Trong hành trình tìm “trái ngọt” đầy mệt mỏi và tốn kém, nhiều cặp vợ chồng may mắn thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên nhưng có nhiều người mất bạc tỉ vẫn phải về tay không.
Vợ chồng chật vật đủ đường vẫn kiên trì tìm được con yêu
Chị Ly ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội bị đa nang buồng trứng nên sau kết hôn 3 năm dù uống đủ các loại thuốc vẫn chưa có tin vui. Do đó, vợ chồng chị quyết định đi thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Nhưng lần đầu IUI này của vợ chồng chị đã thất bại.
Sau khi thất bại với phương pháp IUI, nghe theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, chị Ly đã quyết định chuyển qua thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). May mắn ngay lần đầu chuyển phôi, vợ chồng chị đã có tin vui.
“Thực sự vợ chồng hiếm muộn đồng nghĩa với việc mất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Hái được quả ngọt như vợ chồng mình còn đỡ chứ không thì vất vả lắm. Thực sự việc chọn bác sĩ nào phù hợp rất quan trọng. May mắn vợ chồng mình chỉ mất khoảng 150 triệu đồng là đã có được kết quả như ý rồi”, chị Ly nói.
Sau nhiều mệt mỏi tìm con, nhiều vợ chồng hiếm muộn may mắn có tin vui. (Ảnh minh họa)
Cũng trong cảnh hiếm muộn là chị Trần Vân Anh (Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Mai cho biết vợ chồng chị bị nhiều bệnh lý nên cần phải điều trị trước khi IVF. Bản thân chị bị 2 loại u trong tử cung nên các bác sĩ đều đánh giá vợ chồng chị là ca hiếm muộn khó.
“Mình tạo phôi 1 lần và chuyển phôi 3 lần mới tìm con thành công. Vợ chồng cũng tốn kém hơn 500 triệu mới được đón công chúa nhỏ. Thật sự hành trình tìm con vừa tốn kém vừa vất vả, nếu cả hai cùng đi làm công ty thì không biết đến bao giờ mới kiếm đủ số tiền để tìm con nữa”, chị Vân Anh than thở.
Trầm cảm vì mất tiền tỉ vẫn phải về tay không
Trong hành trình tìm con của mình, vợ chồng chị Lê Thị Hải ở Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông thực sự bị trầm cảm vì tiền.
Chị Hải cho biết, chị bị chất lượng trứng thấp còn chồng thì bị tinh trùng yếu. Bản thân cả 2 đã đi khám nhiều nơi và bồi bổ rất nhiều. Trước đây, chị cứ nghe quảng cáo ở đâu có thuốc hay là lại tới và bị lừa mỗi lần mua cả mấy chục triệu tiền thuốc. Vậy nhưng về uống không hiệu quả, còn bị nhiều người thân mắng không kiên trì, mới vậy đã chán nản muốn bỏ cuộc.
Hai vợ chồng vừa đi làm công ty nên kinh tế không khá giả gì. Tích cóp được đồng nào, họ lại đổ hết vào chữa hiếm muộn. Đã vậy suốt 5 năm áp lực, vợ chồng chị Hải nhiều lần muốn bỏ nhau. Được sự động viên của gia đình, họ lại quyết định tiếp tục tìm con.
“Cả mấy lần làm IVF đều thất bại khiến vợ chồng tuyệt vọng hoàn toàn. Thấy mọi người giới thiệu viện này viện kia với bác sĩ nọ mát tay nên cả 2 cũng quyết định đổi viện, đổi bác sĩ để đổi vía xem sao. Nhưng ông trời dường như vẫn muốn thử thách vợ chồng mình. Lần nào IVF, người ta cùng làm đều được bế con về còn vợ chồng mình mất 800 triệu rồi mà vẫn phải ra về tay không”, chị Hải buồn phiền kể.
Trước đây chị Hồ Phương, Chương Mỹ, Hà Nội cũng đã lường trước, hành trình tìm con sẽ vô cùng gian nan, vất vả nhưng chị lại không nghĩ được tốn kém mất tiền tỉ như vậy vẫn chưa được bế con trong lòng.
Nhiều vợ chồng tốn tiền tỷ nhưng vẫn chưa được bế con trên tay. (Ảnh minh họa)
Gần chục năm qua, chị bị lạc nội mạc tử cung và đã tiêu đến tiền tỷ nhưng đều thất bại. Chưa tính tiền ăn và sinh hoạt hàng tháng đã tốn 1 khoản lớn. Trong khi đó, 2 năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nên vợ chồng chị dù kinh doanh nhưng thu nhập bị giảm thấp đi hẳn so với trước đây.
“Thật tình đi tìm con suốt chục năm nay đã stress và áp lực rồi mà mỗi lần khám chữa hiếm muộn còn phải lo nghĩ tiền bạc nữa, mình muốn trầm cảm luôn. Làm IVF thì bác sĩ cứ bảo phải để tinh thần luôn thoải mái nhưng vợ chồng lúc nào cũng giật gấu vá vai thế này sao không lo nghĩ về tiền được”, chị Phương kêu ca.
Hiện vợ chồng chị Phương vẫn đang ăn uống theo chế độ bổ sung thêm thuốc men của bác sĩ để cả 2 đều khỏe mạnh hơn. Người vợ này chỉ hy vọng lần IVF tới may mắn gặp bác sĩ mát tay và có em bé luôn: “Gần 40 tuổi đầu mà tìm con đầu lòng, trong khi vợ chồng giờ đã lớn tuổi hơn nên sốc tinh thần kiểu gì vẫn đang nản quá".