Đó là câu chuyện mà bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) rất ấn tượng trong những năm làm nghề của mình.
Khi nhắc tới những câu chuyện tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Nhã vẫn nhớ rất rõ về hoàn cảnh éo le của vợ chồng chị N.K.N. (58 tuổi, Hà Nội).
Theo vợ chồng trung niên này chia sẻ với bác sĩ Nhã, họ đã cưới nhau mấy chục năm nay nhưng chưa một lần được có may mắn và hạnh phúc bế ẵm con trên tay như nhiều vợ chồng bình thường khác.
Để tìm con, chị N. đã từng đến rất nhiều bệnh viện, phòng khám thăm khám và điều trị. Chị cũng uống rất nhiều loại thuốc dù tốn kém nhưng kết quả vẫn không khả thi.
Dù hiếm muộn nhiều năm nhưng chồng không chịu làm IVF vì sợ con sinh ra không phải con mình. (Ảnh minh họa)
Cuối cùng cả 2 vợ chồng đều được các bác sĩ khuyên nên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tìm con thuận lợi hơn. Nhưng éo le thay, anh xã chị N. không chịu làm theo phương pháp này vì cho rằng làm IVF thì con sinh ra không phải con mình.
Mãi đến khi thấy vợ chồng hàng xóm bị hiếm muộn đi làm IVF thành công về và sinh một đứa con kháu khỉnh giống bố mẹ thì chồng chị N. mới thay đổi hẳn suy nghĩ và chịu làm IVF. Hai vợ chồng chị N. vội đưa nhau đến viện nhưng lúc đó chị đã bước sang tuổi 58.
Theo bác sĩ Nhã tâm sự, nhiều năm công tác trong ngành, bản thân bác sĩ từng hỗ trợ sinh sản cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng với bệnh nhân lớn tuổi như chị N. đã ở tuổi mãn kinh thì đây là ca đầu tiên nên gặp rất nhiều thử thách.
Sau khi thực hiện 1 loạt các xét nghiệm, bác sĩ Nhã quyết định làm IVF cho chị N. từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng của anh xã chị. Trong suốt quá trình tiến hành IVF dù phát sinh nhiều vấn đề nhưng do được theo sát và can thiệp kịp thời, may mắn người phụ nữ trung niên này đã có bầu.
Khi thai kỳ ở tuần thứ 35, chị N. trở dạ và sinh được 1 bé trai khỏe mạnh nặng 2,6kg. Sau sinh, bà mẹ tuổi trung niên này cũng đủ sữa cho con bú. Trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con đầu lòng ở Việt Nam thời điểm đó, khi bế con trong tay, cặp vợ chồng Hà Nội này vẫn không tin được là sự thật.
Thụ tinh nhân tạo có phải con mình không?
Trong chục năm trở lại đây, thụ tinh nhân tạo là một trong những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng phổ biến, giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hiện thực hoá giấc mơ làm cha mẹ của mình.
Mặc dù kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này có tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến các cặp vợ chồng phân vân. Một trong những băn khoăn và trở thành rào cản của nhiều vợ chồng trong hành trình tìm con làm IVF nhất là: Con IVF có phải con mình không?
Con sinh ra từ phương pháp IVF có phải con mình không là băn khoăn của nhiều vợ chồng trong hành trình tìm con. (Ảnh minh họa)
Thực tế hiện nay ở tất cả các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản việc kiểm soát mẫu tinh trùng được thực hiện rất nghiêm ngặt và chặt chẽ nên sẽ không xảy ra tình trạng nhầm lẫn. Tất cả các mẫu tinh trùng trước khi đưa vào phòng thí nghiệm đều được cung cấp đầy đủ thông tin, có mã số riêng nên giảm thiểu tối đa các sai sót.
Việc nhầm lẫn khi thụ tinh nhân tạo rất hiếm xảy ra nên các gia đình hiếm muộn có thể yên tâm khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này, tránh để tình trạng vì băn khoăn quá lâu mà lỡ mất thời điểm tốt để làm IVF.