Vừa hạnh phúc đón hai con chào đời chưa được bao lâu, bà mẹ này đã phải nhận tin dữ chồng qua đời.
Theo các chuyên gia sản khoa, độ tuổi vàng sinh nở của người phụ nữ là 20-35 tuổi. Những trường hợp mang thai, sinh nở sau tuổi 40 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho cả mẹ và bé. Vậy nhưng bà Yerramatti Mangayamma (sống tại miền nam Ấn Độ) đã sinh con ở tuổi 73 và đó còn là một ca sinh đôi. Hơn 1 năm sau khi bà trở thành người mẹ lớn tuổi nhất thế giới sinh con, nhiều người vẫn bàn tán xôn xao về sự việc và tò mò cuộc sống của bà Yerramatti hiện tại ra sao.
Bà Yerramatti và ông xã tên Raja kết hôn cách đây 59 năm. Suốt những năm đầu của cuộc hôn nhân, hai ông bà đã thử mọi cách để sinh một đứa con, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và cũng sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng đều không có kết quả.
Bà Yerramatti sinh hai con sinh đôi ở tuổi 73, sau hơn 50 năm hiếm muộn.
Hình ảnh bà và các con hiện tại.
Hành trình tìm con của họ tiếp tục lâm vào ngõ cụt khi bà Yerramatti bị mãn kinh sớm ở tuổi 40. "Lúc đó tôi có cảm giác như mọi cánh cửa đang đóng sầm trước mắt. Vợ chồng tôi đã cân nhắc việc nhận con nuôi nhưng cuối cùng lại không làm được", bà kể lại.
Không chỉ thất vọng vì mãi không có con, bà Yerramatti còn phải chịu thêm nhiều tổn thương từ những lời đàm tiếu của mọi người xung quanh. Bà nói: "Họ gọi tôi là người phụ nữ không con và bàn tán rất nhiều mỗi khi tôi đi qua".
Vợ chồng bà Yerramatti đã sống trong nỗi đau khổ vì không thể có con suốt vài chục năm như thế. Cho đến mùa hè năm 2018, bà nghe được tin một người phụ nữ khoảng 30 tuổi trong làng đã sinh con thành công sau khi thụ tinh trong ống nghiệm.
"Tôi chưa nghe về nó bao giờ nên muốn tìm hiểu thêm. Cô ấy biết tôi khao khát việc có con đến thế nào nên cũng chia sẻ chi tiết về chi phí, bác sĩ và phòng khám. Tôi biết thụ tinh ống nghiệm sẽ rất khó khăn, nhưng tôi muốn thử", bà chia sẻ.
Sau đó, bà Yerramatti lập tức liên hệ với bác sĩ Umashankar Sanakkayala và có được một cuộc hẹn vào tháng 11/2018. Bác sĩ đã tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe của bà và khi kết quả cho thấy các chỉ số đều ổn, ông đã đồng ý thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho bà. "Tôi đã khóc vì sung sướng", bà mẹ già nhớ lại.
Hình ảnh bà Yerramatti khi mang bầu.
Hai bé sinh đôi có cân nặng dưới 2kg.
Vợ chồng bà Yerramatti đã trả khoảng 65.000 rupee (khoảng 20 triệu VNĐ) cho chu kỳ điều trị đầu tiên nhưng vì bà không có trứng nên kết quả thất bại. Sau đó, họ sử dụng trứng hiến tặng kết hợp với tinh trùng của ông Raja để thụ thai và bà đã mang thai thành công. Không những thế, bà còn mang bầu đôi.
Bà Yerramatti sinh hai bé sinh đôi vào ngày 5/9/2019, mỗi bé chỉ nặng dưới 2kg. Đó là ca sinh chấn động giới y khoa thế giới nhưng với bà, đó đơn giản là giây phút hạnh phúc của người được làm mẹ.
"Lần đầu tiên được ôm các con vào lòng, tôi cảm thấy cuộc đời này thật tốt đẹp. Chúng tôi ở lại bệnh viện vài tuần để các bác sĩ theo dõi rồi được về nhà khi cả ba đều khỏe mạnh", bà tâm sự.
Sau khi chồng qua đời, hiện tại bà Yerramatti đang làm mẹ đơn thân ở tuổi 75.
Đáng tiếc, niềm hạnh phúc có một gia đình trọn vẹn với tiếng khóc cười trẻ thơ của vợ chồng bà Yerramatti không kéo dài được bao lâu. Sau khi bà sinh con, ông Raja (84 tuổi) lên cơn đau tim và qua đời khi các bé mới tròn 1 tuổi. Hiện tại, bà Yerramatti phải làm mẹ đơn thân ở tuổi 75, rất vất vả mới có thể chăm sóc cho các con.
"Tôi thật sự đã lên kế hoạch cho việc mình sẽ rời cõi đời này trong vài năm nữa. Tôi đương nhiên muốn sống thật lâu để nhìn các con lớn lên nhưng tôi biết mình già rồi. Tôi đã nhờ một người thân trong gia đình chăm sóc cho các con nếu mình có mệnh hệ gì", bà chia sẻ.
Những khó khăn khi mang thai sau tuổi 50 - Khả năng thụ thai giảm thấp: Ở tuổi 45, cơ hội có thai sẽ giảm xuống chỉ còn 1%. Nếu thông qua việc sử dụng trứng hiến tặng và thụ tinh nhân tạo, cơ hội này sẽ tăng lên 70–75%. - Rủi ro về sức khỏe: Mang thai muộn khiến mẹ dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật… - Mẹ dễ sinh non, thai chậm phát triển và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác. - Thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc những bất thường về di truyền. - Tăng nguy cơ sinh mổ, dễ gặp biến chứng bất thường khi chuyển dạ, sinh con. - Tổn hại sức khỏe, mất nhiều thời gian hồi phục sau sinh hơn. |