Chị Đặng Tố Nga cho biết, ở Ý, mỗi bệnh viện có một số dịch vụ riêng đặc biệt như đẻ con trong nước, đẻ ngồi trên ghế, đẻ đứng, đẻ trên giường đôi, chồng ngồi ôm vợ từ phía sau và hai vợ chồng hoàn toàn khoả thân để da tiếp da...
Mặc dù đã sinh con cách đây nhiều năm nhưng nhớ lại lần mang bầu, đi đẻ đầu tiên, chị Đặng Tố Nga vẫn dành không ngớt lời khen cho dịch vụ y tế chăm sóc các mẹ bầu ở Ý. Đất nước hình chiếc ủng này không chỉ có dịch vụ chăm sóc tận tình chu đáo, các bác sĩ nhiệt tình mà còn có những lớp tiền sản miễn phí vô cùng hữu ích cùng với những kiểu đi đẻ đặc biệt khiến vợ chồng chị vô cùng hài lòng.
Tổ ấm nhỏ của chị Đặng Tố Nga.
Chị Đặng Tố Nga là kiến trúc sư tự do ở Italy. Trước đây, chị từng là giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và tạm nghỉ để hoàn thành các nghiên cứu tại Italy. Hiện, chị sinh sống tại thành phố Torino với anh Marco - người chồng hơn 7 tuổi cũng là kiến trúc sư và con gái 15 tuổi.
Nhớ lại ngày sinh con gái cách đây 15 năm, chị Tố Nga kể, do dự tính năm sau mới sinh con để tập trung cho việc học nên khi biết mang bầu không nằm trong dự tính, vợ chồng chị khá bất ngờ, những vui mừng xen lẫn nỗi lo.
Ngay sau đó, chị đã gọi điện cho bạn thân là bác sĩ sản để được hướng dẫn những việc cần làm như không được ăn các loại thịt muối, rau sống phải rửa thật sạch tránh bị nhiễm toxoplasma, gây nên bệnh cúm toxoplasmosis dẫn đến dị tật thai nhi.
Vì chưa từng nghe đến vấn đề này ở Việt Nam nên chị khá lo sợ. Tuy nhiên nhờ sự tận tình của bác sĩ, bật điện thoại 24/24 để tư vấn bất cứ khi nào có thể, chị cũng yên tâm phần nào. Ngày ngày vợ chồng chị lại cùng nhau lên thư viện tìm đọc sách về sự phát triển của thai nhi, cách ăn uống chăm sóc sức khoẻ mẹ bầu tốt nhất.
“Lần đầu tiên khám thai, bác sĩ cho mình đi thử máu xem có kháng thể Toxoplasma chưa. Nếu trong quá khứ mình đã từng mắc bệnh này, cơ thể sẽ có kháng thể và không mắc bệnh lần nữa. Rất tiếc mình chưa từng mắc nên sẽ phải cẩn trọng trong ăn uống và hàng tháng phải đi xét nghiệm máu xem có bị mắc trong quá trình mang thai không. Mình sợ xét nghiệm máu lắm. Có lần mình bị ngất khi trót dại nhìn chiếc kim cắm vào da. Đó cũng là khó khăn lớn nhất của mình trong thời kỳ mang thai”, chị Tố Nga nhớ lại.
Mặc dù lo lắng vì chưa có kháng thể Toxoplasma nhưng nhìn thấy sự tận tình của nhân viên y tế ở đây chị cũng an tâm hơn rất nhiều.
Chị Tố Nga cho biết, chị rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc thai kỳ cho sản phụ ở Ý. Nếu như dịch vụ khám chữa bệnh thông thường đông và phải chờ đợi, hẹn hò lâu thì dịch vụ chăm sóc thai kỳ lại như thiên đường, đặc biệt tất cả mọi thứ đều miễn phí.
