Phải nằm treo chân ở nhà suốt hơn 3 tháng trời vì doạ sảy, tôi đã rất khó chịu và bí bách. Thế nhưng mấy cô bên chồng chẳng hỏi han mà nói tôi ăn bám, không được tích sự gì.
Cưới nhau được 4 tháng, tôi bầu con đầu lòng. Xưa giờ sức khoẻ cũng tương đối, ít ốm vặt nên tôi có phần chủ quan thai kỳ của mình sẽ bình an vô sự mà trôi qua. Nhưng vừa phát hiện có bầu được ít lâu, tôi bị đau bụng và ra máu. Hai vợ chồng hốt hoảng đi kiểm tra thì bác sĩ kết luận tôi có nguy cơ doạ sảy.
Ngoài những vấn đề thuốc bổ, ăn uống thì tôi được yêu cầu phải nằm ở nhà và hạn chế đi lại nhất có thể. Cho hết 3 tháng đầu kiểm tra lại nếu thai nhi ổn định sẽ bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo tiếp theo.
Lúc ấy lo lắng cho con đầu lòng, tôi gật đầu răm rắp và chỉ nghĩ làm sao để giữ được thai nhi. Thế nhưng, khi nằm im trên giường được vài ngày, tôi mới thấy thật sự khó chịu và bí bách. Cả ngày tôi gần như chỉ xuống khỏi giường khi đi vệ sinh. Tới mức cơm ngày 3 bữa mẹ tôi bê vào tận giường. May mắn là chồng tôi cũng tâm lý, anh nói tôi về nhà mẹ đẻ ở để tiện bà chăm sóc. Để được gần vợ, anh cũng “chuyển khẩu” tạm thời qua nhà vợ.
Tôi bị doạ sảy nên phải nằm nhà suốt giai đoạn đầu của thai kỳ. (Ảnh minh hoạ)
Quãng thời gian khó khăn ấy mãi rồi cũng qua. Tôi như được hồi sinh khi bác sĩ kiểm tra thai nhi ở tháng thứ 5 đã ổn định, phát triển bình thường. Hai vợ chồng trẻ lại về nhà riêng và tự chăm sóc lẫn nhau.
Tận lúc này, tôi mới biết mình đang là “cái gai” trong mắt họ hàng bên chồng. Hôm ấy, tôi qua nhà bố mẹ chồng, vừa vào tới cổng đã thấy mấy cô mấy bác xúm lại rôm rả bàn tán về tôi.
“Chả ai được như con dâu chị. Lấy chồng xong nằm vắt chân ở nhà ngủ từ sáng tới chiều. Chồng lo cho từ a-z, ăn bám mà vẫn còn vênh váo với mọi người nữa chứ nào có biết điều” – Một bà cô họ giọng đầy mỉa mai.
“Đúng rồi, ăn bám mà còn tỏ vẻ. Cả tháng không thèm về thăm bố mẹ chồng lần nào. Bố mẹ nó còn thế, gặp mấy bà cô này chắc nó chẳng thèm chào”.
“Chị cứ chiều con dâu quá, lấy xong thì bắt chúng nó ở chung 1 thời gian mà rèn rũa. Chưa gì đã cho ra ở riêng thì dạy dỗ gì nữa” – Một bà cô lên lớp mẹ chồng tôi.
Nghe hết mấy câu nói không hay về mình, tôi cũng khó chịu lắm. Suốt quãng thời gian phải nằm tại nhà, công việc thì gián đoạn, thu nhập thì bấp bênh, tâm lý thì mệt mỏi, họ hàng nhà chồng không ai hỏi han lấy 1 câu. Giờ họ còn trách ngược, mỉa mai, nói xấu tôi chỉ vì 2 tháng ấy không thể về thăm bố mẹ chồng. Chồng đi bên cạnh nắm chặt tay tôi, rồi quay sang nhìn với ánh mắt ái ngại:
- Em đừng để bụng nhé. Để anh vào giải tán mấy bà tám.
