Sau sinh con hai ngày, Lương không đăng ký lịch tắm gội, khi biết được lý do, bác sĩ liền quát: "Đi tắm đi, quê thật!”.
Đồng Thị Lương (28 tuổi) đang sinh sống và làm việc ở thành phố Amagasaki thuộc tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Cô từng trải qua hai lần mang bầu và sinh con trên đất nước mặt trời mọc. Từ khi mang thai cho đến khi lên bàn đẻ và cả giai đoạn chăm sóc sau sinh Lương đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, bởi chính sách và quy định chăm sóc sức khỏe thai kỳ ở Nhật Bản khác xa Việt Nam.
Hai em bé của mẹ Đồng Thị Lương đều được sinh ra ở đất nước Nhật Bản.
Theo chia sẻ của Lương, cô sang Nhật Bản với tư cách là du học sinh, sau đó chuyển qua đi làm và trở thành nhân viên chính thức tại một công ty chế biến thực phẩm thuộc nơi mình sống. Ngày biết tin có thai cô khá sốc vì trước đó chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ. Tuy nhiên nhờ có sự động viên của bố mẹ ở quê nhà nên cô quyết định giữ thai để các con được làm người.
Hai lần cấn bầu đến khiến người mẹ trẻ khá sốc.
Thời điểm mang thai Lương vẫn đi làm hết công suất vì cô hoàn toàn không biết về các quyền thai sản cũng như trợ cấp của đất nước Nhật Bản. Cô chỉ nghĩ đơn giản rằng ở Nhật mọi chi phí đều đắt đỏ, vì thế phải “cày cuốc” cật lực để tích cóp tiền cho việc đi đẻ.
Cả quá trình mang thai, bà bầu ở Nhật Bản sẽ chỉ có một bác sĩ theo dõi tới lúc sinh, việc chọn bác sĩ nam hay nữ là do mình quyết định. Ở nước này khi mang thai, bà bầu được kiểm soát cân nặng vô cùng chặt chẽ để tránh nguy cơ tăng cân quá nhiều, quá ít hoặc tiểu đường thai kỳ. Suốt thời gian đó bác sĩ luôn nhắc nhở các vấn đề dinh dưỡng, đa dạng và chia nhỏ bữa ăn. Thời gian mang bầu, mỗi chị em chỉ được phép tăng khoảng 8 – 10kg. “Có tuần đi khám mà tăng cân nhiều quá, bác sĩ nhắc điều chỉnh liền. Tháng cuối thai kỳ mình bị bác sĩ bắt nhịn cơm vì lúc đó tăng 2 kg/tuần” – mẹ 9X khoe.
Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình và những chính sách chăm sóc cực tốt của Nhật đã giúp chị vững vàng vượt qua khó khăn của thai kỳ.
Mẹ sinh con tại Úc có gì khác biệt?
Xem ngay: Mẹ Việt sinh con ở Úc: Đẻ xong vào tắm liền, uống nước đá để đỡ đau vết rạch
”Lương đi đẻ vô cùng đơn giản, không cần phải mang vác quá nhiều, cô chỉ mang 2 bộ quần áo có cúc trước và đôi dép đi trong phòng, bài chải đánh răng và cốc uống nước. Còn bộ đồ của em bé, bỉm, đồ vệ sinh rốn, sữa tắm, khăn, tất cả mọi thứ đã nằm trong viện phí chung khi đi sinh.
Ở lần sinh con đầu cô gặp rất nhiều bỡ ngỡ, hễ cứ thấy có cơn gò là cô cuống cuồng xách dép đi đẻ. Thế nhưng phải đến lần thứ ba vào viện cô mới chính thức sinh con: “Lúc đó mình không hề biết rặn đẻ, đau quá nên nài nỉ bác sĩ cho mổ nhưng bác sĩ nói trường hợp này có thể sinh thường được. Vậy là mình cố gắng rặn lấy rặn để, tới lúc mệt quá thì bác sĩ cảnh báo: “Nếu mẹ không cố, em bé sẽ gặp nguy hiểm đó”. Nghe bác sĩ dọa thế thôi là mình lại cong cớn rặn cho đến lúc nghe thấy tiếng khóc của con mới thôi, nghe con khóc mà quên hết cảm giác đau đớn”.
Được biết cả quá trình mang thai, bà bầu ở Nhật Bản sẽ chỉ có một bác sĩ theo dõi tới lúc sinh
Sau sinh hai ngày, các bác sĩ không thấy cô đăng ký lịch tắm gội nên thắc mắc: “Cô bị mệt ở đâu hay sao mà lại chưa đi tắm” liền được cô đáp “Ở Việt Nam phải kiêng tắm cả tháng”. Nghe xong bác sĩ cười lớn và quát “Đi tắm đi, quê thật!”.