Ngay sau khi biết mình có thai, chị chỉ cần đến cơ sở y tế của khu vực để đăng ký khám và chọn bác sĩ sản của mình. Sau đó, bác sĩ sẽ theo dõi cho chị suốt quá trình thai nghén. Và ngay từ buổi khám bệnh đầu tiên, các bác sĩ sẽ gửi chúc mừng và tặng chị một chiếc hộp lớn rất đẹp, với dòng chữ “Chuẩn bị làm mẹ”. Trong chiếc hộp có các tài liệu sách vở về kiến thức trong quá trình mang thai: dinh dưỡng cho mẹ, sự phát triển của bào thai trong mỗi giai đoạn mẹ cần ăn gì, làm gì... Một cuốn sổ Y bạ để ghi các chỉ số theo từng lần khám thai cùng với các kết quả xét nghiệm toàn bộ thai kỳ của sản phụ.
“Khi biết mình có thai lần đầu, bác sĩ rất nhẹ nhàng và tận tình chỉ bảo cho mình từng ly từng tý. Thấy mình ăn uống tuân thủ chỉ dẫn, kiểm soát cân nặng rất tốt, bác sĩ còn cười và nói rằng: “Yêu cô bé này lắm, rất là ngoan”, chị Tố Nga chia sẻ.
Mang thai đến tháng thứ 4, chị Tố Nga được theo học lớp tiền sản miễn phí, được tập các bài thể dục cho bà bầu, tập thiền, được nghe thêm các kiến thức về thai nghén, được tập bế và cho bé bú bình, thay tã... Chồng chị cũng có những buổi được yêu cầu đến dự để học massage cho vợ khi chuyển dạ.
Bên cạnh đó, chị còn được học một chuyên gia có phương pháp gần như thôi miên. Chuyên gia sẽ dẫn chị cùng các sản phụ vào trong phòng đóng kín cửa, bật nhạc thiền, tắt đèn tối om và dẫn dắt mọi người tưởng tượng đến việc chuyển dạ chuẩn bị sinh con.
“Mình cảm thấy như cơn đau đang thực sự đến, có người còn gào lên. Sau đó chúng mình viết lại cảm giác khi đó và ước muốn được đẻ con như thế nào. Buồn cười lắm, có chị còn tưởng tượng ra đánh chồng lúc đau đẻ, có chị thì khóc, còn mình tượng tượng sinh con trong một cánh rừng mùa thu, mình chỉ khóc chứ không gào lên. Tất cả những điều này đều được ghi lại trong sổ y bạ để bác sĩ đỡ đẻ hiểu được tâm lý sản phụ”, chị Tố Nga cho biết.
Chị được gia đình chăm sóc như công chúa khi mang bầu.
Chị Tố Nga tâm sự, chị hạnh phúc vì trong quá trình mang thai được bố mẹ chồng, chồng và mọi người quan tâm, chăm sóc như một nàng công chúa. Biết chị thiệt thòi ở xa bố mẹ đẻ nên mẹ chồng chị bù đắp bằng cách trồng rau trong nhà kính đóng kín cửa không cho mèo vào vì sợ phân mèo có ký sinh trùng Toxoplasma. Chồng chị thì luôn rửa rau sống thật kỹ và ngâm thuốc sát trùng trước khi cho chị ăn.
Không những vậy, bố mẹ chồng và chồng luôn đi khám thai cùng chị. Mẹ chồng còn cẩn thận chuẩn bị sẵn cho chị chiếc vali nhỏ để phòng chuyển dạ bất cứ lúc nào từ tháng thứ 7.
Theo chị Nga chia sẻ, ở Ý, sản phụ có thể tuỳ chọn bệnh viện để sinh con, và miễn phí toàn bộ dịch vụ, kể cả mổ đẻ, giường nằm, ăn uống...
Trong đó, mỗi bệnh viện có một số dịch vụ riêng đặc biệt như: đẻ con trong nước, đẻ ngồi trên ghế, đẻ đứng, đẻ trên giường đôi, chồng ngồi ôm vợ từ phía sau và hai vợ chồng hoàn toàn khoả thân để da tiếp da...
Bênh cạnh đó, mỗi bệnh viện cũng có phòng chuyển dạ chờ sinh với các kiểu khác nhau: phòng sơn màu hồng, phòng sơn màu xanh, có nhạc nhè nhẹ, có những dây thừng lớn thả từ trần xuống có đầu thắt nút để sản phụ nắm vào đi lại cho dễ đẻ, hoặc các thanh sắt ngang.
