Mang bầu bé đầu vào đúng tháng nhịn ăn của người Hồi Giáo nên chị Nga cũng phải nhịn ăn một tháng trời.
Từng thất bại ở cuộc hôn nhân đầu tiên, từng lo sợ khi đến với ông xã Majdi Al Mallad – (33 tuổi, người Ả Rập) bởi những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán nhưng cuối cùng chị Trần Nga (36 tuổi, Tuyên Quang) đã vượt qua tất cả và bị anh Majdi lẫn cả gia đình anh chinh phục. Sau 5 năm kết hôn, sinh 2 con bé Coca, Maya cho anh, đến bây giờ chị vẫn chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.
Tổ ấm nhỏ của chị Nga ở Dubai.
Nhịn ăn một tháng khi mang bầu
Chị Trần Thị Nga ở Tuyên Quang là mẹ đơn thân có một con trai. 8 năm trước, chị gửi con cho bố mẹ sang Dubai làm việc với mong muốn kiếm một chút vốn về Việt Nam làm ăn. Nào ngờ ở đây chị có duyên gặp gỡ với anh Majdi và quyết định tiến tới kết hôn cùng anh sau 3 năm quen biết.
Chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình, chị Nga kể, chị sang Dubai được vài tháng tình cờ quen được anh Majdi trong một lần sinh nhật bạn chung của cả 2. Hồi đó, mới sang không biết nhiều nên anh Majdi dạy chị thêm tiếng. Tuy nhiên ban đầu chị chỉ coi anh là bạn mà không hề nghĩ đến chuyện yêu là cưới bởi chị sợ phong tục tập quán phức tạp ở đây. Hơn nữa, bố mẹ chị không đồng ý cho lấy chồng xa và chị cũng có con trai nhỏ ở Việt Nam.
“Anh hỏi cưới mình nhưng mình không đồng ý vì sợ phong tục trùm khăn rồi cầu nguyện. Tụi mình yêu nhau 3 năm cũng chia tay nhiều lắm. Anh cứ đưa mình đi làm rồi chờ sẵn đón về nên nhiều người trêu có anh đẹp trai lúc nào cũng đón đưa sao bỏ được. Mình thấy anh tốt tính, nhà chồng cũng tốt thường hay nói chuyện động viên, hỏi thăm thường xuyên, coi mình như con nên cố gắng vượt qua để xây dựng gia đình với anh. Thế là sau 3 năm yêu, cả 2 chính thức về chung một nhà vào năm 2015”, chị Nga cười nhớ lại.
Sau khi kết hôn, năm 2017, chị Nga nhận tin vui có bầu con trai đầu lòng với anh Majdi. Chị về nhà ở với bố mẹ chồng để mọi người trong gia đình tiện chăm sóc. Mặc dù bố mẹ, anh chị em nhà chồng chăm sóc rất chu đáo nhưng do mới đầu khẩu vị chưa quen nên chuyện ăn uống của chị khá vất vả. Chưa kể, khi bầu tháng thứ 8 vào đúng tháng nhịn ăn của người Hồi giáo nên chị phải nhịn ăn 1 tháng trời.
“Người ta quy định 4h sáng mặt trời mọc không được ăn cho đến 7h30 tối khi chuông cầu nguyện reo lên hát bài kinh thánh xong mới được ăn. Vì vậy cứ ban đêm 3h sáng mình phải tỉnh dậy ăn, uống sữa lấy chất dinh dưỡng cho cả ngày. 4h khi chuông nhà thờ reo thì sẽ không được ăn nữa, mọi người đi làm khoảng 2-3 tiếng rồi về ngủ thôi”, chị Nga chia sẻ.
Những ngày đầu nhịn ăn chưa quen bụng, chị Nga bị tụt huyết áp. Mãi đến ngày thứ 3 chị mới quen và thích nghi được. Khoảng thời gian đó chị khá lo lắng bởi cả ngày không ăn, không uống lấy đâu chất dinh dưỡng cho con, ông xã chị đã phải động viên rất nhiều vì mọi người có bầu ở đây đều có thể làm được. Không những vậy, để đảm bảo an toàn và yên tâm hơn, chị còn bắt mẹ chồng đưa đi siêu âm. May mắn bác sĩ thông báo em bé khỏe vì lấy chất dinh dưỡng từ mẹ nên chị cũng yên tâm phần nào. Đặc biệt buổi tối chị ăn bù nên cũng có sức khỏe trong một tháng nhịn ăn đó.
“Ở bên này khắt khe lắm, hơn nữa nhà mình đông người, mọi người nhịn ăn còn mình ăn thì ngại nên mình cố nhịn được 1 tháng, nước cũng không được uống. Mọi người bảo em bé bị suy dinh dưỡng không có chất nhưng mình đẻ con vẫn được 4kg”, chị Nga cho hay.
