Có một số gia đình đã cúng món này để tiễn Táo quân về trời mà không biết rằng mình đang làm sai cách.
Cứ chuẩn bị đến ngày 23 tháng Chạp cuối năm, người Việt lại "lục tục" chuẩn bị các mâm cỗ, lễ vật để cúng để tiễn ông Táo về trời.
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Táo quân là vị quan túc trực quanh năm để cai quản mọi việc ở hạ giới. Thần Táo quân gồm 3 người, 2 táo ông và 1 táo bà. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), thần Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình để có thưởng phạt công minh. Vì thế, ngày 23 tháng Chạp còn gọi là ngày Tết ông Táo.
Chính vì thế, để "lấy lòng" các vị trọng thần này, dân gian thường bày cỗ cúng tiễn ông Táo về trời với những món ngọt hoặc các món ăn truyền thống cùng giấy tiền vàng mã, hia và áo mũ, cá chép giấy.
Tuy nhiên, ngày nay, cuộc sống ngày càng bận rộn, mâm cỗ cúng ông Táo cũng đơn giản hơn nhiều. Không nhất thiết phải là các món ăn truyền thống, mà thay vào đó là các món gia chủ yêu thích, dễ làm, đơn giản nhanh gọn. Mâm cỗ sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành tâm.
Mâm cỗ cúng Táo quân sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành tâm.
Mặc dù đã được đơn giản hóa để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh sống hiện đại nhưng các gia đình vẫn thường chuẩn bị một mâm cỗ mặn hoặc chay để cúng ông Táo. Trong mâm cỗ có các món ăn như ngày Tết như xôi, bánh chưng, giò lụa, canh, gà luộc… Cũng có gia đình làm đơn giản như cúng một đĩa xôi với miếng chân giò luộc. Đây là điều thường thấy trong lễ cúng Táo quân của nhiều gia đình trong các năm qua.
Tuy nhiên, dù thành tâm đến đâu gia chủ cũng lưu ý không nên để món ăn này lên mâm cỗ, đó chính là món cá rán. Lý do nhắc đến điều này là vì có nơi nhiều gia đình cúng cá rán thay vì phóng sinh cá như các nơi khác vì họ cho rằng, cúng cá rán chính là một cách "gửi" phương tiện đi lại cho các vị Táo quân.
Không nên cúng cá rán trong ngày ông Công ông Táo
Bàn về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, "Tuyệt đối không nên cúng cá rán trong mâm cỗ cúng Táo quân bởi cá chép cúng để phóng sinh rước các cụ về. Nếu cúng cá rán sẽ mâu thuẫn về phong tục, do vậy, điều đó không nên".
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, mẫu gốc của mâm cỗ cúng Táo Quân là cúng cá sống và thả cá chép xuống sông, suối sau đó để cá chép hóa rồng.
“Lễ mặn khi cúng Táo Quân phải có cá sống. Việc cúng cá rán sẽ không vi phạm nhưng không đúng mới mẫu gốc. Ngoài ra, mọi người có thể cúng các loại cá khác, nếu không có cá chép rồi sau đó thả xuống sông, suối để cá chép hoá rồng”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho biết.