Mãi 5 ngày sau sinh, chị Hoài mới được gặp con lần đầu tiên sau sinh.
Hoang mang, lo lắng là cảm xúc của vợ chồng chị Lê Thị Thu Hoài và anh Tạ Quang Thắng (31 tuổi, Hà Nội) đã trải qua khi tình cờ phát hiện con đầu mang gen ẩn tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Đặc biệt hơn, chị Hoài như ngồi trên đống lửa khi biết mình là người đã truyền gen bệnh này cho con bởi từ trước đến giờ sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường.
Lo sợ con thứ 2 có thể xác suất mang gen bệnh hoặc bị bệnh thalassemia cao, hơn nữa mình lại bị bệnh tim nặng nên vợ chồng chị từng có ý định không sinh thêm con. Tuy nhiên, vượt qua bao nhiêu khó khăn vất vả, vợ chồng chị đã được mỉm cười hạnh phúc khi con trai thứ 2 chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh, đáng yêu.
Tổ ấm nhỏ của chị Hoài và anh Thắng.
Mẹ Hà Nội mang gen ẩn tan máu nhọc nhằn có con lần 2
Kết hôn vào đầu năm 2012, không lâu sau đó vào cuối năm vợ chồng chị Hoài và gia đình hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng. Mặc dù bị bệnh tim khá nặng, nhiều người khuyên chị không nên có bầu nhưng chị vẫn bỏ mặc tất cả, mạo hiểm để được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.
“Mình bị cơ tim giãn, bệnh tim khá nặng. Bác sĩ khuyên không nên có thai vì rất nguy hiểm. Mình cũng lo lắm khi mang bầu đi khám tim định kỳ suốt rồi. Bé đầu mình sinh ở tuần 38 sinh mổ vì mình chỉ ra máu báo không có cơn đau đẻ”, chị Hoài chia sẻ.
Sinh con khỏe mạnh bình thường như bao em bé khác nên vợ chồng chị Hoài không hề hay biết con mang gen ẩn tan máu bẩm sinh, ngay cả chị Hoài bao lâu nay cũng vẫn không hề biết mình mang gen ẩn mãi đến khi con 3 tuổi khi đi khám hạch, bác sĩ thấy công thức máu không ổn đề nghị làm xét nghiệm cao hơn, chị mới hay biết. Ngày nghe bác sĩ thông báo, chị sững người bởi chị và con vẫn khỏe mạnh bình thường, không hề có dấu hiệu bệnh.
“Năm 2015, mình đưa con đi khám vì có hạch ở cổ, các bác sĩ bảo con bị viêm họng nổi hạch thôi. Khi kiểm tra công thức máu bác sĩ nói có chút không ổn, đề nghị mình làm xét nghiệm cao hơn nên mình đồng ý. Kết quả là con gái mang gen ẩn tan máu bẩm sinh và sau đó mình khám mới biết mình đã truyền gen bệnh này cho con. May mắn chồng mình không mang gen nên xác suất con bị bệnh thấp còn nếu cả 2 vợ chồng mang gen thì con sinh ra nhiễm bệnh tỉ lệ cao”, chị Hoài cho hay.
Khi biết mình truyền gen bệnh tan máu bẩm sinh cho con gái, chị đã từng nghĩ không sinh thêm con nữa.
Khoảng thời gian đầu biết tin, chị Hoài khá lo lắng, chị lên mạng tìm hiểu mọi thông tin và quyết định sẽ thôi không sinh nữa. Tuy nhiên nhìn thấy con gái một mình buồn, được gia đình ủng hộ, hỗ trợ kinh tế nên vợ chồng chị quyết định nhờ những tiến bộ y học hiện đại để có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh.
Vậy là năm 2017, vợ chồng chị tìm đến Bệnh viện Bưu Điện, nhờ được các bác sĩ tư vấn, anh chị quyết định làm IVF để sàng lọc phôi tốt không mang gen bệnh. Chị Hoài kể, chị chọc được 25 trứng và tạo được 17 phôi. Tuy nhiên sau khi xét nghiệm sàng lọc thì 13 phôi mang gen bệnh chỉ còn 4 phôi bình thường. Vậy là ra Tết năm 2018, vợ chồng chị quyết định chuyển phôi lần đầu tiên.
