Bà mẹ này quyết định "xin giống" qua mạng để tiết kiệm chi phí nhưng giờ đây phải nơm nớp lo sợ con sẽ yêu phải chính anh chị em ruột của mình.
Với những cặp đồng tính nữ hay vợ chồng hiếm muộn do chức năng sinh sản của người chồng gặp vấn đề thì sử dụng tinh trùng hiến tặng để thụ tinh trong ống nghiệm là một lựa chọn khá đơn giản, hiệu quả. Tuy nhiên, không ít bà mẹ chủ quan trong vấn đề lựa chọn phương thức nhận tinh trùng hiến tặng và người hiến tặng đang phải chịu hậu quả nặng nề như trường hợp dưới đây.
Vanessa van Ewijk là một thợ mộc người Hà Lan. Ở tuổi 34, cô khao khát có một đứa con, nên như bao người phụ nữ độc thân khác van Ewijk quyết định tìm người hiến tặng tinh trùng vào năm 2015.
Vanessa đã sinh 2 con nhờ tinh trùng của một người quen qua mạng.
Ban đầu Vanessa dự định tìm người hiến tặng ở một trung tâm sinh sản, thế nhưng chi phí ở đó lại vượt quá khả năng chi trả của cô. Vậy là cô quyết định tìm tới trang web có tên là Khao khát một đứa con (Desire for a Child – một trong những thị trường tinh trùng online liên tục phát triển; nó giúp người dùng liên hệ với những ứng viên đáp ứng yêu cầu của mình). Tại đây, một người hiến tặng có một lý lịch đặc biệt thu hút Vanessa: một nhạc sĩ người Hà Lan độ 30 tuổi tên Jonathan Jacob Meijer.
Meijer có vẻ ngoài điển trai với đôi mắt xanh và mái tóc vàng gợn sóng, và Vanessa thích thái độ thành thật của anh ta. Cô kể: “Khi nói chuyện qua điện thoại, tôi cảm thấy anh ta có vẻ là một người đàn ông đàng hoàng và hiền lành. Anh ta nói thích âm nhạc và hay chiêm nghiệm về cuộc sống. Anh ta cũng không giống một người ưa bạo lực. Anh ta giống như một anh chàng hàng xóm tốt bụng vậy.”
Sau khoảng 1 tháng trao đổi qua điện thoại, Vanessa và Meijer sắp xếp gặp nhau ở nhà ga trung tâm của thành phố Hague. Tại đây, Meijer cung cấp cho Vanessa tinh trùng của anh ta, đổi lại cô trả 165 euro (khoảng 4 triệu VNĐ) và các chi phí đi lại. Chín tháng sau, Vanessa sinh con đầu lòng là một bé gái, và theo lời Meijer đây đứa con sinh học thứ 8 của anh ta.
Năm 2017, Vanessa quyết định sinh con thứ 2. Vì muốn các con có cùng huyết thống nên cô tìm đến Meijer một lần nữa để xin tinh trùng. Tương tự như lần trước, Meijer cung cấp tinh trùng cho Vanessa, cô trả một khoản tiền phải chăng và có đứa con thứ hai là một bé trai.
Cô không ngờ người hiến tặng tinh trùng cho mình đã góp phần tạo ra khoảng 200 đứa trẻ khác.
Nhưng khi Vanessa đang tận hưởng cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên hai con nhờ ân nhân tốt bụng thì cô bất ngờ phát hiện ra một vấn đề vấn đề đáng báo động. Một người mẹ đơn thân khác (cũng dùng tinh trùng Meijer hiến tặng để sinh con) mà cô quen được qua Facebook cho biết là theo điều tra năm 2017 của Bộ Sức khỏe, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan, thì Meijer đã là cha sinh học của ít nhất 102 đứa trẻ ở Hà Lan thông qua rất nhiều trung tâm sinh sản. Đó là chưa kể những lần hiến tặng thông qua các trang mạng của anh ta.
Thông tin trên khiến Vanessa vô cùng lo sợ. Hà Lan là một quốc gia nhỏ với dân số khoảng 17 triệu người. Và càng nhiều người ra đời không biết ai là anh chị em cùng cha sinh học, càng có nguy cơ những người đó vô tình gặp nhau và sinh ra những đứa con bị dị tật bẩm sinh.
Hoảng sợ, Vanessa tìm Meijer đối chất và anh ta thừa nhận đã là cha sinh học của ít nhất 175 đứa trẻ, mà con số thực tế có thể còn hơn thế nữa. Cô chia sẻ: “Anh ta nói rằng mình đang giúp những người như tôi biến giấc mơ thành sự thực. Tôi rất tức giận và trả lời: "Anh chẳng giúp cái gì hết! Làm sao tôi có thể nói với các con là chúng có không dưới 200 anh chị em khác đây?".
Những trường hợp hiến tinh trùng "vô tội vạ" như Meijer rất nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ hôn nhân cận huyết trong tương lai.
Sau sự việc, Vanessa kết bạn với hai phụ nữ đã dùng tinh trùng hiến tặng của Meijer. Hai người đó là đồng nghiệp trong một trường mẫu giáo và vô tình phát hiện ra vấn đề sau khi thấy con mình (9 tuổi) trông y như nhau. Một người mẹ bảy tỏ lo ngại là những đứa trẻ này có thể vô tình hẹn hò và quan hệ với nhau. Cô nói: “Thật kinh tởm! Tôi muốn chuyện này chấm dứt. Nó vô cùng nguy hại cho tụi nhỏ. Không biết có bao nhiêu đứa là anh chị em có chung cha sinh học ở thành phố Almere này. Lỡ một ngày tụi nó yêu nhau thì sao?”
Câu chuyện của những bà mẹ này cũng như một lời cảnh báo đến những trường hợp phụ nữ độc thân hoặc vợ chồng hiếm muộn muốn xin tinh trùng để làm thụ tinh nhân tạo. Việc này nên thông qua các trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín, có kiểm soát và quy trình rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Những lưu ý khi đi xin tinh trùng để sinh con
Với những cặp vợ chồng vô sinh do không có tinh trùng, tinh trùng không đảm bảo chất lượng hoặc cả những người phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân thì việc xin tinh trùng là lựa chọn tối ưu Xin tinh trùng là việc xin hoặc mua tinh trùng từ người quen biết hoặc thông qua các cơ sở y tế, ngân hàng tinh trùng với mục đích sử dụng tinh trùng đó trong thụ tinh ống nghiệm, IUI… để tạo ra em bé.
Câu chuyện của những bà mẹ trên cũng như một lời cảnh báo đến những trường hợp phụ nữ độc thân hoặc vợ chồng hiếm muộn muốn xin tinh trùng để làm thụ tinh nhân tạo. Việc này nên thông qua các trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín, có kiểm soát và quy trình rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Việc xin tinh trùng tùy thuộc với đối tượng cho mà người xin có thể không mất hoặc mất phí. Người cho tinh trùng phải làm đầy đủ các xét nghiệm để đảm bảo tinh trùng sinh ra khỏe mạnh và không mắc các bệnh di truyền sang thế hệ sau.
Ở Việt Nam, khi muốn xin tinh trùng, bạn phải có giấy tờ xác nhận rằng người chồng không có khả năng sinh con do các vấn đề về tinh trùng, hoặc xác nhận bạn là người phụ nữ đơn thân.
Phải có người cho tinh trùng và những thông tin cơ bản của họ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, thông tin này sẽ không được tiết lộ và họ không cần phải có trách nhiệm đối với đứa trẻ sau này.