Không còn lạ lẫm như “tập 1”, ngày sinh bé thứ hai Lương thấy vỡ ối liền lẽo đẽo cuốc bộ ra ngoài đường vẫy xe taxi đi đến bệnh viện. Sau 20 phút nhập viện là cô đã hạ sinh thành công.
Trong phòng sinh, đối với phòng 4 giường thì tại mỗi giường đều có rèm che kín, có tivi, tủ lạnh, điều hoà, tủ quần áo, tủ đồ và bàn ăn gắn cuối giường riêng tiện nghi và thoải mái. Còn đối với những sản phụ có điều kiện hơn họ sẽ ở riêng phòng giống như khách sạn, hướng cửa sổ ra bờ sông hoa anh đào. Sau khi sinh vì còn mệt nên hầu hết các bé sẽ được y tá trông cho 1 ngày để mẹ nghỉ ngơi. Trong trường hợp nếu mẹ mệt hay bận thì có thể gửi con qua phòng chung của các bé, có ghi tên và nằm giường riêng.
Hai em bé từ khi còn là bào thai bé nhỏ trong bụng mẹ đến khi đã lớn và đi lớp đều được thừa hưởng những chính sách chăm sóc cực tốt ở Nhật Bản.
Ở Nhật Bản bữa ăn cho mẹ sau sinh cũng được tính toán rất cẩn thận và ngon miệng. Một ngày sẽ được ăn 3 bữa sáng, trưa, tối theo giờ quy định của bệnh viện. Sau sinh Lương được nhân viên bệnh viện đưa cơm đến tận phòng, mới đầu cô không dám ăn những đồ như cá, tôm, thịt bò vì nghĩ phải kiêng cữ thức ăn tanh. Thấy cô không ăn hết khẩu phần, bác sĩ hỏi lý do: “Đồ ăn không hợp à?” “Không ngon hay sao mà lại bỏ nhiều vậy?”. Lúc này cô mới dám khai thật rằng ở Việt Nam bà đẻ nếu không muốn bị hậu sản thì phải tránh đồ tanh. Vừa dứt lời, bác sĩ liền trấn an cô: “Cứ yên tâm nhé, đồ ăn cho mẹ bỉm sữa đã được chúng tôi tính toán rất kỹ”.
Ngày ra viện cô chỉ cần làm thủ tục ra viện và trả thẻ từ sau đó bế con về nhà. Viện phí sẽ được bệnh viện gửi qua hòm thư, gia đình sẽ tự ra ngân hàng đóng. Lương nói: “Tổng chi phí sinh bé đầu của mình là 58man (khoảng 120 triệu đồng), bé thứ 2 là 47man (95 triệu đồng). Tuy nhiên mỗi bé đều được nhà nước chi trả bảo hiểm khoảng 42man (84 triệu đồng). Ở Nhật Bản, mẹ nào đi sinh con cũng được hưởng chế độ như vậy, vì vậy số tiền mình bù thêm cũng không đáng kể, bù lại được hưởng chế độ sinh sản vô cùng tuyệt vời”.
Theo lời mẹ 9X thì Nhật Bản không chỉ là nơi mà cô lựa chọn để nuôi dưỡng con, mà còn nuôi dưỡng cả tinh thần, nhân cách cũng như cuộc sống con.
Trải qua 2 lần sinh nở ở xứ người, Lương bày tỏ cảm xúc: “Nếu được chọn mình vẫn sẽ chọn nơi đây để sống và sinh con vì mọi chính sách đều quá tuyệt vời. Sau khi khám xác định chính xác có bầu, mình được y tá hướng dẫn lên cơ quan phúc lợi của quận để lấy sổ theo dõi mẹ con. Sau đó được hướng dẫn cụ thể và phát phiếu khám thai miễn phí, kèm theo sách hướng dẫn trong thai kỳ. Sau sinh cũng vậy, mọi quy trình đều rất cụ thể và chi tiết”.
Vì hôn nhân không được như mong muốn lại một mình sinh con rất vất vả. May mắn cho cô dù đơn thân nuôi con nhưng ở đất nước mà quyền con người được đặt lên cao thì mọi gánh nặng của người dân cũng được san sẻ rất nhiều. Theo lời mẹ 9X thì Nhật Bản không chỉ là nơi mà cô lựa chọn để nuôi dưỡng con, mà còn nuôi dưỡng cả tinh thần, nhân cách cũng như cuộc sống con. “Đây chắc chắn sẽ luôn là quê hương thứ 2 của cả 3 mẹ con mình rồi” – 9X nói.