Những trái dưa nhà chị Huyền trồng trong thùng xốp nặng đến tận 2kg/quả.
Đội vợ chồng trẻ - anh Cảnh, chị Huyền mới bắt đầu trồng rau sạch tại nhà từ 3 năm trước nhưng đã tích lũy được cho mình khá nhiều kinh nghiệm. Từ ý định chỉ trồng rau sạch trong thùng xốp để đảm bảo cho con ăn dặm, anh chị chuyển sang thử nghiệm cả những loại cây quả như khế, ổi, và đặc biệt thành công với các loại dưa lê, dưa vàng.
Chị Huyền rất mát tay trồng dưa trong thùng xốp tại nhà
Hè này là năm thứ hai chị Huyền trồng dưa nhưng đã khá lên tay. Năm ngoái, chị Huyền cũng đã từng mua hạt giống xịn nhưng do tưới đậm phân bón quá nên xót cây, cháy lá. Chị đành ngậm ngùi thu hoạch mấy quả dưa lê từ khi còn non nên quả không được ngon, ngọt cho lắm.
Dưa nhà chị thường phải làm lưới để đỡ khỏi gãy cành
Sang năm nay, chị quyết tâm phục thù bằng vụ dưa mới hoành tráng hơn. Chị tâm sự: "Năm nay thì chị đúc rút cho mình kinh nghiệm rồi, và một điều chị có thể chắc chắn là sẽ không bao giờ thất bại được nữa".
Hạt giống:
Năm nay, chị Huyền không mua hạt giống bán sẵn như năm ngoái. Chị chia sẻ những hạt dưa lê, dưa lưới hoàng kim là tấm lòng của một người bạn. Những hạt dưa giống nằm trong lứa dứa ngon nhất của nhà bạn - chuyên buôn bán hoa quả. Sau khi gia đình tự bổ ăn đã đem hạt giống chia cho bạn bè thử gieo trồng.
Đất:
Đầu tiên là làm đất trồng. Chị xin xỉ than về, ngâm nước trong vòng 1 ngày 1 đêm. Cứ khoảng vài tiếng, chị lại thay nước một lần rồi sau vớt ra để ráo rồi đập vụn, trộn với đất và trấu (trấu hun hoặc trấu tươi). Thông thường, chị hay trộn theo tỉ lệ 40% đất, 40% xỉ than, và 30% trấu.
Đất trồng rau trong nhà, chị Huyền thường sử dụng đất phù sa, có bón lót một ít lân và ít phân rác hữu cơ tự ủ. Rác sinh hoạt hàng ngày của gia đình như cọng rau, vỏ hoa quả (không phải đồ ăn mặn, dầu mỡ) thì chị đều cho vào một chiếc thùng xốp to có nắp đậy. Thậm chí, cả lòng cá chị cũng cho vào để thêm đạm nhưng phải rắc thêm nấm tricoderma cho đỡ mùi trong nhà. Cứ thế, một lớp rác thì chị lại cho một lớp đất tương ứng.
Chậu trồng:
- Những vỏ chai nước suối nằm dưới đáy thùng đậy lắp kín và đục lỗ sẽ có nhiệm vụ chứa nước để cây hút nước suốt cả ngày trong nhũng hôm trời nắng nóng 37-40 độ, giúp cây không bị héo rũ vì nắng.
- Ba chai nước suối đục lỗ đưa cổ chai ra ngoài thành thùng xốp, cách đáy 10cm và mở nắp. Ba chai này có nhiệm vụ thông khí và thoát nước khi tưới quá nhiều nước và những hôm trời mưa to.
Ở đáy thùng xốp, chị Huyền cho 5 vỏ chai nước suối vào. Các chai này đều có nắp đậy kín. Cách làm này khiến lỗ thoát nước to. Hơn nữa, bụng chai nước suối rất to, khiến cho không khí vào ra dễ dàng - nhờ đó cung cấp khí Oxy dồi dào cho rễ và thải CO2 ra ngoài dễ dàng.
Gieo hạt:
Hạt dưa lấy về rửa sạch, bóc bỏ hết lớp màng nhớt bên ngoài. Sau đó, chị Huyền ngâm hạt vào nước vài tiếng, rồi ủ khăn ẩm để kích hạt nhanh nảy mầm. Khi hạt bắt đầu nứt nanh thì đem ươm vào hốc. Sau khoảng 10 ngày, khi cây lên được 2-3 lá thì trồng ra thùng xốp đã chuẩn bị trước. Từ khi gieo hạt khoảng 1 tháng, cây đã ra hoa và phát triển rất nhanh.
Chăm sóc:
Để cây đơm hoa kết quả, bên cạnh việc tưới nước hàng ngày, chị Huyền phải bỏ ra khá nhiều công chăm bẵm.
- Bón phân:
Khi cây được 2 lá thật là chị đã bắt đầu bón phân đạm. Cứ 1/2 chén đạm (bé bằng chén trà) thì chị pha 7-8 lít nước rồi tưới cách ngày cho cây nhanh lớn, ra lá nhiều.
Khi cây đã bắt đầu trổ nhiều lá và ra nụ non (cao khoảng 25-30cm) thì pha nửa chén trà mạn gồm lân, đạm và kali theo tỉ lệ 3:1:2, pha với 8-10 lít nước rồi tưới cách ngày cho dưa. Dưa sẽ đủ dưỡng chất để thúc ra hoa, đậu quả. Khi quả non bắt đầu nhú thì tăng lượng phân lên 2/3 chén để tưới cây.
- Thụ phấn:
Vì ở trong thành phố nên ít ong, ít bướm nên chị Huyền phải tự thụ phấn cho cây. Sáng nào thức dậy, việc đầu tiên chị làm là lên tưới cây, bón phân rồi bắt đầu thụ phấn cho hóa cái. Xong xuôi mọi việc, chị lại cẩn thận buộc túi để để phòng ong châm, hỏng quá trình thụ phấn.
Tích cực thụ phấn cho hoa cái giúp tỉ lệ có quả nhiều hơn. Cuối cùng ngắt bỏ hết các noãn yếu và chỉ để lại nuôi một noãn khỏe nhất.
- Ngắt ngọn:
Khi cây đã đậu quả thì bắt đầu ngắt hết những nhánh phụ của cây. Thông thường, một cây dưa chỉ để 25 lá để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Quả trên cây bắt đầu đậu vào ngày 10/6
Quả được buộc túi ni-lông cẩn thận để chống sâu bọ, ruồi đục quả
Trong những ngày quá nóng, chị Huyền cũng phải che vải để giúp quả không úa do cháy nắng.
Chị bắt đầu gieo hạt hôm 7/5. Sau 2 tháng 3 ngày, quả dưa hoàng kim đã nặng khoảng 1.4kg.
Chỉ khoảng 20 ngày nữa thôi là chị Huyền đã có dưa ngon trái ngọt để thưởng thức trong hè này
Một cây dưa hoàng kim được một quả tầm 2kg.
Các loại dưa lê, dưa lưới, dưa hấu,...cũng có cách trồng và chăm sóc tương tự.
Hãy chia sẻ khu vườn và không gian sống của gia đình tại Mẹo vặt gia đình bạn nhé! |
Hướng dẫn cắt vỏ, bỏ hạt các loại dưa nhanh gọn