Tôi bị nhiều người lên án về quan điểm này nhưng mặc kệ, miễn mẹ chồng – con dâu vui vẻ, thoải mái là được.
Là mẹ chồng gần 2 năm nay nhưng mẹ chồng con dâu nhà tôi rất vui vẻ, thoái mái. Ngay cả khi con dâu đang ở cữ và tôi không hề phải chăm sóc con 1 tẹo nào mà ngày nào con cũng gọi điện buôn với mẹ chồng, còn báo cáo tình hình cháu nội với tôi. Thông gia tuy phải chăm con gái và cháu ngoại nhưng cũng hồ hởi. Nói chung là mối quan hệ của chúng tôi rất tốt đẹp.
Vợ chồng tôi chỉ có 1 con trai duy nhất nên đương nhiên chúng tôi có 1 nàng dâu thôi. Ngay khi con dâu mới về nhà chồng, mặc dù nhà rất rộng rãi nhưng tôi toàn xúi các con ra riêng vì không có gì quý bằng độc lập tự do. Cũng may 2 con hiểu tâm ý của mẹ nên ra mua nhà chung cư trả góp ở. Thấy con mua nhà, tôi cũng cho các con ½ số tiền còn để chúng tự lập trả dần.
Vợ chồng tôi chỉ có 1 con trai duy nhất. (Ảnh minh hoạ)
Không sống cùng con dâu nhưng cứ cuối tuần là các con lại về nhà ăn uống với bố mẹ hoặc đưa 2 ông bà đi cafe. Được cái con dâu, con trai đều có việc làm ổn định nên thu nhập đều đặn, tự lo toan được về kinh tế.
Cưới nhau sau 9 tháng thì con dâu có bầu. Đây là tin vui nhất với gia đình 2 bên. Tôi cũng mừng nên suốt ngày nấu những món ngon mang sang nhà tẩm bổ cho con dâu. May mắn con dâu bầu rất khỏe mạnh, không bị nghén ngẩm và tăng cân rất đều đặn.
Trước ngày con dâu sinh, tôi thăm dò và hỏi thẳng xem con muốn ở cữ ở đâu thì con bảo:
“Con muốn tự 2 vợ chồng chăm nhau ở cữ, chẳng cần nhờ bà nội hay bà ngoại. Nhưng bà ngoại không yên tâm mẹ à. Bà cứ muốn con về bên đó sau sinh để chăm cho tới lúc đi làm lại thì tính sau”.
“Vậy con có muốn về bà ngoại ở cữ không?”.
“Dạ về cữ nhà ngoại thì thoải mái nhất ạ, bà ngoại lại nấu ăn ngon và khéo chăm em bé nữa”.
Nghe con dâu nói như vậy là tôi đã rõ tâm ý. Thấy con không có ý ở cữ nhà nội hay nhờ bố mẹ chồng, tôi không thấy khó chịu chút nào. Bởi tôi chỉ muốn con được thoải mái và tốt nhất cho con mà thôi.
Do đó ngay hôm con sinh xong ở viện về, tôi đã có lời với bà thông gia nhờ cậy bà chăm con dâu và cháu nội mình. Bà thông gia vui vẻ nhận lời. Thậm chí mỗi tháng tôi còn cho con dâu 10 triệu để chi tiêu thêm. Con không lấy nhưng tôi kiên quyết cho cho tới hết 6 tháng con đi làm thì tính sau.
Mỗi tháng, tôi và ông nhà sang thông gia thăm cháu nội và con dâu 2 lần. Lần nào sang thăm là cả nhà lại tíu tít cười đùa và khi về còn được bà thông gia cho bao nhiêu là quà quê.
Kể chuyện này ra, nhiều người ở nhà nội cứ khuyên tôi nên đón con dâu và cháu nội về chăm, chứ ai để con ở cữ nhà ngoại người ta điều tiếng. Nhưng tôi mặc kệ mọi lời nói vì hiểu con dâu ở cữ nhà ngoại là thoải mái nhất rồi. Hoặc nếu con muốn tự về nhà riêng ở cữ có thể thuê giúp việc bằng số tiền tôi cho hàng tháng.
Đàn bà sinh nở trăm đường khổ. Đau đớn, tủi nhục ai biết đấy là đâu. Cùng kiếp phụ nữ, cũng đã từng sinh nở nên tôi rất đồng cảm, thấu hiểu cho con dâu. Có ai đẻ xong mà không mong nhanh nhanh chóng chóng qua tháng đầu tiên để được về nhà đẻ chứ. Thế nên con đã thích như vậy rồi, mình là mẹ có điều kiện cứ tạo điều kiện ở cữ như vậy. Chứ ôm rơm nặng bụng làm gì, cho mẹ chồng con dâu lại khó chịu với nhau. Vừa vất vả chăm cữ vừa mất hết tình cảm tốt đẹp mà con dâu không vui tâm trạng lại không tốt rồi chỉ khổ con cháu mình thôi phải không cả nhà.
