Sau khi ăn thức ăn thừa để qua đêm trong tủ lạnh, mẹ bầu bị nôn mửa, tiêu chảy.
Khi mang thai, mẹ bầu đặc biệt chú ý tới chế độ ăn uống, trước khi ăn cái gì cũng tìm hiểu xem liệu có bị ảnh hưởng tới thai nhi hay không. Tuy nhiên, dù cẩn thận là vậy nhưng đôi khi vẫn có những chuyện không may xảy ra, chẳng hạn như trường hợp của chị Lưu (27 tuổi, sống ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Khi mang thai ở tuần 33, mẹ bầu 27 tuổi đột ngột sốt cao, nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 38.6 độ C và chị ớn lạnh liên tục. Lo lắng, gia đình đã đưa chị tới khoa sản của Bệnh viện Trường Sa 3 để điều trị.
Bác sĩ Tưởng, phó khoa sản đã trực tiếp thăm khám cho chị Lưu. Thai phụ cho biết, chị không hề tiếp xúc với người bị cảm lạnh, vì vậy bác sĩ Tưởng đã hỏi chị về chế độ ăn uống gần đây. Lúc này, mẹ bầu nói rằng chị đã ăn món salad để trong tủ lạnh từ 2 ngày trước.
Chị Lưu phải nhập viện điều trị sau khi ăn thức ăn thừa để qua đêm.
Nghe thấy vậy, bác sĩ Tưởng liền cho chị Lưu nhập viện theo dõi và chỉ định chị đi xét nghiệm máu và dịch tiết âm đạo. Ngày thứ 2 sau khi nhập viện, mẹ bầu đột nhiên cảm thấy chuyển động của thai nhi đột ngột giảm xuống.
Sau khi đánh giá tình hình sức khỏe, các bác sĩ nhận định thai nhi có nguy cơ bị ngạt nên tiến hành mổ lấy thai khẩn cấp. Khi chào đời, đứa trẻ cũng bị sốt, ngạt thở và viêm phổi nên được đưa tới khoa nhi để điều trị và theo dõi.
Lúc này, kết quả xét nghiệm của chị Lưu cũng được trả về. Kết quả cho thấy, nguyên nhân khiến chị sốt và sinh non là do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Chỉ vì ăn salad để trong tủ lạnh từ 2 hôm trước mà chị Lưu phải sinh non. (Ảnh minh họa)
Hai tháng trước, một trường hợp tương tự cũng xảy ra, nhưng thai phụ này lại không được may mắn như chị Lưu. Theo đó, chị Lý (27 tuổi) đang mang thai ở tuần 28 thì đột nhiên bị nôn và tiêu chảy do ăn thức ăn thừa để trong tủ lạnh và chưa được hâm nóng lại.
Chị được đưa tới bệnh viện ngay lập tức và dù được các bác sĩ tận tình điều trị thì chị vẫn không thể giữ được đứa con trong bụng. Kết quả xét nghiệm máu cũng cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Theo ông Hồ Phương Giới, Giám đốc Khoa học Phòng thí nghiệm Y tế của Bệnh viện Trường Sa 3, vi khuẩn Listeria monocytogenes là một loại vi khuẩn kỵ khí, chủ yếu sử dụng thực phẩm làm vật truyền bệnh, chẳng hạn như thịt, trứng, gia cầm, hải sản, các sản phẩm từ sữa, rau,…
Loại vi khuẩn này có sức sống mãnh liệt và vẫn có thể phát triển trong môi trường 4 độ C và được mệnh danh là “sát thủ tủ lạnh”. Nhiễm trùng đường ruột là con đường lây nhiễm chính của loại vi khuẩn này và nó cũng có thể gây nhiễm trùng qua mắt và da bị tổn thương.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes được mệnh danh là "sát thủ tủ lạnh". (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ bị sót, đau cơ, buồn nôn và tiêu chảy. Trong các trường hợp nặng sẽ có các triệu chứng như nhức đầu, cứng cổ, mất cân bằng cơ thể và chuột rút, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em, người già, người suy giảm hệ miễn dịch là những nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes sẽ có tỷ lệ sảy thai lên tới 30%. Loại vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh qua nhau thai hoặc ống sinh, gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, nhiễm trùng huyết và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Làm thế nào để bà bầu ngăn chặn vi khuẩn Listeria monocytogenes?
- Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn đồ sống và lạnh, đặc biệt tránh ăn thức ăn thừa để qua đêm, kem và hải sản.
- Thực phẩm tươi sống nên được đậy kín và tránh tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã nấu chín.
- Thức ăn trong tủ lạnh phải được hâm nóng ở nhiệt độ cao trước khi ăn.
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh vi khuẩn phát triển.