Cách làm bún tươi không cầ khuôn ép tại nhà của chị Hồng Vân vô cùng đơn giản, ai cũng có thể làm được.
Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều khu vực bị phong tỏa vì xuất hiện F0 chính vì thế việc đi mua thực phẩm nấu ăn không hề dễ dàng với chị em nội trợ. Đặc biệt là một số nguyên liệu như bún tươi, phở tươi... không hề dễ mua. Thế nhưng "trong cái khó ló cái khôn", chị Hồng Vân (Biên Hòa, Đồng Nai) đã nghĩ ra cách làm bún tươi, bánh canh tươi vô cùng hiệu quả, giúp gia đình được thưởng thức những món từ bún mà tưởng chừng không thể thực hiện được trong mùa dịch bệnh hoành hành.
Chị Hồng Vân
Chị Hồng Vân chia sẻ, khu chị ở đã phong tỏa được gần 2 tháng nay. "Do đó, việc mua bún tươi hoặc bún khô đều rất khó khăn, mà nhà mình thì rất thích ăn bún. Cho nên mình đã thử làm bún tại nhà với nguyên liệu và dụng cụ đơn giản dễ tìm".
Dưới đây là cách làm bún tươi và bánh canh tươi tại nhà của chị Hồng Vân, chị em có thể tham khảo:
1. Nguyên liệu
Nguyên liệu chung để làm bún và bánh canh sẽ gồm bột gạo tẻ, bột năng, giấm, muối, dầu ăn và dụng cụ là cái bình nước muối sinh lý đã dùng hết.
Cụ thể:
- Nguyên liệu làm bún: 300g bột gạo, 80g bột năng, 1 muỗng cà phê muối,15ml giấm hoặc chanh, 30ml dầu ăn, 300ml nước nóng 60-70 độ
- Nguyên liệu làm bánh canh: 190g bột gạo, 190g bột năng. Muốn dai hơn thì có thể cho bột năng nhiều hơn, muốn bánh canh mềm thì bột gạo nhiều hơn,1 muỗng cà phê muối, 15 ml giấm hoặc chanh, 30ml dầu ăn, 300ml nước ấm nóng.
- Dụng cụ: 1 vỏ bình nước muối sinh lý loại 500ml và có nắp nhọn
2. Cách làm
Bún tươi và bánh canh tươi có cách làm giống nhau, chỉ khác về tỉ lệ các nguyên liệu đã viết ở trên. Do đó, các bạn có thể hình dung cách làm chung của bún tươi và bánh canh như dưới đây:
Bước 1: Trộn bột
- Trộn đều bột gạo, bột năng và muối và giấm hoặc chanh. Sau đó cho nước ấm nóng nhồi bột, nhớ cho từ từ lượng nước vào vì tùy độ hút nước của bột.
Bước 2: Đổ bột vào vỏ chai
- Sau khi nhồi trộn bột đều sệt rồi thì cho dầu ăn vào trộn đều lần nữa rồi cho bột vào vỏ chai nước muối sinh lý. Phần nắp nhọn được cắt để tạo lỗ, lúc sau bóp bột qua lỗ này. Vặn chặt nắp chai lại.
Bước 3: Làm và luộc bún tươi/bánh canh tươi
- Chuẩn bị một nồi nước sôi luộc bún hoặc bánh canh.
- Khi nồi nước sôi, bắt đầu bóp bột vào nồi nước. Tuỳ vào lực bóp của tay và độ cao của chai đựng bột so với mặt nước luộc sẽ cho ra 2 sợi to và nhỏ.
- Mỗi đợt nên bóp ít bột để tránh cho sợi bún/bánh canh chín không đều.
Video cách bóp bột
- Khi nào sợi bún/bánh canh trong nồi nước nổi lên thì thành phẩm đã chín, vớt ra ngay cho vào chậu nước có đá lạnh để sợi bún/bánh canh có độ giòn. Rửa bún nhiều lần cho đến khi thấy nước trong thì để ra rổ thưa cho ráo nước.
Chú ý:
- Muốn tạo bún sợi nhỏ thì nâng cao chai bột lên và bóp nhẹ, dùng 1 tay để bóp.
- Muốn tạo bánh canh hoặc sợi bún bò to thì dùng 2 tay bóp, hạ thấp chai bột sát mặt nước.
- Bột pha sệt nặng tay là được. Nếu lỡ tay cho nhiều nước bột loãng thì bắc lên bếp khuấy lửa nhỏ cho bột sệt nặng tay.
Chúc các bạn thành công!