Ngoài rau, anh chàng còn trồng thêm một vài loại hoa cho khu vườn thêm màu sắc.
Trồng rau, làm vườn là ước muốn của nhiều người. Sáng sớm được hít hà không khí trong lành từ vườn rau, chiều chiều ra vườn nhoắng cái là có cả rổ rau đầy ú ụ để ăn. Thế thì còn gì thích bằng.
Anh Mian Bao Jun (sinh năm 1988, ở Phúc Kiến, Trung Quốc) cũng rất thích làm vườn. Anh muốn theo đuổi cuộc sống điền viên trồng rau nuôi cá, nhưng điều kiện ở thành phố không cho phép nên anh đã tận dụng khoảng sân thượng rộng 100m2 để trồng rau. Đến nay, anh đã có tới 10 năm kinh nghiệm trồng rau xanh.
Từ khoảng sân thượng bỏ trống, anh chàng đã biến thành vườn rau xanh mướt mắt.
Chia sẻ về việc làm vườn, chàng nông dân sân thượng cho biết anh trồng rau theo mùa, mùa nào trồng rau nấy để đạt được sản lượng tốt nhất. Đến nay anh đã chinh phục được nhiều loại rau khác nhau như rau muống, rau cải, cải cầu vồng, dưa chuột, cà tím, cà chua, ớt, các loại bầu, mướp đắng,…
Không những vậy, anh còn trồng các loại củ như khoai lang, khoai tây, gừng, riềng,… trên sân thượng. Ngoài ra, để khu vườn thêm màu sắc, chàng trai 8X còn trồng điểm xuyết một vài chậu hoa hướng dương, hoa cúc.
Anh chàng trồng rau trong thùng nhựa chuyên dụng, ngoài ra anh còn làm thùng gỗ để trồng rau.
Khi trồng rau trên sân thượng, mối bận tâm hàng đầu là thấm sàn. Để khắc phục vấn đề này, anh đã làm thùng gỗ, bên dưới có lót vài lớp cao su.
Cụ thể, lớp dưới cùng anh dùng loại cao su chống thấm nước. Sau đó, anh lót những tấm nhựa có bề mặt lồi lõm đa chiều, các lỗ thoáng khí trên khắp bề mặt rồi mới đổ đất lên. Như vậy vừa có thể chống thấm nước hiệu quả, vừa giúp việc thoát nước và trao đổi khí oxy tốt, hỗ trợ cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh để hút chất dinh dưỡng, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.
Cách anh Mian Bao Jun làm thùng gỗ trồng rau.
Đặc biệt, anh chàng còn tận dụng rác thải từ vườn rau để ủ đất, trồng rau. “Mỗi khi dọn vườn, tôi đều tận dụng lá già, đất cũ để ủ đất. Như vậy sẽ có đất mới giàu chất dinh dưỡng để trồng lứa rau mới, lại còn hạn chế tối đa rác thải, bảo vệ môi trường”, anh Mian Bao Jun chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh còn dùng rác thải nhà bếp để làm phân bón rau. Từ vỏ chuối, vỏ tỏi, các loại vỏ hoa quả, xương gà, xương cá, vỏ tôm,… đều được anh tận dụng để làm phân bón rau.
Trong vườn có đủ loại rau, loại nào cũng xanh tươi tốt.
Có mùa anh còn làm giàn để trồng các loại cây dây leo như bầu, bí, mướp đắng,...
Rau được thu hoạch trên sân thượng. Ngoài rau, anh còn trồng thêm một vài loại hoa cho khu vườn thêm màu sắc.
“Mỗi lần nấu ăn, tôi lại tích những rác thải nhà bếp trong túi zip rồi để trong tủ lạnh. Khi nào nhiều, tôi mới mang ra làm phân bón cho đỡ tốn công. Tôi cho tất cả nguyên liệu vào máy xay, xay nhuyễn rồi đổ vào chai nước khoáng. Chỉ đổ khoảng 80% thôi, không đổ đầy nếu không khi lên men nó sẽ trào ra.
Sau đó, tôi cho men vi sinh vào để đẩy nhanh quá trình lên men và khử mùi hôi. Đặt nơi thoáng mát khoảng 5-10 ngày là có thể lấy ra, pha loãng với nước để tưới cho rau được rồi”, chàng trai chia sẻ. Chính vì vậy, anh không tốn quá nhiều chi phí vào vườn rau, không tốn tiền mua phân bón mà vẫn có rau sạch ăn quanh năm không hết.