Thay vì nhận được lời động viên, bênh vực thì hội chị em nhiều kinh nghiệm lại thi nhau phê phán mẹ T.K.
Mang thai là giai đoạn quan trọng đối với mỗi người mẹ. Tâm lý phụ nữ đang mang thai cũng rất dễ bị bồn chồn, thường xuyên lo lắng và mong muốn được yêu chiều, quan tâm. Cũng có rất nhiều mẹ bầu từng thú nhận cảm thấy bản thân thay đổi tính cách khá nhiều trong thời kì mang thai.
Trong 1 diễn đàn dành cho phụ nữ, mẹ bầu T.K than thở: “Em năm nay 24 tuổi, vừa lấy chồng chưa kịp tận hưởng cái gì đã bầu. Đến tháng thứ 3 chồng em được cử đi công tác nửa năm, mình em ở nhà với mẹ chồng. Đi làm dâu xa nhà cái gì cũng mới mẻ lại khó thích nghi. Mẹ chồng em nói xấu thì không xấu nhưng rất khó tính và cái gì bà cũng muốn theo ý bà. Nhà đẻ em cách đây 50km nên tuần nào mẹ cũng gửi đồ ăn xuống cho em. Bà bảo để em tẩm bổ nhưng đồ ăn lúc nào cũng nhiều đủ để ăn cả nhà.
Bài đăng của T.K
Vì chồng ở xa nên em cũng cố gắng tự chăm sóc bản thân cho anh yên tâm công việc, có xích mích với mẹ chồng chút nhưng vẫn nhịn cho vui cửa nhà. Hôm trước em đi siêu âm thì bác sĩ có nói thai nhi phát triển rất tốt, bé còn thừa cân nặng so với tiêu chuẩn. Trộm vía em ăn được ngủ được nên cũng lên gần 20kg. Thế mà mẹ chồng chẳng mừng cho em thì thôi về còn bắt em ăn theo chế độ bà đề ra.
Đỉnh điểm là hôm qua em vừa bê đĩa gà rang muối lên chưa kịp ăn đã bị bà cản lại. Em tức ứa cả nước mắt, mẹ đẻ em gửi chứ em có xin của mẹ chồng đâu. Đến 8h tối vừa ăn cơm được một lúc mẹ chồng lại bắt em đi bộ, mệt không thể thở nổi. Em đang ngồi khóc vừa tủi thân vừa nhớ chồng, sống như này không biết đến ngày đi đẻ em còn khổ thế nào nữa”.
Thay vì nhận được lời động viên, bênh vực thì hội chị em nhiều kinh nghiệm lại thi nhau phê phán mẹ T.K.
Tài khoản M.N lên tiếng: “Mẹ chồng em như thế là muốn tốt cho em đấy. Tẩm bổ nhiều không phải tốt đâu, em lại còn lười vận động. Bà bầu chỉ nên tăng 10-14kg suốt quá trình thai kì thôi. Em hồ đồ quá”.
Có phải K. đã có những suy nghĩ sai lầm trong chế độ dinh dưỡng và mẹ chồng cô đang bị “oan”?
Các chất dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung đa dạng dành cho phụ nữ mang thai không phải càng nhiều càng tốt, điều quan trọng nhất là “đúng lượng”. Việc bổ sung quá nhiều sẽ làm cho lượng cholesterol và triglyceride của phụ nữ mang thai tăng cao, gây ra tình trạng khủng hoảng sức khỏe và em bé có thể bị sinh non hoặc khó sinh.
Thừa cân khi mang thai rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Mức tăng cân hợp lý khi mang thai phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng của từng bà bầu khác nhau, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người mẹ nào có mức tăng cân giống nhau hoàn toàn. Nhưng mức tăng cân hợp lý cho thai phụ là:
- Khoảng 11,3 - 16 kg với thai phụ có cân nặng trung bình trước khi mang thai.
- Khoảng 12,7 - 18,3 kg với thai phụ ít cân trước khi mang thai.
- Khoảng 7 - 11,3 kg với thai phụ thừa cân trước khi mang thai
- Khoảng 16 - 20,5 kg trong trường hợp thai phụ mang song thai.
Dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Theo đó, chế độ ăn cho bà bầu cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm:
- Nhóm chất bột (bao gồm gạo, mì, ngô, khoai...)
- Nhóm chất đạm (bổ sung qua thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỗ...)
- Nhóm chất béo (có nhiều trong dầu, mỡ, vừng, lạc...)
- Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ (trong các loại rau có màu xanh và quả chín)
Những thực phẩm có thể ăn được nhưng chỉ với một lượng nhỏ:
Cà phê và trà
Nếu phụ nữ mang thai thực sự muốn uống cà phê hoặc trà, hãy chú ý không tiêu thụ quá 300mg caffein mỗi ngày, để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Uống quá nhiều đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà, cola sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt ở phụ nữ mang thai, tăng khả năng sẩy thai, khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân.
Đồ ăn vặt ít dinh dưỡng
Đồ ăn vặt ít chất dinh dưỡng như bánh kẹo, đồ tráng miệng, nước ngọt,… Thỉnh thoảng ăn thì không sao, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ khiến cân nặng của bà bầu tăng vọt, có thể dẫn đến bệnh tim mạch, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của các rối loạn thai kỳ như tăng huyết áp thai kỳ và tiểu đường.
Bà bầu không nên ăn quá nhiều đồ ăn vặt. (Ảnh minh họa)
Loại thực phẩm giàu chất béo
Thịt mỡ, gà rán, gà muối, khoai tây chiên và các loại thực phẩm khác có hàm lượng chất béo cao sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ mang thai miễn là chúng không được ăn quá thường xuyên. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ gây gánh nặng cho cơ thể và còn ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng, vì vậy bà bầu được khuyên nên ăn ít.
Thực phẩm chế biến hun khói
Thực phẩm hun khói và chế biến như thịt nguội, trứng muối, cá muối, giăm bông, váng đậu lên men,... không có hàm lượng natri thấp, vì vậy bà bầu nên ăn ít.
Bên cạnh đó, bà bầu cần được khám thai định kỳ hàng tháng tại các cơ sở y tế, trong đó tối thiểu phải khám thai được 3 lần trong toàn bộ thai kỳ để bác sĩ có thể thăm khám và đưa ra lời khuyên phù hợp, giúp người mẹ đáp ứng được tiêu chuẩn tăng cân khi mang thai.