe, không kịp lên chầu Ngọc Hoàng”.
Theo chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh, ngày đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo vẫn là 23 tháng Chạp hàng năm. Còn giờ đẹp để cúng sẽ từ 7-9 giờ sáng ngày 23 tháng Chạp.
Gợi ý một số mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cho chị em văn phòng
Nếu đầy đủ thì một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo phải đầy đủ như trên nhưng do cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, các gia đình đã đơn giản hóa đi nhiều. Mâm cỗ cúng các thần Táo hiện nay thường được kết hợp giữa những món ăn hiện đại và truyền thống sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cũng như sở thích của gia chủ. Chỉ cần mâm cỗ có hương vị thơm ngon, đẹp mắt, nhưng vẫn thể hiện sự trang nghiêm trong ngày cúng ông Táo này là được. Dưới dây là một số mâm cỗ cúng ông công ông Táo đơn giản chị em tham khảo.
Một mâm cỗ ngon với 8 món rực rỡ sắc màu của chị Hưng Giang (Hà Nội). Các món gồm gà luộc, xôi gấc đóng hình cá chép, tôm hấp, xào thập cẩm, giò hoa, há cảo, đậu phụ bao bố, canh rau củ, hoa quả
Một mâm cỗ gồm nhiều món ăn truyền thống của chị Giang Thúy Nga (Hà Nội). Mâm cỗ cũng gồm món gà luộc, xôi lá cẩm, canh miến, hành tím muối chua, nem rán, giò hoa, bánh trôi ngũ sắc, đỗ xào, hoa quả, cá chép sống để phóng sinh
Mâm cỗ cúng đơn giản của chị Hà Trương gồm gà luộc, bánh chưng, canh khoai, giò xào, giò lụa, thịt xào, xôi
Mâm cỗ gồm 10 món của chị Lại Kim Chi
Mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình chị Nhung, Hà Nội gồm nhiều món ăn truyền thống
Mâm cỗ đơn giản, ít món nhưng vẫn ý nghĩa