1 giờ sáng gọi vợ bầu dậy hâm nóng đồ ăn, tôi ném mâm cơm nguội ngắt để rồi ân hận

Thảo Nguyên - Ngày 25/02/2023 00:00 AM (GMT+7)

Gọi dậy thì vợ bảo tôi tự cho vào lò vi sóng mà quay, đêm hôm đừng bắt vợ bầu phục vụ.

Ngày mới cưới, tôi đã ra quy định với vợ rõ ràng, rằng nhà phải có nóc, mọi việc trong nhà phải do chồng quyết là chính, làm vợ cấm được phép vượt quyền.

Dù tiền nong hàng tháng đưa vợ giữ nhưng tôi quản lý rất chặt để tránh cô ấy tiêu pha linh tinh hay thất thoát. Nói chung quan điểm của tôi, chồng phải quản được vợ, chuyện nhà phải êm ấm thì chuyện công việc mới suôn sẻ. Được cái vợ tôi nghe lời chồng răm rắp, không lệch pha bất cứ điều nhỏ nhặt gì. Cô ấy lúc nào cũng hiền lành chịu khó, đi làm về là vun vén cho tổ ấm nhỏ.

Hàng tháng vợ không có nhu cầu mua sắm gì nên tiền lương 2 đứa kiếm được ngoài chi tiêu, sinh hoạt thì cũng để dành tích lũy được 1 khoản. Vì thế kinh tế 2 vợ chồng trẻ nhưng cũng khấm khá, có của ăn của để.

Vợ tôi lúc nào cũng hiền lành chịu khó, đi làm về là vun vén cho tổ ấm nhỏ. (Ảnh minh họa)

Vợ tôi lúc nào cũng hiền lành chịu khó, đi làm về là vun vén cho tổ ấm nhỏ. (Ảnh minh họa)

Công việc của tôi là trưởng phòng kinh doanh một công ty dược nên phải ra ngoài gặp đối tác rất nhiều. Chuyện đi sớm về muộn và rượu bia liên tục là điều không tránh khỏi. Trước vợ tôi ít càu nhàu vì hiểu tính chất công việc của chồng. Nhưng từ ngày có bầu cô ấy cứ càm ràm bảo tôi uống ít thôi vừa đỡ hại sức khỏe vừa đỡ say xỉn để về không bắt vợ phục vụ.

“Anh cứ uống nhiều rồi về lại nôn ra nhà khiến em phải dọn dẹp. Em bầu như này nặng nề nên mệt lắm rồi, không làm được”.

Nghe vợ nói chối quá, tôi mắng luôn lấy vợ về để chăm sóc chồng những lúc như thế chứ lúc bình thường thì ai cần phải chăm đâu.

Đi uống bia rượu, do ăn ít đồ ăn nên mỗi lần về bụng đói meo. Thế nên tôi có thói quen về nhà sẽ ăn 1 bát cơm lót dạ rồi đi ngủ. Vợ tôi dù ăn trước cũng hay để phần cơm cho chồng. Mỗi lần tôi về nhà muộn mà em lại thức dậy hâm nóng đồ ăn cho tôi.

Vợ càm ràm nhiều và đang trong những tháng cuối thai kỳ nên khoảng 3 tuần rồi tôi cũng hạn chế rượu chè với đối tác. Cho tới hôm trước, vì có cuộc gặp gỡ với khách Sài Gòn ra nên tôi nhậu đến 1h đêm mới về nhà. Về nhà tôi mò cơm canh ăn nhưng thấy đã nguội ngắt. Tôi lên phòng gọi vợ bầu 8 tháng đang ngủ xuống bếp hâm nóng đồ ăn cho mình.

Vừa gọi thì vợ đã tỉnh giấc ngay. Nhưng tỉnh dậy xong cô ấy nhất định không xuống nấu ăn cho chồng vì bảo đợt này cuối thai kỳ nên bị mất ngủ. Có gì tôi tự cho vào lò vi sóng mà quay, đừng có đêm hôm hành nhau và bắt vợ bầu phục vụ.

Nghe vợ nói tôi bực quá nên lập tức quăng mâm cơm nguội ngắt xuống sàn nhà. Tôi còn chỉ trích cô ấy lười không biết chăm lo cho chồng.