Tôi níu tay chồng, cứng rắn đáp:
- Được, nhưng để em lên tiếng chào hỏi trước.
Rồi tôi chầm chậm bước vào. Tôi cất tiếng chào rất to khiến tất cả các cô các dì ấy giật mình, nhìn mặt lộ rõ vẻ ngại ngùng khi đang nói xấu cháu dâu lại bị phát hiện. Tôi cũng cười nhạt rồi bảo:
- Cháu có chào nhé ạ, mấy cô bảo cháu gặp không chào thì oan cho cháu quá. Mà mấy cô ơi, cùng là phụ nữ mọi người cũng hiểu khi bầu bí, chăm con thì sẽ khổ thế nào mà. Nhất là những người còn gặp vấn đề về sức khoẻ. Cháu nằm nhà suốt gần 3 tháng trời cũng chỉ là để đảm sự an toàn cho cháu nội của nhà này, để chồng cháu yên tâm làm ăn.
Chưa kể, cháu có nằm nhà thì cũng chẳng cần ngửa tay xin chồng, vì cháu có bảo hiểm, có công việc kinh doanh đã vận hành trơn tru để cháu vắng mặt thì vẫn có dòng tiền thụ động đủ cháu tự lo cho bản thân mình. Rồi tiền cháu tích cóp, tiền dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp như này nữa. Nói chung về tài chính thì cháu tự tin để mình sống tốt mà không cần ai hỗ trợ các cô ạ.
Mà kể cả có ăn bám chồng thì cũng là chồng mình có gì phải ngại đâu ạ? Chồng là người đồng cam cộng khổ với mình suốt cả cuộc đời này cơ mà… Chắc các cô cũng mong chồng mình làm về đưa lương vợ giữ, khi ốm đau có chồng ở bên chứ ạ?
Chồng tôi cũng lên tiếng bênh vực vợ. Mấy người họ hàng cũng chẳng nói gì chỉ cười trừ và vớt vát bằng mấy câu hỏi han rồi vội vã chào ra về.
Khi có dấu hiệu doạ sảy, thai phụ cần đi khám bác sĩ và nếu được yêu cầu điều trị hãy tuân thủ đúng những hướng dẫn. (Ảnh minh họa)
Một số lưu ý khi bà bầu bị doạ sảy
Khi có dấu hiệu doạ sảy, thai phụ cần đi khám bác sĩ và nếu được yêu cầu điều trị hãy tuân thủ đúng những hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo ổn định sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, còn một số lưu ý để giúp mẹ bầu có thai kỳ khoẻ mạnh.
- Không đấm lưng, xoa đầu vú hay xoa bụng vì những hành động này vô tình kích thích tử cung co bóp nhanh và mạnh hơn từ đó khiến cho thai nhi dễ bị sảy.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc dùng thêm các sản phẩm giúp bổ sung vitamin để tăng cường sức khỏe cho thai kỳ.
- Nếu có tiền sử sảy thai cần thông báo với bác sĩ để được theo dõi cẩn thận.
- Nghỉ ngơi để giúp cho các cơ quan sinh sản, đặc biệt là tử cung không phải chịu bất cứ yếu tố gây kích thích nào.
- Tạo tâm lý thật thoải mái và tuyệt đối không nên quá căng thẳng.
- Tránh hoạt động mạnh.
- Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi không còn thấy dấu hiệu dọa sảy nữa vì việc làm này khiến cho các cơ và hệ thần kinh của mẹ bầu mất rất nhiều sức vận động, nhất là âm đạo và tử cung từ đó tăng nguy cơ bị sảy thai.
Dọa sảy thai là vấn đề thường xảy ra ở tam cá nguyệt đầu tiên và là vấn đề không thể xem thường. Mẹ bầu nên tìm hiểu để có được những thông tin đúng, cần thiết, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc an thai không được bác sĩ tham vấn để gây bất ổn cho thai kỳ.