Mới có bầu con đầu lòng thôi mà tôi khổ quá, người ta ở với chồng được chiều chuộng còn tôi cơm chan nước mắt theo đúng nghĩa đen.
Khi mới yêu, nhìn anh đẹp trai, hoạt ngôn là tôi phải lòng ngay. Anh cũng yêu chiều khiến các bạn cứ khen tôi tốt số. Tôi cũng tưởng là vậy nhưng khi cưới về mới bị vỡ mộng hoàn toàn.
Chồng tôi chỉ được cái mã bên ngoài còn thực tế lười như hủi. Suốt 2 năm lấy nhau chưa bao giờ anh biết vào bếp nấu cho vợ 1 bữa cơm. Dù vậy anh lại rất kĩ tính trong ăn uống một cách oái oăm.
Mang bầu nhưng tôi khốn khổ vì chồng gia trưởng. (Ảnh minh họa)
Kiểu như bữa nào nhà có món đậu rán thì phải chấm với mắm tôm. Có hôm hết mắm tôm, tôi lười ra chợ nên sửa soạn bát nước mắm chấm chanh, tỏi ớt thay thế mà anh quát:
“Ăn đậu rán không có mắm tôm thì vứt còn gì, chấm thế này chẳng ra làm sao cả?”.
Ngay cả khi tôi mang bầu, dù ốm nghén và sợ ngửi mùi thức ăn kinh khủng, nhất là những mùi của các loại gia vị, cơm, mì tôm... nhưng nếu không cho các gia vị đó vào món ăn đầy đủ, chồng mắng:
“Dạo này em nấu ăn kiểu gì, nấu không đúng gia vị thế này thì ai mà nuốt được. Không ngửi được thì em phải bịt mũi mà cho vào chứ?”.
Đặc biệt suốt 3 tháng trời, cứ ngửi mùi cơm phở là tôi cũng ôm miệng chạy vào nhà vệ sinh hoặc nôn thốc không kịp chạy. Vậy mà suốt ngày tôi phải nấu cho anh ăn khiến bị ám ảnh và sụt mất 2-3 kg trong 3 tháng đầu. Trong khi mọi người đều sốt ruột, lo cho con trong bụng thì chồng tôi cứ dửng dưng, không biết nỗi khổ của mẹ bầu.
Mang bầu mà chồng không mua cho vợ bất cứ món ăn vặt nào, ngược lại thi thoảng đang ở nhà, chồng cứ nói thèm ăn món này món kia, tôi lại phải lấy xe chạy đi mua cho anh ăn. Đã vậy, nếu anh ăn mỳ bò, tôi phải mua đúng hàng ở địa điểm X, nếu ăn cơm rang, tôi phải mua đúng địa điểm Y. Nếu mua không đúng hàng hay ăn thì anh lại càm ràm vợ, chê ỏng chê eo.
Chồng còn có thói quen mỗi khi ra ngoài ăn uống với bạn bè, đối tác về, tôi sẽ nấu cho anh 1 bát miến nóng với nhiều mộc nhĩ, nấm hương và mọc bò. Biết chồng thích ăn như vậy nên những thực phẩm này lúc nào tôi cũng dự trữ sẵn.
Hôm trước chồng tôi đi ăn với bạn về đến nhà đã gần 1h sáng. Dù bầu nghén mùi vậy nhưng tôi cũng lồm cồm bò dậy nấu cho anh bát miến nóng ăn. Khi sờ đến mộc nhĩ đã hết nên tôi chỉ lấy nước xương nấu miến mọc bò, nấm hương và ít hành, mùi tàu. Sợ mùi nấm, vừa nấu ăn tôi vừa phải bịt cả mũi.
Vậy mà hào hứng ngồi vào bàn, vừa ăn 1-2 miếng nóng hổi, chồng tôi đã gạt tay hất đổ bát miến xuống sàn nhà khiến bát vỡ còn miến thì tung tóe ra ngoài quát:
“Nấu miến kiểu gì mà thiếu mộc nhĩ, cho lợn ăn à? Dẹp hết đi, bầu bí nên trình nấu ăn của cô bị giảm sút đến thế này sao”.
Nói xong anh đi rửa chân tay rồi lên nhà nằm, mặc kệ vợ bầu tủi thân chưa kịp phản ứng gì.
Đáng ra tôi đang mang thai phải là người được anh hầu hạ chăm sóc. Lần này tôi quyết không dọn dẹp và làm căng với chồng. (Ảnh minh họa)
Thật sự tôi đã quá mệt mỏi với chồng gia trưởng, không chút tâm lý. Đáng ra tôi đang mang thai phải là người được anh hầu hạ chăm sóc. Đằng này tôi nghén mùi nặng vẫn cố chăm sóc anh hết mình nhưng cái nhận về chỉ là sự chỉ trích, vô ơn đến bạc bẽo. Lần này tôi quyết để cả tuần không thèm dọn và làm căng để anh chừa hẳn cái tính này đi. Tôi không nhẫn nhịn nữa vì càng nhẫn nhịn chồng càng lấn tới, sau này chỉ có tôi và con phải khổ thôi.
Nguyên nhân bà bầu nghén mùi trong thai kỳ
- Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể: Trong thai kỳ, cơ thể người phụ nữ trải qua những thay đổi khi mang thai như hormone estrogen và nồng độ hCG tăng cao. Từ đó gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, và nhạy cảm với mùi.
- Thay đổi tuần hoàn máu: Khi phụ nữ có thai, lượng máu trong cơ thể phải tăng lên để hỗ trợ cả thai phụ và thai nhi. Sự thay đổi này có thể dẫn đến việc máu được truyền đến não nhiều hơn, gây ra cơn nghén mùi do sự nhạy cảm tăng lên trong các dây thần kinh mũi.
- Các chỉ số cơ thể khi mang thai cao: Phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có chỉ số cơ thể (BMI) cao hoặc béo phì, có thể trải qua các thay đổi rõ rệt về khứu giác. Sự thèm ăn và việc tiêu thụ thức ăn nhiều đường và có hương vị mạnh có thể dẫn đến rối loạn khứu giác và nghén mùi.
- Bà bầu bị căng thẳng: Căng thẳng và áp lực kéo dài trong quá trình mang thai có thể làm tuyến thượng thận hoạt động quá mức, tăng sự nhạy cảm về mùi, kể cả với các mùi cơ bản.
- Cơ thể có cơ chế bảo vệ khi mang thai: Khi phụ nữ mang thai, khứu giác thường trở nên nhạy cảm hơn để bảo vệ thai nhi khỏi các tác nhân có thể gây hại. Sự nhạy cảm này có thể dẫn đến việc nghén mùi trong thai kỳ.