Lần này vợ tôi chẳng những không nín nhịn như trước mà còn đứng dậy chỉ mặt tôi quát tháo. Cô ấy bảo tôi không biết thương vợ. Vợ bầu cuối thai kỳ mất ngủ mà không chút quan tâm còn hành vợ hầu hạ đêm hôm. Cô ấy còn nói loại đàn ông gia trưởng, không tâm lý như vậy thì tôi sống một mình đi, cô ấy sẽ ôm con về ngoại sống. Cô ấy không cần người chồng như vậy và con sắp sinh cũng không cần người bố như thế.

Cô ấy nói không cần người chồng như vậy và con sắp sinh cũng không cần người bố như thế. (Ảnh minh họa)

Cô ấy nói không cần người chồng như vậy và con sắp sinh cũng không cần người bố như thế. (Ảnh minh họa)

Định dạy lại vợ mà lần đầu tiên nghe những lời mắng mỏ của cô ấy, bỗng dưng tôi như bừng tỉnh. Tôi cuống quýt xin lỗi nhưng cô ấy không chịu tha thứ. Chỉ khi tôi ân hận quỳ xuống và hứa không bao giờ rượu bia về bắt vợ phục vụ nữa, cô ấy mới chịu tha thứ cho lỗi lầm của tôi.

Từ hôm đó đến nay tôi đang tu thân sửa đổi bản thân mình, chẳng dám đi nhậu nữa mà ở nhà và chia sẻ mọi việc với vợ. Thấy vợ mất ngủ, hay trằn trọc ban đêm, giờ tôi mới biết xót xa và thương vợ bầu. Tôi tự hứa sẽ bù đắp cho vợ từ bây giờ, trước hết tôi phải là gì để vợ bầu những tháng cuối không bị mất ngủ? Tôi có cần cho cô ấy đi khám không?

Phương pháp giúp cải thiện tình trạng mất ngủ khi mang thai của mẹ bầu

Chế độ ăn uống:

- Không nên ăn no trước khi đi ngủ. Thời điểm ăn tối nên cách thời gian đi ngủ khoảng 2  - 3 tiếng để cơ thể kịp tiêu hóa thức ăn.

- Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày và ăn chậm nhai kỹ để tránh tình trạng trào ngược, đau dạ dày, ợ chua, ợ hơi khi nằm ngủ.

- Ăn ít ngọt để tránh nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

- Không nên ăn những loại thức ăn và đồ uống như trà, cà phê, socola vào buổi tối.

- Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin B như ngũ cốc, những loại rau lá xanh.

- Trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước vì điều này dễ khiến cho mẹ bầu phải thức dậy vào buổi đêm để đi tiểu tiện.

Thói quen sinh hoạt:

- Tư thế giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn: nằm nghiêng người về bên trái, chân gác lên cao, uốn cong đầu gối (có thể sử dụng gối ôm chuyên dụng dành cho bà bầu). Việc này có tác dụng giảm thiểu áp lực đè lên tĩnh mạch chân, gia tăng lượng máu cung cấp cho tim, giảm nguy cơ huyết áp thấp, hạn chế hiện tượng phù nề, có lợi cho hệ tuần hoàn máu của nhau thai.

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ, chăn ga, giường gối để mẹ bầu luôn có cảm giác thoải mái khi đi ngủ.

- Mẹ bầu có thể ngâm chân nước ấm với gừng và muối, tinh dầu hoặc uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp máu lưu thông tốt hơn, mẹ bầu cũng dễ đi vào giấc ngủ hơn.

- Nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức. Trong ngày thai phụ nên dành ra khoảng thời gian ngắn để ngủ như buổi trưa từ 30 - 60 phút để trí não tỉnh táo, nhanh nhạy hơn. Cần lưu ý là các mẹ bầu không nên ngủ quá nhiều vào ban ngày vì như vậy sẽ khiến mẹ bị khó ngủ vào đêm. Tốt nhất là mẹ nên có giờ giấc ngủ nghỉ khoa học, đúng giờ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

- Mặc dù việc mang thai khiến cho cơ thể trở nên nặng nề, khó khăn hơn trong việc di chuyển nhưng sẽ là rất tốt nếu mẹ bầu có thể vận động, tập thể dục nhẹ nhàng. Hoạt động này có tác dụng giảm căng thẳng, giúp lưu thông khí huyết, hạn chế hiện tượng chuột rút và giúp mẹ bầu ngon giấc hơn.

- Nếu hay bị chuột rút, các mẹ hay áp dụng động tác uốn cong rồi gập mạnh bàn chân xuống phía gót chân.

 

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự bà bầu