Khi biết chị Giang mang tam thai tự nhiên, bác sĩ nói: "Tỷ lệ các ca sinh ba cùng trứng tự nhiên là cực kì hiếm, như kiểu đi tìm nhà mà không biết tên đường ở Hà Nội vậy".
May mắn mang tam thai tự nhiên nhưng cùng với niềm hạnh phúc vô bờ đó, chị Giang (sinh năm 1989, Hà Tĩnh) đã phải đối mặt với vô vàn thử thách kể từ lúc biết tin cho đến suốt quá trình mang thai, giữ thai và sinh con. Nhìn 3 bé gái Ngọc Diệp - Ngọc Hà - Ngọc Anh xinh xắn ở thời điểm hiện tại, ai cũng ước giá mình cũng có được may mắn mang đa thai như chị Giang. Tuy nhiên, chỉ đến khi anh Dương (sinh năm 1988) - ông xã của chị tiết lộ chặng đường đầy chông gai mới cảm phục nghị lực phi thường của bà mẹ trẻ 8X này.
Chị Giang bên cậu con trai cả và 3 bé trong ca tam thai chị sinh năm 2019.
Một ngày cuối tháng 10/2018, anh Dương trở về nhà sau ngày dài làm việc mệt nhọc, vừa bước chân vào cổng, chị Giang thủ thỉ:“Hình như em có bầu nữa rồi chồng ạ”. Hít một hơi thật sau, người đàn ông ngoài 30 ôm chầm lấy vợ tỏ vẻ sung sướng.
Sáng hôm sau, bỏ lại sau lưng tất cả bộn bề của công việc, anh Dương đưa vợ tới bệnh viện siêu âm, tuy nhiên do thai chưa vào tổ nên được bác sĩ hẹn hôm khác quay lại. Hai tuần sau, bác sĩ khám một lúc rất lâu rồi nói: “Hình như là một đôi, nhưng nằm gần quá, bác sợ bị dính vào nhau”. Để chắc chắn, chị Giang tiếp tục đến các phòng khám để kiểm tra. Kết quả cho thấy chị có 3 phôi thai đang hình thành trong buồng tử cung.
Với hy vọng được khám và chỉ định cụ thể, các bác sĩ tại địa phương đã khuyên chị Giang nên ra Hà Nội. Tại hành lang bệnh viện phụ sản Trung Ương, chị Giang tay run run cầm phiếu siêu âm nói với chồng: “Bác sĩ khuyên nên bỏ con anh ạ vì tam thai quá nhiều nguy cơ: Sảy, sinh non, truyền máu song thai, vỡ tử cung...”.
3 bé gái Ngọc Diệp - Ngọc Hà - Ngọc Anh xinh xắn.
Cố gắng bình tĩnh, anh Dương nắm chặt tay vợ nhưng tai ù đi, chị Giang ôm chồng khóc nấc, cả hai không nghĩ được gì. Hơn ai hết, họ là những người hiểu việc lựa chọn giữ hay bỏ con là cực kỳ khó. Anh Dương hồi tưởng: “Mình bảo vợ: “Thôi vợ chồng mình về, nghỉ ngơi rồi quyết định. Hai ba hôm nữa cũng chưa muộn, vì hiện tại căng thẳng thế này chẳng quyết được điều gì”.
Thương vợ, thương con, suốt quãng đường từ Hà Nội về quê, anh Dương luôn cố gắng tạo tâm lý thoải mái nhất cho vợ. Sau lần đó, chị Giang cùng chồng cũng gặp bạn học cũ, thời điểm đó đang công tác trong ngành y. Bạn anh tiếp tục phân tích các nguy cơ phải đối mặt, nhất là ở lần sinh đầu tiên chị sinh mổ nên khi mang tam thai dễ bị bục vỡ tử cung, mang đa thai còn dễ dẫn đến sinh non, cực kỳ khó nuôi, nếu nuôi được cũng mang những khiếm khuyết thể chất suốt đời.
Chưa kể, tam thai chung bánh nhau, chung một đường nuôi máu. Nếu can thiệp tiêm thuốc để giảm thiểu bớt số lượng thai thì không dám chắc sẽ không ảnh hưởng đến các thai còn lại vì chung đường nuôi máu. Việc mất tim thai có thể sẽ xảy ra. Điều đó cũng đồng nghĩa hỏng hết. “Từ những lý lẽ đó, bác sĩ tư vấn nên làm thủ thuật đình chỉ thai kỳ. Trong vali hành lí dạo đó của mình có một thứ mà vợ không hề biết. Đó là 1 hũ thuỷ tinh sạch, để nếu có lỡ thì còn đưa các con về quê hương” – ông bố 8X bộc bạch.
Hình ảnh các con trong những lần siêu âm thai.