Mang bầu vào đúng tháng nhịn ăn của người Hồi giáo nên chị cũng phải nhịn ăn 1 tháng. Cả thai kỳ chị tăng 10-12kg.
Sau sinh bất ngờ với nghi thức nhập gia tộc của người Ả Rập
Chị Nga tâm sự, làm dâu Ả Rập phong tục tập quán, ẩm thực, cách ăn uống khác, ở đây ăn uống đơn giản, không cầu kỳ món nọ món kia. Đặc biệt, kiêng kị thịt trâu, chó, mèo, lợn, chỉ ăn thịt gà, bò, dê, cừu, hải sản, salad và ăn chủ yếu bánh mì chế biến các kiểu khác nhau nên chị gặp khá nhiều khó khăn. Chị phải nấu cơm Việt riêng cho mình và nấu đồ Ả Rập riêng cho chồng ăn.
“Đôi lúc phong tục tập quán khác biệt, mình khá tủi thân nhưng nhờ có anh em, họ hàng chồng động viên, nhà chồng tử tế, quan tâm chăm sóc. Không những vậy chồng là người tốt tính, quan tâm đối xử với vợ con tốt nên chị đã vượt qua hết mọi khó khăn để sinh bé Coca ở đây. Nhà chồng mà miệt thị chắc mình cũng bỏ trốn mà về mất, chị Nga cười.
Sau một tháng nhịn ăn, chị Nga sinh bé Coca. Mặc dù không được ăn uống đầy đủ trong khoảng 1 tháng nhưng bé Coca nhà chị vẫn nặng 4kg, chào đời bằng phương pháp sinh thường vô cùng thuận lợi.
“Bé Coca sinh năm 2017, mình sinh bé khá dễ. Ngày sinh mình được bố mẹ chồng và anh em bên chồng ở bên cạnh nên mình cũng hạnh phúc lắm nhưng không có người nhà mình cũng tủi thân một chút.
Ở Dubai dịch vụ sinh vô cùng tốt, mỗi người được nằm một phòng và được người thân ở trong phòng cùng. Mình sinh có bảo hiểm nên không tốn kém còn nếu không có bảo hiểm mất khoảng 100 triệu.
Bé chào đời nhìn thấy khuôn mặt lai của bé mình hạnh phúc lắm còn chồng mình anh hồi hộp và vui khi làm bố lần đầu”, chị Nga cho biết.
Bé Coca nhà chị chào đời nặng 4kg.
Chia sẻ về về phong tục sau sinh ở Ả Rập lẫn Dubai, chị Nga cho biết, ở đây sau sinh không phải kiêng cữ nhiều như truyền thống Việt. Mọi người khá thoải mái trong chuyện ăn uống sau sinh. Chị chỉ bất ngờ với một nghi thức duy nhất khi đưa con từ viện về nhà được bố chồng làm nghi lễ cho con nhập gia tộc. Mặc dù bố chồng nói tiếng Ả Rập không hiểu nhiều nhưng chị thấy khá lạ, thích thú với nghi lễ này.
Mang bầu đi sinh ở nơi xa lạ, chị Nga cảm thấy may mắn vì có chồng tốt tính, quan tâm đối xử tốt với vợ con, bố mẹ chồng chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Tuy nhiên, vì mang bầu lần đầu ở nhà chồng, trải qua nghi thức nhịn ăn 1 tháng nên khi mang bầu bé thứ 2 vào năm 2019, chị quyết định ở cùng chồng để tự chăm sóc tốt nhất.
“Mang bầu bé Maya mình thấy sợ nghi thức nhịn ăn 1 tháng nên bảo bố mẹ chồng ở tiểu vương quốc nhỏ khác không phải đến chăm nữa. Hai vợ chồng mình tự lo chăm sóc nhau từ khi mang bầu đến khi sinh”, chị Nga kể về lần mang bầu thứ 2.
Bé Maya chào đời nặng 3,7kg.
2 thiên thần lai nhí nhà chị Nga.
Chị Nga sinh bé thứ 2 khá thuận lợi giống như bé đầu. Bé Maya sinh thường nặng 3,7kg. Sau sinh chị nhanh chóng lấy lại sức khỏe nên 2 ngày ở viện về, vợ chồng chị đã có thể tự chăm nhau 1 tháng. Mặc dù ban đầu khá lo sợ khi lấy chồng Ả Rập vì sợ phong tục tập quán khó nhưng sau 5 năm làm dâu, trải qua 2 lần mang bầu sinh nở chị Nga cảm thấy khá thoải mái và hạnh phúc với tổ ấm nhỏ, sự lựa chọn của mình.