Vào ngày đầy tháng cháu, mẹ chồng đưa cho tôi một chiếc phong bì nói là quà cho em bé. Khi bóc phong bì, tôi không tin vào mắt mình.
Đầu năm ngoái chị dâu tôi sinh con, đến ngày đầy tháng em bé, mẹ chồng tôi cho cháu số tiền 50 triệu đồng, chính chị dâu là người khoe với tôi. Cuối năm ngoái, tôi cũng có bầu. Từ lúc có bầu tôi luôn nghĩ sau này mình sinh nở, chắc mẹ chồng cũng cho 50 triệu. Cũng vì cứ đinh ninh trong đầu như vậy nên tôi chi cho việc sinh nở khá mạnh tay, từ đẻ viện tư đắt đỏ đến sắm đồ sơ sinh xịn sò.
Vừa rồi tôi sinh một bé trai. Đến ngày đầy tháng bé, vợ chồng tôi làm mâm cơm mời bố mẹ và anh chị đến chung vui.
Xong xuôi, mẹ chồng đưa cho tôi một chiếc phong bì và nói là quà cho em bé. Tôi cảm ơn mẹ rối rít dù lúc đó cũng giật mình vì phong bì hơi mỏng. Đến khi mẹ về, tôi bóc phong bì thì ngỡ ngàng khi thấy bên trong chỉ có 5 triệu đồng.
Tôi bất ngờ khi bóc phong bì của mẹ chồng đưa nhân dịp đầy tháng cháu. (Ảnh minh họa)
Tôi bất ngờ, hụt hẫng và buồn vô cùng. Không hiểu sao mẹ lại cho tôi có 5 triệu đồng, chỉ bằng 1/10 so với chị dâu của tôi? Liệu có sự nhầm lẫn nào không? Chồng tôi ban đầu không nói gì, sau chỉ bảo: “Mẹ cho quà là quý rồi em, quan trọng gì nhiều hay ít”.
Nhưng vấn đề tôi muốn nói ở đây không phải là ít hay nhiều, mà là sự công bằng. Tại sao chị dâu tôi được 50 triệu mà tôi lại chỉ được 5 triệu? Hay là mẹ quý chị hơn tôi nên cho chị nhiều hơn?
Sinh xong nên tâm lý cũng nhạy cảm hơn bình thường thì phải, tôi vừa tức, vừa tủi thân đến mức bật khóc nức nở, vì nghĩ mình bị phân biệt đối xử.
Mấy hôm sau mẹ chồng sang, bà vào phòng tôi nói chuyện. Hoá ra, cô giúp việc nghe thấy vợ chồng tôi cãi nhau nên đã gọi điện cho bà. Mẹ chồng tôi giải thích, chị tôi sinh xong thì không có sữa cho con bú, em bé phải uống sữa ngoài hoàn toàn, mỗi tháng hết 4-5 hộp sữa. Vì thế bà mới cho chị ấy 50 triệu để hỗ trợ, coi như cho cháu tiền mua sữa hàng tháng.
Suy nghĩ kỹ về chuyện này, tôi bỗng dưng thấy xấu hổ. (Ảnh minh họa)
“Đấy là lý do, đứa nào khó hơn thì mẹ giúp nhiều hơn, chứ không phải mẹ bên trọng bên khinh gì cả. Mẹ có 2 đứa con trai nên mẹ coi các con như con gái. Các cháu của mẹ đứa nào mẹ cũng quý như nhau”, mẹ chồng tôi nói.
Rồi bà đưa thêm cho tôi 5 triệu nhưng tôi dứt khoát không lấy. Biết lý do của mẹ, thấy mẹ là người chu đáo với con cháu, tôi bỗng dưng thấy xấu hổ vì cách cư xử của bản thân. Hơn nữa, tiền là của mẹ, bà muốn cho ai thế nào là quyền của bà, tôi làm gì có quyền nói này nói kia. Tôi lập tức xin lỗi mẹ. Đây cũng là một bài học để tôi rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Mẹ không có sữa cho con bú, nguyên nhân do đâu?
Không ít bà mẹ sau khi sinh xong, bầu ngực vẫn không có sữa tiết ra để cho con bú, kể cả khi em bé đã bú nhiều, bú lâu nhưng sữa vẫn không ra. Khoa học lý giải hiện tượng này là do sự thiếu hụt của 2 loại hormone: Prolactin tạo sữa và Oxytocin tiết sữa.
Thực tế, sữa đã được sản xuất và lưu trữ dần ở các nang sữa từ bầu ngực của người mẹ trong quá trình mang thai. Khi con chào đời, sữa được tiết ra khỏi bầu ngực để bé bú.
Với những mẹ không có sữa, hai hormone Prolactin và Oxytocin không được sản sinh hoặc sản sinh ít nên tuyến sữa trong bầu ngực mẹ không thể thực hiện hết được chức năng của mình.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng mẹ không có sữa cho con bú là do: Mẹ bị mất máu nhiều và gặp khó khăn trong quá trình sinh nở; Mẹ căng thẳng trong thời gian dài; Mẹ bị mất cân bằng nội tiết tố; Mẹ bị tác dụng phụ của thuốc gây ức chế việc tiết sữa; Chế độ dinh dưỡng của mẹ chưa đảm bảo, môi trường sống bị ô nhiễm; Mẹ bị tiểu đường thai kỳ hoặc bị sót nhau thai ở tử cung;...
Để gọi sữa về, mẹ cần cho bé bú ngay sau sinh hoặc vắt sữa; Da kề da với bé; Chườm ấm kết hợp massage ngực; Cho bé bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm; Có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ.