Mỗi lần đi qua một khu nhà tập thể và nhìn lên, tôi lại nhớ về cái thời mình còn là một đứa trẻ đi học bán trú, leo ra ngoài lồng sắt của căn hộ trên tầng 5, quan sát bức tranh con người với đầy đủ sắc thái của cuộc sống nơi đô thị.
Với những ai từng sống trong giai đoạn 1980 - 1990, hình ảnh những căn hộ tập thể 5 tầng được bao phủ bởi lớp vôi vàng và những chiếc lồng sắt "cơi nới" vốn rất quen thuộc ở Hà Nội. Rất nhiều đứa trẻ đã sinh ra và lớn lên ở đó, rời đi, sau lại quay về rồi tiếp tục rời đi tới những chung cư, những biệt thự.
Nhà tập thể theo kiểu Liên Xô, xây dựng ở Hà Nội từ những năm 1960 rất chật chội, thiếu thốn. Nhưng cái không gian eo hẹp ấy lại có thể chứa được tới 3 thế hệ.
Những ngày cấp một, đi học phụ đạo ở nhà tập thể, mỗi căn phòng bé tí mà chứa nổi 15 học sinh tiểu học và 2 cô giáo. Tôi vẫn nhớ cứ sáng sáng, leo tới tầng 5 và bước vào căn phòng nhỏ chỉ có bộ ghế sofa cũ, một chiếc tủ quần áo, một chiếc bảng đen và vài chiếc ghế nhựa.
Những ngày mùa Đông, cứ đến 10h30 sáng là cả khu tập thể, vốn là nơi bán trú của rất nhiều học sinh tiểu học, lại thơm mùi thức ăn. Có ngày là món cá kho thơm phức khiến lũ trẻ phải hít sâu và liếm mép thòm thèm mong tới giờ ăn, có ngày lại là món trứng chiên kêu "xoẹt xoẹt" trên chảo rán khiến cả lớp học bị phân tâm.
Những buổi trưa Hè, bao đứa trẻ tranh nhau ra ngoài lồng sắt "cơi nới" để hóng gió, nhưng thực chất là "săm soi" cái thế giới ngoài kia nó đang thế nào. Sống trong những khu nhà tập thể như vậy, dường như sự riêng tư là điều xa xỉ.
Chỉ qua ô cửa sổ trong căn hộ trên tầng cao, cả thế giới thu nhỏ dường như hiện ra trước mắt. Bà cụ nhà bên vừa rán cá đặt ra đĩa thì bị con mèo ăn vụng mất 1 khúc, đứa trẻ học mẫu giáo ở dưới tầng trệt vừa thấy mẹ đi ra ngoài vứt rác thì vội đổ bát cháo đã trương phềnh lên vào chậu cây cảnh, 2 ông hàng xóm cãi nhau cả buổi trưa chỉ vì nhà ông này bật nhạc hát karaoke to hơn nhà ông kia… Nhưng có lẽ thú vị nhất với mỗi đứa trẻ vẫn là theo dõi chuyện tình của các anh chị học sinh lớn. Anh này đạp xe tới đón chị kia đi học thì vừa tới cửa, chị ấy đã ngồi lên xe bố chở đi trong ánh mắt ngẩn ngơ của anh kia… Nhà tập thể là một thế giới của biết bao câu chuyện nhìn qua khe cửa.
Cứ tới chiều chiều khi tan học, sân trước của các khu nhà tập thể lại trở thành chỗ sinh hoạt của bao đứa trẻ với các trò chơi như nhảy dây, đá quay, rượt đuổi. Ngóc ngách của từng khu nhà ấy cũng trở thành một bối cảnh hoàn hảo cho trò chơi trốn tìm. Thời ấy, công nghệ và internet chưa phát triển nên ngoài giờ học, mỗi đứa trẻ có rất nhiều thời gian để hoạt động thể chất và quan hệ cộng đồng.
Tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc "chán nản" nhất của những ngày ấy là vào khoảng 7 giờ tối, khi những đứa trẻ không ở nhà tập thể bị cha mẹ tới đón về, những đứa khác thì phải "mang cái DẠ về đây" để ăn cơm. Khoảng sân đang rộn rã tiếng cười đùa bỗng dưng chìm vào yên tĩnh và ánh đèn vàng, chỉ còn tiếng thời sự trên tivi và tiếng cha mẹ ở một số nhà quát con vì lười ăn hay ăn chậm.
Sống ở những khu nhà tập thể với điều kiện thiếu thốn, nhiều khó khăn như vậy, thì bản năng sinh tồn của con người mới được thể hiện rõ. Nhiều đứa trẻ lớn lên ở đó đã trưởng thành, ra đi tìm cho mình một nơi ở mới rộng rãi, tiện nghi hơn. Những lớp học bán trú cũng được chuyển tới một địa điểm mới to đẹp hơn. Tuy nhiên, cái ký ức về những căn hộ "hộp diêm bọc lồng sắt" nó vẫn mãi là một hình ảnh đẹp gắn với Hà Nội.
Với tôi, dù không thực sự lớn lên ở cái "thế giới thu nhỏ" mà ai cũng biết nhau đó, nhưng mỗi lần đi qua một khu nhà tập thể và nhìn lên, tôi lại nhớ về cái thời mình còn là một đứa trẻ đi học bán trú, leo ra ngoài lồng sắt của căn hộ trên tầng 5, quan sát bức tranh con người với đầy đủ sắc thái của cuộc sống nơi đô thị.