Cụ bà 68 tuổi sinh đôi thành công với chồng U80

Ngày 01/05/2020 09:30 AM (GMT+7)

Trải qua 46 năm kiên trì chờ đợi, cuối cùng bà mẹ này cũng có được đứa con đầu lòng ở tuổi 68.

Mới đây, một bà mẹ người Nigeria đã trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con đầu lòng ở châu Phi. Theo Metro đưa tinbà Margaret Adenuga đã hạ sinh thành công một cặp sinh đôi một trai một gái vào hôm 19/4 vừa qua tại Bệnh viện giảng dạy Đại học Lagos (LUTH) ở TP. Lagos (Nigeria), ở tuổi 68. Điểu gây ngỡ ngàng là tinh trùng để thụ tinh được lấy từ chính chồng bà là ông Noah năm nay đã 77 tuổi. 

Cả hai kết hôn vào năm 1974 và kể từ đó, họ luôn nỗ lực để có con, trong đó có 3 lần thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại. Không chỉ điều trị sinh sản trong nước, họ đã dành tiền tiết kiệm đến các bệnh viện ở một số nước Tây Phi và Anh.

Trong khi nhiều cặp vợ chồng thường từ bỏ ước mơ có con sau nhiều năm nỗ lực điều trị sinh sản mà không thành thì vợ chồng ông Noah và Margaret lại không như vậy. 

Cụ bà 68 tuổi sinh đôi thành công với chồng U80 - 1

Vợ chồng bà Margaret và ông Noah đón cặp song sinh sau 46 năm chờ đợi.

Suốt 46 năm, họ luôn giữ vững niềm tin rằng một ngày nào đó sẽ được làm cha mẹ. “Tôi là một người mơ mộng và tôi tin rằng giấc mơ đặc biệt đó của chúng tôi sẽ thành hiện thực”, ông Noah chia sẻ. 

Và cuối cùng lần IVF thứ 4 đã thành công và còn là mang thai đôi. Bác sĩ Adeyemi Okunowo, người trực tiếp điều trị cho bà Margaret cho biết một nhóm chuyên gia đã được tập hợp tại bệnh viện để theo dõi thai kỳ cho sản phụ tuổi cao này.

"Là một phụ nữ lớn tuổi và lần đầu làm mẹ nên đây là một thai kỳ có nguy cơ cao, chưa kể sản phụ còn mang thai đôi", Bác sĩ Okunowo nói. 

Năm ngoái, một phụ nữ Ấn Độ 73 tuổi sinh đôi hai con gái an toàn nhờ thụ tinh ống nghiệm. Bà được xem là người mẹ già nhất thế giới sinh đôi.

Cụ bà 68 tuổi sinh đôi thành công với chồng U80 - 2

Năm ngoái, một bà mẹ 73 tuổi cũng đã sinh đôi thành công.

Theo bác sĩ Okunowo, phụ nữ lớn tuổi có thể thụ thai trong ống nghiệm nhưng cũng có những rủi ro y tế liên quan khi mang thai ở độ tuổi đó.

"Có những biến chứng y khoa liên quan đến tuổi tác khi mang thai ở độ tuổi này, chẳng hạn như em bé bị sinh non. Bà ấy may mắn nhưng nhiều người có thể không chịu nổi các biến chứng khác trong hoặc sau khi sinh", bác sĩ Okunowo nói. 

Những rủi ro khó lường khi mang thai sau 50 tuổi

Phụ nữ lớn tuổi khi có ý định sinh con cần biết trước những nguy cơ để chuẩn bị tâm lý, sức khỏe vượt qua bởi chắc chắn rằng quá trình mang thai, sinh nở sẽ vất vả hơn bình thường. Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt trên 40 tuổi mang thai sẽ có nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.

Những nguy cơ cho thai phụ:

Nguy cơ cho người mẹ là sẩy thai, băng huyết sau sinh, tiền sản giật, sản giật, nhau tiền đạo.

Gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỉ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỉ lệ sảy thai cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm.

Người mẹ bị tiền sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu hay co giật khi chuyển dạ. Bệnh cũng khiến thai nhi chậm phát triển, thậm chí thai bị chết lưu

Quá trình mang thai cũng dễ khiến các bệnh mãn tính đã mắc phải trước đó (nếu có) trở nên tăng nặng.

Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai.

Nguy cơ cho thai nhi:

Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định.

Đối với việc thụ thai thông thường, nguy cơ bé sinh ra chậm phát triển trí tuệ và vận động cao (do mẹ càng lớn tuổi, các nhiễm sắc thể trong trứng dễ bị dính vào nhau, gây các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards…). 

Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi. Tuy nhiên với phương pháp này, trứng được thụ tinh là trứng hiến tặng của người phụ nữ độ tuổi dưới 35, có chất lượng tốt không có nghĩa là con sinh ra chắc chắn khỏe mạnh. Trường hợp này, thai nhi vẫn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể, bằng tỷ lệ mắc của thai nhi có mẹ cùng độ tuổi của người cho trứng.

Mẹ 33 tuổi đột nhiên ho khi sinh con rồi nhắm mắt mãi mãi sau 5 phút
Ngày càng nhiều phụ nữ chọn phát triển sự nghiệp thay vì kết hôn, sinh con sớm, khiến việc có bầu, sinh nở ở tuổi ngoài 30 tuổi phải đối mặt với nhiều...
Ngọc Linh (Dịch từ Metro)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu