Tôi năm nay 63 tuổi. Cả cuộc đời tôi dành hết tình thương cho 2 đứa con, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày mình phải ngồi đây để viết ra những dòng tâm sự đầy nặng nề như thế này.
Tôi và chồng luôn tin vào quan niệm “nuôi con trai khắc khổ, nuôi con gái sung túc”. Vì nghĩ rằng con gái sau này phải đi lấy chồng, làm dâu nơi xa, chẳng còn được tự do, thoải mái như khi ở bên cha mẹ, nên tôi luôn dành cho con gái sự ưu ái hơn cả. Con trai tôi từ nhỏ đã hiểu chuyện, hiền lành, luôn nhường nhịn chị gái. Còn con gái tôi thì mặc nhiên cho rằng sự quan tâm, chăm sóc của cả nhà dành cho nó là điều hiển nhiên, chẳng bao giờ biết nói lời cảm ơn.
Ba năm sau khi kết hôn, con gái tôi sinh cháu gái đầu lòng. Lúc ấy, nó gọi điện khóc lóc với tôi rằng mẹ chồng không chịu giúp chăm con, mong tôi sang đỡ đần. Thương con, tôi không nỡ từ chối. Tôi khăn gói đến nhà con gái chăm sóc mẹ và bé suốt thời gian ở cữ, rồi tiếp tục ở lại chăm sóc cháu. Thấm thoắt đã 5 năm trôi qua, từ ngày cháu gái biết lẫy, biết đi cho đến khi vào mẫu giáo, tôi chưa từng rời xa.
Thời gian đó, tôi và chồng gần như sống xa cách. Mỗi năm chỉ gặp nhau vài lần ngắn ngủi. Khi cháu gái vào lớp mầm, tôi ngỏ ý muốn về quê sống cùng chồng, nhưng con gái không đồng ý. Nó nói cháu còn nhỏ, chưa thể thiếu bà. Nghĩ thương cháu, tôi đành nán lại.
Tôi vui mừng khôn xiết khi biết con dâu đã mang thai 2 tháng. (Ảnh minh họa)
Cuối năm 2023, con trai tôi kết hôn. Tháng 4/2024, tôi vui mừng khôn xiết khi biết con dâu đã mang thai 2 tháng. Con dâu mồ côi mẹ từ nhỏ, bố đi bước nữa, gia đình bên nội chẳng thể nhờ vả ai. Nghĩ đến chuyện này, tôi tự nhủ: “Mình đã dành 5 năm cho con gái, giờ cũng đến lúc chăm sóc con trai và cháu nội”.
Nhưng khi tôi bắt đầu nói với con gái về việc sẽ sang giúp con dâu sau sinh, phản ứng của nó khiến tôi chết lặng. Nó không chút do dự mà thẳng thừng phản đối, thậm chí còn nói đầy cay nghiệt: “Mẹ là mẹ ruột của con, đáng lẽ mẹ phải ở lại giúp con. Nếu mẹ đi chăm con dâu, con sẽ coi như không có người mẹ này”.
Tôi đau lòng vô cùng. Bao năm qua, tôi đã dành cả tuổi già còn lại để chăm sóc, hy sinh vì nó. Chỉ vì một quyết định công bằng mà tôi bị chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra nói ra những lời lạnh lùng đến vậy.
Nhưng tôi vẫn quyết định rời đi. Ngày tôi thu dọn hành lý sang chăm con dâu, con gái mặt nặng mày nhẹ, chẳng buồn nói với tôi một lời. Tôi biết, dù có giải thích thế nào, nó cũng chẳng chịu hiểu.
Cháu nội chào đời được 10 ngày, tôi đến thăm con gái sau khi nó sinh bé thứ 2. Tôi cho nó 10 triệu nhưng thái độ của nó vẫn lạnh nhạt, con rể cũng chẳng mấy vui vẻ.
Khi con gái hết thời gian ở cữ, nó gọi cho tôi, yêu cầu tôi quay lại chăm sóc. Tôi nhẹ nhàng nói: “Con à, mẹ đã giúp con suốt 5 năm, giờ cũng đến lượt mẹ chăm sóc cho gia đình em trai con. Bố mẹ chồng con vẫn còn khỏe, hoàn toàn có thể giúp đỡ con. Em trai con thì chỉ trông cậy vào mẹ thôi. Con hiểu cho mẹ nhé”.
Tôi kiên nhẫn giải thích nhưng con gái chẳng thèm nghe. Nó tức giận nói: “Mẹ chỉ biết thương cháu nội, thiên vị em trai con. Con đang ở cữ, phải vào bếp nấu ăn vì chồng đi vắng, mẹ chồng thì bận chăm cháu đích tôn”.