Nhiều người ở nhà nội cứ khuyên tôi nên đón con dâu và cháu nội về chăm
Đẻ xong nên ở nhà nội hay về nhà ngoại?
Ở cữ nhà nội?
Giữa nhà nội, nhà ngoại, hoặc nhà riêng, các mẹ nên ở cữ ở nơi có điều kiện tốt nhất để đảm bảo sự an toàn của bé sơ sinh.
Điều kiện tốt ở đây là nhà cửa thoáng đãng, vệ sinh; lại gần trung tâm chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Bởi vì trong quá trình nuôi trẻ sơ sinh, có những vấn đê bạn cần phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhi. Hoặc những nhu cầu đơn giản như chích ngừa cho bé cũng cần thiết. Hay những khi bé lên cơn nóng lạnh cần phải nhờ đến y tế can thiệp.
Khoảng 1 tháng đầu sau sinh, cơ thể phụ nữ yếu ớt như cua lột, có những lúc muốn nhờ vả mẹ chồng hoặc chị em nhà chồng cũng ngần ngại, mà nếu tự làm thì sinh mệt mỏi. Nếu bạn đã có kinh nghiệm, có thể tự mình giải quyết được nhiều việc thì ở bên nội cũng không sao.
Trong trường hợp bắt buộc phải ở cữ nhà chồng, thì bạn nên lấy chồng làm điểm tựa. Vì chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn trong chuyện chăm con mà nếu không “đồng vợ đồng chồng” thì người phụ nữ dễ bị ức chế tinh thần, dẫn đến chứng stress, trầm cảm và kéo theo nguy cơ mất sữa sớm.
Lựa chọn về bên ngoại ở cữ?
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một hành trình vất vả và đầy khó khăn. Vì vậy, hầu hết các chị em phụ nữ đều muốn về nhà ngoại để được thoải mái bày tỏ cảm xúc và những mong muốn của bản thân. Muốn ăn gì, muốn uống gì, muốn làm gì,… đều được đáp ứng đầy đủ. “Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”, các cụ dạy cấm sai bao giờ.
Nhiều chị em chia sẻ rằng: Ở cữ sau sinh bên nhà nội thường hay xuất hiện tâm trạng lo sợ, dù có vất vả cũng không dám kêu than. Khi ở cữ nhà nội, bà đẻ không dám nhờ mẹ chồng trông con lúc nửa đêm để chợp mắt vài phút hoặc nhờ chồng chuẩn bị giúp bữa sáng vì mệt do thức đêm muộn.
Ngoài ra, còn trăm ngàn việc không tên đến đều đặn mỗi ngày với chị em phụ nữ sau sinh. Trong nhiều trường hợp, các mẹ còn bị buông lời trách móc khi quên không làm việc gì đó.
Không đâu bằng bố mẹ đẻ, vừa thương con vừa thương cháu không để mình phải khổ phải làm bất kì việc gì. Nghỉ ngơi thoải mái vài ba tháng cho con cứng cáp, mẹ đỡ mệt thì lại về nội sẽ tốt hơn.
Thay vì lo sợ và không dám nhờ mẹ chồng giúp đỡ, khi ở cữ nhà ngoại, bà đẻ có thể yên tâm chợp mắt một chú vì biết có người luôn sẵn sàng phụ trông em bé. Nếu có khó chịu và hơi "xấu tính", ba mẹ ruột cũng có thể hiểu và cảm thông cho chị em.
Hơn nữa, với kinh nghiệm chăm sóc con cái dày dặn, bà ngoại sẽ cho các mẹ nhiều lời khuyên cũng như sự hỗ trợ đắc lực khi đang loay hoay không biết phải làm sao với bé yêu.
Không về nội mà cũng chẳng về ngoại?
Thế nhưng, bên cạnh lựa chọn sau sinh ở với bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ thì phương án được nhiều người đồng tình nhất lại là hai vợ chồng tự chăm con, hoặc nhờ thêm sự trợ giúp việc nhà từ người giúp việc. Khoảng 1 tháng ở cữ sau sinh là thời gian mệt mỏi nhất nên hai vợ chồng tập trung vào chăm con và chăm lẫn nhau còn việc nhà có thể thuê người hỗ trợ, nếu không thì cả hai vợ chồng cùng sắp xếp và chia việc sao cho phù hợp. Như thế vừa không làm phiền ông bà lại vừa được chăm con theo ý mình.
Cách nào là tốt nhất?
Không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối cho tất cả mọi người vì mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng. Việc quyết định ở đâu sẽ phải được cân nhắc và lựa chọn một cách thật kỹ càng bởi cả hai vợ chồng và đặc biệt là người phụ nữ. Bất kì lựa chọn nào cũng đều có ưu và nhược điểm nên các bố mẹ hãy cân nhắc làm sao phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện, quan trọng nhất là tâm trạng mẹ bỉm thoải mái vui vẻ và con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Vì vậy, các mẹ nên thả lỏng bản thân, thư giãn và hội ý với chồng trước khi quyết định nên về nhà nội hay ngoại để ở cữ nhé!