Khát khao làm cha mẹ ở tuổi tứ tuần nên vợ chồng Hà Nội đã đến Bệnh viện Bưu điện thăm khám.
Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), vợ chồng chị Hoài (49 tuổi) và chồng (60 tuổi) ở Hà Nội cũng như nhiều vợ chồng hiếm muộn khác thấp thỏm chờ tới lượt khám.
Nếu như nhiều vợ chồng hiếm muộn khác chưa từng được trải qua hạnh phúc làm cha mẹ thì vợ chồng người phụ nữ tuổi 50 này trước đó đã sinh được 2 con.
Bao năm chăm sóc các con nhỏ, đến khi 2 con đã ăn học và trưởng thành, vợ chồng chị Hoài chưa kịp vui mừng thấy con khôn lớn thì đã phải đón nhận tin dữ: 2 con bị tai nạn giao thông. Ngày định mệnh đó đã lần lượt cướp đi cả 2 đứa con khiến chị Hoài và chồng suy sụp hoàn toàn trong thời gian dài.
Từ ngày mất đi 2 con, vợ chồng chị cứ ôm nỗi đau đớn. Tuy nhiên trong căn nhà vắng lặng, cả hai lại nhen nhóm mong muốn một lần nữa được có tiếng trẻ thơ. Tuy nhiên ở cái tuổi muộn màng, chị Hoài luôn nghĩ mình không còn cơ hội làm mẹ như những phụ nữ khác.
Các bác sĩ đang thăm khám cho các bệnh nhân.
Được sự động viên của nhiều người thân và khát khao tiếng trẻ con, vợ chồng chị lại nỗ lực tích cóp kinh tế để quyết định tới viện Bưu Điện làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Tại bệnh viện, vợ chồng chị Hoài đã được Thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản trực tiếp thăm khám. Tuy nhiên sau nhiều xét nghiệm thực hiện cho 2 vợ chồng, bác sĩ Hà cho biết cả hai đã quá tuổi sinh sản.
Kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng tinh trùng của người chồng vẫn ổn nhưng do 60 tuổi nên chồng chị cũng mắc nhiều bệnh nền, sức khỏe không đảm bảo.
Đặc biệt, chất lượng trứng của chị Hoài không tốt, chỉ số sinh sản và khả năng có con rất thấp. Vì thế theo đánh giá sơ bộ của bác sĩ, chất lượng trứng kết hợp với tinh trùng để vợ chồng chị Hoài mang thai rất thấp, tiên lượng điều trị khó khăn.
Do đó, theo bác sĩ Hà, trường hợp này chỉ có thể xin trứng, song "tỷ lệ IVF thành công cũng chỉ 5%" trong khi đó chi phí thụ tinh ống nghiệm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Được biết, kết quả khám thăm khám trên không ngoài dự đoán của vợ chồng tuổi tứ tuần vì trước đó nhiều lần đi kiểm tra sức khỏe sinh sản ở nhiều nơi, vợ chồng họ cũng nhận được kết quả và lời tư vấn tương tự.
Sinh con khi tuổi đã cao nên lường trước những khó khăn gì?
Cũng theo bác sĩ Hà, khi các cặp vợ chồng tứ tuần quyết định sinh con, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm như: nguy cơ như sảy thai, tiền sản giật, sinh non, sinh con ra mắc hội chứng Down…
Cũng theo bác sĩ Hà, khi các cặp vợ chồng tứ tuần quyết định sinh con, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm.
Nghiên cứu mới từ Bộ Y tế cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45. Tỷ lệ sảy thai, biến chứng thai sản cũng như nguy cơ mang thai ngoài tử cung đều tăng lên sau tuổi 30, đặc biệt là sau tuổi 35. Ở tuổi 20, tỷ lệ phải sinh mổ khoảng 30%, nhưng sẽ tăng lên mức 43% ở tuổi 35. Bộ Y tế cũng khuyến cáo mẹ trên 35 và bố ngoài 45 tuổi có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.
Vì thế để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi, nếu có ý định mang thai tuổi tứ tuần, chị em nên khám sức khỏe sinh sản trước, đồng thời cần tầm soát dị tật thai nhi để tránh những hậu quả đáng tiếc.