Mặc dù trải qua thời kỳ mãn kinh từ năm 11 tuổi, bị bác sĩ tuyên bố sẽ không thể mang thai nhưng người phụ nữ này giờ đã là bà mẹ 2 con.
Là phụ nữ, hầu hết ai cũng mong được làm mẹ, được nghe con gọi 2 tiếng: “Mẹ ơi!”. Tuy nhiên, ước mơ làm mẹ của chị Amanda Hill (33 tuổi, đến từ Warwickshire, nước Anh) đã tan vỡ ngay từ khi chị chỉ là một đứa trẻ. Nguyên nhân là do chị bị chẩn đoán mắc chứng suy buồng trứng sớm ở tuổi 13 và đã trải qua thời kỳ mãn kinh 2 năm trước đó.
Nghe bác sĩ kết luận, Amanda gần như chết lặng. Chị bị trầm cảm một khoảng thời gian sau đó vì tất cả những gì chị muốn là được trở thành một người mẹ, nhưng mọi thứ dường như lại quá đỗi xa xỉ.
Amanda bị mãn kinh từ năm 11 tuổi khiến chị không thể mang thai tự nhiên.
“Tôi có kinh nguyệt từ năm 10 tuổi và sau đó hoàn toàn dừng lại vào năm tôi 11 tuổi. Vào năm 13 tuổi, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh suy buồng trứng sớm và bác sĩ nói rằng tôi sẽ không bao giờ có con. Thật khó khăn! Tôi cảm thấy như không có ai để nói chuyện và tôi bị trầm cảm vào năm 16 tuổi”, nữ huấn luyện viên thể dục chia sẻ.
Tuy nhiên, sau nhiều năm trôi qua, Amanda nhận thức được rằng có nhiều cách khác nhau để trở thành một người mẹ. Sau đó, chị và chồng là anh Tom Hill (30 tuổi) đã tìm người hiến trứng và thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Kết quả, cặp song sinh được thụ thai thành công vào cùng một ngày năm 2018.
Chia sẻ về việc tìm người hiến trứng, người phụ nữ chia sẻ: “Khi đến thời điểm chọn người hiến trứng, tôi khá nhàn hạ. Tôi chỉ yêu cầu người đó nhìn bề ngoài có vẻ hơi giống tôi một chút. Cuối cùng, người hiến trứng cho tôi có chiều cao bằng tôi và màu mắt khá giống tôi”.
Với sự giúp đỡ của người hiến trứng và phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ đã thụ thai thành công.
Trước khi phôi được đưa vào tử cung Amanda, chị được khuyên thực hiện liệu pháp thay thế hormone nhằm tăng lượng estrogen trong cơ thể, giúp tử cung khỏe mạnh để chị có một thai kỳ thuận lợi. Được biết, để làm thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng Amanda đã chi 14.500 bảng Anh (khoảng 458 triệu đồng).
Amanda hiện là bà mẹ của một cặp song sinh chào đời cách nhau 2 năm.
Vào tháng 8/2018, vợ chồng Amanda chào đón con trai đầu lòng là Oryn (hiện 2 tuổi). Nhưng trước đó, khi mang thai, chị vô cùng lo lắng việc đứa trẻ sẽ không gắn bó với vợ chồng chị, nhưng điều này sớm biến mất khi lần đầu tiên chị nhìn thấy con yêu. Bởi lẽ, Oryn có nhiều nét giống chồng chị và tính cách giống chị.
Vì muốn Oryn có anh chị em để chơi cùng, sau đó Amanda tiếp tục mang thai lần 2 và chào đón con trai Taylen vào ngày 24/2 vừa qua. “Thật kỳ lạ khi Taylen đã nằm trong tủ đông nhiều năm, nhưng bây giờ thằng bé cũng đã ở đây. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều này”, bà mẹ 2 con chia sẻ.
Amanda hạnh phúc bên chồng và 2 con trai.
Amanda cũng cho biết, Oryn khi còn nhỏ trông rất giống Taylen bây giờ, thậm chí những bức ảnh siêu âm khi còn trong bụng mẹ cũng giống nhau. Tuy nhiên, Oryn còn quá nhỏ để hiểu rằng cậu bé và em trai là một cặp song sinh, nhưng bù lại cậu bé rất yêu quý em trai của mình.
Bị suy buồng trứng sớm, liệu có thể có thai được không? Suy buồng trứng sớm là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, suy buồng trứng sớm có thể phát triển ngay từ lúc tuổi dậy thì hoặc cũng có thể là bẩm sinh. Một trong những nỗi lo lớn nhất của phụ nữ bị suy buồng trứng sớm là không thể sinh con, làm mẹ. Trên thực tế có 5-10% số phụ nữ được chẩn đoán suy buồng trứng sớm vẫn có thể thụ thai một cách tự nhiên. Và có 50% phụ nữ bị suy buồng trứng sớm vẫn có hoạt động buồng trứng ( không liên tục và khó dự đoán trước) nhiều năm sau khi được chẩn đoán bệnh. Có rất nhiều phương pháp điều trị được thực hiện nhằm phục hồi chức năng của buồng trứng như dùng corticosteroid, oestradiol, clomiphene...Những người muốn có thai cần áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ tinh ống nghiệm xin trứng. Có thể làm thụ tinh ống nghiệm bằng cách lấy trứng của người khác hiến tặng cho thụ tinh với tinh trùng của chồng rồi đặt vào tử cung, tỷ lệ thụ thai sẽ cao hơn. |