Nghe những lời đó, tôi chợt nhận ra có lẽ mình đã hy sinh quá nhiều. Ở vị trí của một người mẹ, tôi cũng cảm thấy khó xử, nhưng cuối cùng quyết định thuê một người giúp việc theo giờ để hỗ trợ con gái trong giai đoạn nhạy cảm này. Dù sao thì cơ thể phụ nữ sau sinh vẫn còn yếu, cần được chăm sóc cẩn thận, nhưng tôi biết chắc rằng lần này mình sẽ không dốc hết lòng hy sinh như những lần trước nữa.
Bài tâm sự được gửi từ độc giả có email: hoadatrang…@gmail.com
Làm thế nào để cân bằng khi chăm sóc con gái và con dâu sau sinh?
Chăm sóc con gái và con dâu sau sinh là một thử thách không nhỏ đối với nhiều bà mẹ, đặc biệt khi cả hai đều cần sự hỗ trợ trong cùng một thời gian. Để tránh mâu thuẫn và giữ gìn hòa khí gia đình, người mẹ cần biết cách cân bằng giữa tình cảm, trách nhiệm và sự công bằng. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn làm tốt điều đó:
1. Giữ tinh thần công bằng
Dù là con gái ruột hay con dâu, cả hai đều cần được quan tâm và chăm sóc đúng mức. Sự thiên vị, dù vô tình hay cố ý, đều có thể làm tổn thương tình cảm gia đình.
- Đừng so sánh: Tránh những câu nói như “Ngày xưa mẹ chăm con thế này...” hoặc “Con dâu sao không làm như con gái mẹ...” vì dễ tạo cảm giác bị so sánh, khiến con dâu hoặc con gái cảm thấy không thoải mái.
- Công bằng trong hành động: Nếu bạn dành thời gian chăm sóc con gái một tuần thì cũng nên sắp xếp thời gian tương tự cho con dâu nếu hoàn cảnh cho phép.
2. Thấu hiểu cảm xúc
Giao tiếp là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong gia đình, đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm như chăm sóc sau sinh.
- Chia sẻ thẳng thắn: Hãy nói rõ với cả con gái và con dâu về lịch trình, khả năng của bạn và lý do bạn cần phân chia sự chăm sóc như thế nào.
- Lắng nghe tâm sự: Đôi khi điều con gái hoặc con dâu cần không chỉ là sự giúp đỡ mà còn là một người để chia sẻ những cảm xúc sau sinh. Hãy dành thời gian lắng nghe để họ cảm thấy được thấu hiểu.
3. Kết hợp sự hỗ trợ từ gia đình khác
Bạn không cần phải làm mọi thứ một mình. Nếu có thể, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ những thành viên khác trong gia đình để giảm bớt áp lực cho bản thân.
- Huy động chồng, cha của bé: Khuyến khích con gái hoặc con dâu để chồng họ cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con nhỏ và hỗ trợ tinh thần cho vợ.
- Thuê người giúp việc: Nếu bạn cảm thấy quá tải, việc thuê một người giúp việc theo giờ hoặc bảo mẫu có thể giúp bạn san sẻ công việc và có thêm thời gian nghỉ ngơi.
4. Chăm sóc bản thân để đủ sức chăm sóc người khác
Muốn chăm sóc tốt cho người khác, trước hết bạn cần giữ gìn sức khỏe của bản thân. Cân bằng giữa việc chăm sóc con cháu và chăm sóc chính mình sẽ giúp bạn tránh kiệt sức.
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Đừng ngại nhờ người khác giúp đỡ để bạn có thể dành thời gian cho bản thân.
- Giữ tinh thần thoải mái: Đọc sách, nghe nhạc hoặc trò chuyện cùng bạn bè để giảm bớt căng thẳng khi gặp những tình huống khó xử trong gia đình.
5. Tôn trọng sự khác biệt giữa 2 gia đình
Con gái lớn lên trong gia đình bạn, quen với cách bạn chăm sóc. Nhưng con dâu là người đến từ gia đình khác, có thể có những quan điểm khác biệt về cách nuôi dạy con cái.
- Không áp đặt: Tôn trọng cách con dâu muốn chăm sóc con của mình. Bạn có thể góp ý nhẹ nhàng nhưng không nên ép buộc họ phải làm theo ý mình.
- Tạo không khí thoải mái: Duy trì thái độ cởi mở, thân thiện để con dâu cảm thấy mình là một phần của gia đình chứ không phải là người ngoài.