Khi nấu cơm, chị em nội trợ vo gạo quá kỹ sẽ làm mất đi một số dưỡng chất vốn có trong gạo.
Nhiều người cho rằng, nấu 1 nồi cơm trắng, đơn giản chỉ cần một vài thao tác nhỏ như vo gạo, chắt bẩn, đổ nước và cho vào nồi cắm điện. Tuy nhiên, vo gạo như thế nào, nấu cơm bằng nước gì, có phải hớt bọt thường xuyên không... lại là điều không phải chị em nào cũng thực hiện đúng.
Cơm chứa nhiều chất dinh dưỡng
Theo Ths.Bs Doãn Thị Tường Vi (Viện phó - Viện dinh dưỡng Lâm sàng), cơm có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt. Không chỉ cung cấp chất đường nhằm bổ sung năng lượng cho thể, cơm còn chứa nhiều vitamin B (B1, B3, B6) và chất xơ. Bên cạnh đó, lớp ngoài của hạt gạo chứa các khoáng chất như magie, sắt, kẽm,….
“Để chuyển hóa chất bột đường trong cơm, vai trò của chất xơ bên ngoài hạt gạo rất quan trọng. Nhưng, nhiều chị em nội trợ đã làm hao hụt dưỡng chất này trong quá trình nấu. Thông thường, chất xơ trong hạt gạo có tác dụng chống tạo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và làm chậm quá trình đường chuyển vào máu, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường”, bác sĩ Tường Vi cho hay.
Cơm có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt (ảnh minh họa)
Ngoài ra, vitamin B1 có trong gạo rất tốt cho cơ thể. Thiếu chất này, con người sẽ không ăn ngon, buồn nôn, tê bì ngoài da, giảm trương lực cơ, giảm trí nhớ,…
Nên hay không vo gạo kỹ?
Bác sĩ Tường Vi cho biết, người Việt đã và đang có thói quen không tốt khi nấu cơm. Đó là, vo gạo quá kỹ trước khi nấu, thậm chí nhiều người đãi gạo nhiều lần trong chậu to đến khi nào gạo trắng tinh. Khi đó, dưỡng chất bên ngoài hạt gạo sẽ bị hao hụt, cơm sẽ chỉ còn phần lõi tinh bột. Mặt khác, tiêu thụ quá nhiều tinh bột sẽ khiến cơ thể có nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp,…
Các chất dinh dưỡng ở lớp ngoài hạt gạo rất dễ hòa tan trong nước, bay hơi nếu mở vung khi nấu. Do đó, chị em nên vo gạo ngay trong nồi theo cách thức: đổ nước, khoắng nhẹ, chắt vỏ trấu và không chà xát gạo mạnh. “Nấu cơm bằng nổi cơm điện sẽ hạn chế quá trình bay hơi, ít làm hao hụt dưỡng chất so với nấu cơm nồi gang bằng bếp củi, than,…”, bác sĩ Tường Vi đưa ra lời khuyên.
Vo gạo quá kỹ trước khi nấu, thậm chí nhiều người đãi gạo nhiều lần trong chậu to đến khi nào gạo trắng tinh là một thói quen cần phải thay đổi (ảnh minh họa)
Nên nấu cơm bằng nước lạnh hay nước đun sôi?
Thói quen của nhiều chị em nội trợ là nấu cơm bằng nước lạnh vì vừa tiện lại không tốn thời gian đun nước. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Tường Vi cho biết: “Chị em nội trợ nên dùng nước đun sôi để nấu cơm. Bởi, nấu cơm bằng nước lạnh hạt gạo sẽ trương nở ra. Theo đó, các dưỡng chất cũng tan ra trong nước rồi bốc hơi”.
Nước sôi giúp hạt gạo vừa chín nhanh hơn vừa làm hạt gạo chín đều, dẻo hơn và thơm ngon. Thêm vào đó, nấu cơm bằng nước sôi, đậy vung giữ nhiệt và tránh tiếp xúc với không khí sẽ giúp lượng vitamin B1 được giữ lại nhiều hơn 30% so với nấu bằng nước lạnh.
Trong quá trình sôi, chị em nên hạn chế gạt bỏ nước cơm (khi nấu bằng nồi thường) vì sẽ làm mất thêm lượng lớn chất dinh dưỡng. Đối với cách nấu bằng nồi gang, khi cơm sôi, vặn nhỏ lửa và đậy vung giữ nhiệt, đảm bảo lượng vitamin B1.