Khi biết về kiểu đẻ chồng ngồi ôm vợ từ phía sau và hai vợ chồng hoàn toàn khỏa thân để da tiếp da khi đẻ chị Tố Nga khá vui mừng. Chị được biết, cơ thể con người luôn toả ra tia hồng ngoại xa. Tia hồng ngoại này có rất nhiều tác dụng: làm giảm đau, lưu thông máu, chữa nhiều loại bệnh khác nhau... Phương pháp này đã được ứng dụng trong chữa bệnh lâu đời và giờ đây được ứng dụng trong sinh đẻ sẽ là một phương pháp giảm đau tự nhiên, một liệu pháp tâm lý tự nhiên giúp sản phụ thấy vững tin và hạnh phúc khi sinh con có chồng bên cạnh.
Thai kỳ chị tăng 9kg, sức khỏe khá tốt.
Sau khi được bác sĩ chỉ định sinh thường, chị Nga đã quyết định chọn một bệnh viện nhỏ nổi tiếng với thực đơn bữa ăn ngon, và phòng chuyển dạ chờ sinh màu hồng với nhiều sao lấp lánh...cho lần chuyển dạ đầu tiên của mình.
Tuy nhiên đến khi mang bầu ở tuần thứ 36, chị bất ngờ bị vỡ ối trước một tháng sinh trong khi thai chưa quay đầu nên đã phải đến bệnh viện lớn nhất thành phố để mổ lấy thai.
Hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần cho việc mổ đẻ nên thay vì vào phòng màu hồng với sao lung linh để chờ sinh và lên giường đôi để đẻ con với chồng bên cạnh thì chị phải nằm trên băng ca, được y tá đẩy qua dãy hành lang lạnh toát, không có chồng ở trong phòng mổ cùng.
“Nhìn ánh đèn phòng mổ sáng choang, mình hoảng sợ và run cầm cập. Mình được đỡ ngồi dậy để bác sĩ gây tê tuỷ sống nhưng run quá mình vòng cả 2 tay và 2 chây quắp chặt lấy bác sĩ. Bác sĩ phải tiêm một liều an thần mình mới rời tay ra khỏi.
Mình không hiểu rõ lắm chuyện gì đang xảy ra cho tới khi nghe tiếng khóc của con, mình bừng tỉnh và trào nước mắt. Bác sĩ đặt con lên ngực mình rồi sau đó đưa con đi tắm và quấn tã cho con. Mặc dù sinh sớm nhưng chỉ số của con vẫn đạt 9/10 điểm. Mình vui mừng hạnh phúc vô cùng. Chồng mình ở ngoài còn đứng đợi lo lắng hơn cả mình”, chị Tố Nga cười.
Sau sinh, chị được nhân viên y tế của bệnh viện chăm sóc tận tình. Vì còn đau không thể đứng lên đi vệ sinh được nên bác sĩ chăm sóc chị từng chút một ở trên giường bệnh, thậm chí lau rửa vệ sinh cho chị bằng nước ấm. Bác sĩ trưởng khoa sản ở đây cũng không nề hà làm công việc của hộ lý, y tá, lau rửa vệ sinh cho sản phụ khiến chị vô cùng bất ngờ và cảm động.
Chị lấy lại vóc dáng nhanh chóng sau sinh.
Khác với những sản phụ Việt Nam sau sinh phải kiêng khem nhiều, chị Nga không hề phải kiêng khem gì ngoài dán nilon xung quanh vết mổ khi tắm rửa.
Thời gian đầu, chị chỉ ăn thức ăn lỏng theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó, chế độ ăn được trở lại bình thường. Thậm chí, không phải kiêng khem nhiều, ngay từ khi ở viện sau sinh mổ, bác sĩ đã yêu cầu chị gen bụng mới được đứng lên đi lại. Điều này khiến chị khá bất ngờ nhưng nhờ vậy chị đã về cân nặng nhanh chóng. Chị thấy sức khỏe mình tốt hơn và có thể tự tin trở lại với thân hình sau sinh 4 tháng của mình.