Nghe xong chị Giang cùng chồng lê những bước chân nặng nề đến nơi làm thủ thuật đình chỉ. Lúc này, chị Giang khóc òa, tim anh Dương như thắt lại đến nghẹt thở. Anh nói: “Vợ dựa vào người mình và liên tục nài nỉ: Mình giữ con đi bố, sinh con rồi em chết cũng được, lúc đó có bố chăm sóc con rồi”. Vậy là anh lại chẳng đành lòng và dẫn vợ về.
Và rồi, tâm lý của hai vợ chồng chị Giang chỉ thực sự được giải tỏa khi được giới thiệu và tìm tới một vị bác sĩ chuyên điều trị các ca đa thai. Tại bệnh viện nơi bác sĩ công tác, kết quả tương tự như khi thăm khám trước đó. Khi khám bác sĩ hỏi: “Làm IVF phải không em?”. Anh bảo “Tự nhiên bác ạ”. Nghe xong, bác sĩ nói, tỉ lệ mang sinh 3 tự nhiên đã hiếm, nhưng đa sinh cùng trứng như này cực hiếm với tỷ lệ 1/60.000 ca đến 1/200 triệu ca, như kiểu đi tìm nhà mà không biết tên đường ở Hà Nội vậy.
Ở những lần siêu âm và khám tiếp theo, vợ chồng anh Dương bắt đầu nghe thấy tim thai và hình hài của 3 em bé. Qua mỗi mốc thăm khám lại thêm một niềm vui khi biết các con phát triển bình thường. Đến tuần thứ 16 nhìn hình ảnh cho thấy rõ là 3 bé gái, anh Dương sướng rơn người.
19/6/2021, các bé tròn 2 tuổi.
Qua các mốc quan trọng, các bé vẫn phát triển đều đặn. Lo sợ sẽ tăng cân nhanh, mắc tiểu đường thai kỳ nên chị Giang không dám ăn uống quá nhiều. Từ khi mang thai đến trước khi sinh chị lên vỏn vẹn 7kg. Đến tận tháng thứ 5 nhiều người vẫn chưa nhận ra chị có bầu.
Anh kể: “Mang thai 3 thực sự rất mệt, tầm 4,5 tháng mấy đứa quay trở nhiều, thúc dồn lên 2 bên xương sườn nên vợ mình đau không ngủ được. Mình đi làm về thì mệt, ngủ không biết gì. Vợ đêm đến là cứ đứng dựa vào tường, vào tủ mà ngủ chập chờn vì đau hai bên mạng sườn không nằm nổi. Thương chồng nên không dám gọi, cứ đêm khuya là lại ngủ đứng như vậy suốt mấy tiếng đồng hồ”.
Bước vào ngày thứ 5 của tuần thai 32, chị Giang bất ngờ vỡ ối. Từ chỗ làm việc cách nhà 100km, anh Dương cuống cuồng vơ vội chiếc áo nhảy xe về cùng vợ con. Ngồi trên xe, lòng anh như lửa đốt, chỉ mong về thật nhanh.
Tại bệnh viện sản nhi Nghệ An, chị Giang được bác sĩ tiến hành mổ chủ động. Lúc này, các phương án được gia đình chuẩn bị, phòng tình thế khẩn cấp cần chuyển ra Hà Nội cấp cứu. “Một lúc sau, y tá đẩy 1 chiếc xe ra, hai bên chèn 2 chiếc gối hơi to. Ba em bé nằm lọt thỏm trong xe, tóc đen, khóc to, bé như cái chai vậy. Cô Y tá thông báo: 3 bé gái sinh 3, 1kg-1,5kg-1,6kg nhé. Các con được bố mẹ đặt tên là: Ngọc Diệp - Ngọc Hà - Ngọc Anh” – anh Dương nhớ lại.
Từ ngày sinh ba cô con gái bé nhỏ, anh Dương, chị Giang, tất bật và vất vả hơn nhưng đổi lại không khí trong nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười, khóc.
Do sinh thiếu tháng nên bé 1kg phải ở viện đến 30 ngày mới được về, 2 bé lớn nằm 10 ngày. Các con được dùng sữa mẹ hoàn toàn. Nhờ được mẹ rèn từ nhỏ nên giờ đây khi sắp được 2 tuổi nhưng các con đã rất tự lập. Cứ đêm là tắt đèn, lăn lóc rồi tự ngủ, đặc biệt không có chuyện ẵm bế để ngủ.
Từ ngày sinh ba cô con gái bé nhỏ, anh Dương, chị Giang, tất bật và vất vả hơn nhưng đổi lại không khí trong nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười, khóc. Từ một ông bố sau giờ làm việc được nằm nghỉ, thư giãn thì giờ đây anh Dương thấy mình giống như “một chiếc máy đa năng” có thể làm tất cả các việc giặt quần áo, rửa bình sữa, dọn phòng...