Vì có ít phôi nên chị được bác sĩ tư vấn chuyển 1 phôi lần đầu tiên để đảm bảo nếu không thành công sẽ còn phôi cho lần sau. May mắn chị chuyển lần đầu tiên thành công luôn. Ngày nhìn thấy que thử thai 2 vạch, vợ chồng chị vỡ òa trong hạnh phúc.
“Đến bệnh viện mình không gặp khó khăn nhiều vì làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên vì phải sàng lọc chọn phôi tốt nên mình phải đi lại nhiều lần bệnh viện mất khá nhiều thời gian. Khi đậu thai rồi mình cũng vẫn lo lắng vì mình biết thai IVF khó giữ hơn bình thường. Mình phải nằm một chỗ nửa tháng trời sau chuyển phôi”, chị Hoài nhớ lại.
Khác với lần mang thai tự nhiên đầu tiên, lần thứ 2 này chị Hoài bị ra máu liên tục. 3 tháng đầu chị như ngồi trên đống lửa vì lo lắng tình hình con, phải hạn chế đi lại, nằm yên giữ con. Đó chưa kể chị còn bị bệnh tim nặng phải đi khám tim thường xuyên. Sau 3 tháng đầu khó khăn, sức khỏe chị ổn định hơn và đi làm được bình thường. Do thể trạng hơn 60kg nên mang bầu bé thứ 2 chị Hoài cố gắng tăng cân ít. Cả thai kỳ chị tăng được 8kg, con vẫn phát triển đạt chuẩn.
5 ngày sau sinh, bác sĩ mới cho gặp con
Được biết, bé thứ 2 nhà chị Hoài sinh non ở tuần 36. Nhớ lại ngày đi sinh của mình, chị Hoài vẫn không thể quên được bởi sau khi đi khám thai định kỳ, thấy có cơn gò bác sĩ đã cho chị ở lại để chuẩn bị sinh. Tuy nhiên vì nhà gần nên chị vẫn cố gắng xin bác sĩ được về và viết giấy bảo đảm, cam kết. Sau khi về nhà thu xếp mọi thứ, chiều tối hôm đó chị vào viện và được bác sĩ chỉ định mổ.
Do bị bệnh tim nên lần này, thay vì gây tê chị được các bác sĩ gây mê. Chị không được biết cảm giác giống như đi sinh lần đầu, được bác sĩ đặt con lên ngực da kề da với mẹ mà khi tỉnh dậy chị đã được nằm phòng hậu phẫu, không có con bên cạnh.
Bé Khoai sinh non 36 tuần nặng hơn 4kg.
Chị Hoài cho biết, bé nhà chị sinh ngày 1/12/2018. Mặc dù sinh non nhưng bé chào đời vẫn nặng 4,05kg. Sau sinh về phòng chị vẫn chưa được gặp con vì con sinh non và sinh to nên được các bác sĩ giữ lại 5 ngày mới được về với mẹ. Ngày được gặp con lần đầu tiên, chị vui mừng, hạnh phúc và yên tâm hơn vì mình đã vượt qua “cửa sinh là cửa tử”. Đặc biệt là con khỏe mạnh không mang gen ẩn tan máu bẩm sinh. Hiện nay, bé Khoai đã được gần 2 tuổi, bé vô cùng kháu khỉnh, đáng yêu.
“Ông xã là chỗ dựa lớn nhất của vợ chồng mình suốt thời gian bầu bí lẫn sau sinh. Anh chăm chút, đưa mình đi khám, đỡ đần vợ cơm nước rất nhiều. Không chỉ vậy, bố mẹ 2 bên cũng hỗ trợ vợ chồng mình rất nhiều để có được con yêu ngày hôm nay”, chị Hoài thổ lộ.
Tư vấn cho các cặp vợ chồng mang gen ẩn tan máu bẩm sinh giống mình mong muốn có con yêu khỏe mạnh, không bị bệnh, chị Hoài cho biết, mọi người nên bình tĩnh, không nên quá lo lắng vì hiện nay y học hiện đại, chỉ cần 2 vợ chồng quyết tâm, đồng lòng, nghe lời khuyên của bác sĩ thì sẽ được con yêu khỏe mạnh, ưng ý nhất. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn mọi người nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để sinh con khỏe mạnh, bình an.