Mẹ bầu 2 lần xét nghiệm đều âm tính, con sinh ra lại mắc Covid-19

Hà Phương - Ngày 07/06/2021 19:02 PM (GMT+7)

Mặc dù sản phụ có kết quả âm tính với Covid-19 trước khi sinh nhưng con gái của cô lại dương tính với virus corona ngay sau khi chào đời.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các mẹ bầu được khuyên nên chăm sóc sức khỏe thật tốt, nâng cao tinh thần phòng dịch vì họ là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh do sức đề kháng kém. Tuy nhiên, vẫn có những mẹ bầu nhiễm bệnh và sinh con khỏe mạnh, nhưng cũng có trường hợp hy hữu mẹ khỏe mạnh sinh con dương tính với Covid-19 như trường hợp này.

Một thai phụ 26 tuổi sống ở khu vực Cantt thuộc thành phố Varanasi (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) được đưa bào Bệnh viện Sir Sunderlal của Đại học Banaras Hindu (BHU) vào ngày 24/5 vừa qua. Để đảm bảo an toàn cho thai phụ và những người xung quanh, các bác sĩ đã xét nghiệm Covid-19 cho cô và kết quả là âm tính.

Sang ngày hôm sau, mẹ bầu sinh hạ một bé gái và bé cũng được xét nghiệm Covid-19 ngay sau khi chào đời. Tuy nhiên, báo cáo xét nghiệm cho thấy bé gái này dương tính với virus Sars Cov 2. Kết quả xét nghiệm khiến các bác sĩ và gia đình sản phụ rất sốc bởi lẽ họ không hiểu em bé ở trong bụng mẹ thì lây nhiễm từ đâu. Người mẹ được cho xét nghiệm nhanh lần 2 và kết quả vẫn là âm tính. 

Mẹ bầu 2 lần xét nghiệm đều âm tính, con sinh ra lại mắc Covid-19 - 1

Dù không nhiễm Covid-19 nhưng đứa con do sản phụ sinh lại bị nhiễm bệnh. Ảnh minh họa

Tin tức này làm dấy lên sự lo ngại của nhiều người về việc có khả năng đứa trẻ bị lây nhiễm từ chính những y bác sĩ đỡ đẻ cho người mẹ hay không.

Các nguồn tin cho biết, bệnh viện BHU sẽ xét nghiệm lại trong một vài ngày tới để xem liệu đứa trẻ có nhiễm Covid-19 hay không. Bác sĩ Gupta, giám đốc bệnh viện cho biết, đây không phải là một tình trạng hiếm gặp hay bất thường. “Độ nhạy của bộ xét nghiệm RT-PCR được sử dụng cho người mẹ là 70%. Mẫu thử của người mẹ có thể đã vượt qua mức nhạy đó nên chúng tôi phải làm xét nghiệm lại cho người mẹ”, bác sĩ Gupta nói.

Sau đó, bệnh viện đã xét nghiệm lại với sản phụ và kết quả lần này là dương tính với virus Sars Cov 2. Hiện cả hai đang được giữ lại bệnh viện để điều trị Covid-19 và sức khỏe đã dần ổn định. Tuy vậy, các y bác sĩ cũng khuyến nghị phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý vấn đề phòng tránh dịch bệnh vì Covid-19 có thể ảnh hưởng đến người mang thai nhanh và nặng nề hơn. 

Mẹ bầu 2 lần xét nghiệm đều âm tính, con sinh ra lại mắc Covid-19 - 2

Phụ nữ mang thai cũng như tất cả mọi người cần chú ý các biện pháp phòng dịch. (Ảnh minh họa)

Tháng 11/2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) đã thêm mang thai vào danh sách các tình trạng khiến những người mắc bệnh Covid-19 có nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao.

Cơ quan này đã thêm thai kỳ vào danh sách sau một nghiên cứu kiểm tra sức khỏe của 409.462 phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus, trong đó có 23.434 trường hợp đang mang thai. Kết quả cho thấy phụ nữ mang thai mắc bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong tăng 70% so với người không mang thai. Cùng với đó, mẹ bầu cũng có tỉ lệ phải chăm sóc đặc biệt bằng máy thở, máy trợ tim cao hơn những người khác. 

Tiến sĩ Cynthia Gyamfi-Bannerman, bác sĩ tại Đại học Y khoa Irving (Colombia) cho biết: “Khi mang thai, tử cung của người mẹ phát triển sẽ đè lên cơ hoành và chèn ép vào các cơ quan khác, gây ra tình trạng khó thở. Thêm một căn bệnh về đường hô hấp thì chắc chắn tình hình sẽ càng khó khăn hơn". 

Cách phòng tránh Covid-19 cho bà bầu

Hiện tại, bước tốt nhất để tránh nhiễm virus Sars Cov 2 khi mang thai là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa theo các bước sau:

- Rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước thường xuyên;

- Sử dụng khẩu trang đúng cách;

- Tránh tiếp xúc gần với những người bị sốt và ho;

- Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi;

- Khăn giấy được dùng để vệ sinh tay sau khi ho hoặc hắt hơi cần được vứt bỏ vào thùng rác ngay lập tức;

- Đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng suy hô hấp sau khi đi du lịch hay có tiếp xúc với người nghi nhiễm…;

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống bằng việc thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi;

- Tuân thủ lịch khám thai. Trường hợp không muốn đi khám thai mùa dịch, mẹ bầu nên gọi điện vào đường dây nóng của bệnh viện nơi thường xuyên tiến hành khám thai để được tư vấn về việc giãn cách nhằm không bỏ qua các mốc khám thai quan trọng.

Cặp song sinh chào đời thần kỳ, còn trong bụng mẹ đã phải phẫu thuật tới 2 lần
Sự việc kỳ lạ này không chỉ diễn ra một lần mà còn xảy ra tận 2 lần lận. Và cặp song sinh đã chào đời khỏe mạnh ở tuần 34.
Hà Phương (Dịch từ India Today)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

TP HCM - Thai nhi có khối u khổng lồ trong bụng, sau chào đời được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng mổ khẩn trong đêm cắt bỏ đoạn ruột hoại...

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu