Chồng tôi rất thương vợ, nhiều lần anh an ủi tôi: "Nếu không có con, mình nhận con nuôi cũng không sao".
Từ lúc mới lấy chồng, tôi đã cảm thấy mệt mỏi vì áp lực sinh con từ bố mẹ chồng. Tôi kết hôn năm 23 tuổi, khi vừa mới ra trường và được bố chồng xin vào làm ở một công ty truyền thông. Vì công việc mới ổn định nên tôi chưa muốn sinh con sớm. Nhưng bố mẹ chồng tôi chỉ có mình chồng tôi là con trai, nên chuyện hối thúc sinh con đã trở thành câu nói quen thuộc mỗi ngày của họ.
Ban đầu, tôi không để ý nhiều, nhưng càng về sau tôi càng cảm thấy khó chịu. Chồng tôi khuyên tôi: "Em đừng để ý nhiều, chuyện con cái là do mình quyết định khi nào cảm thấy sẵn sàng". Thế nhưng, cuối cùng tôi cũng đành chịu thua áp lực từ người lớn, quyết định lên kế hoạch có con khi tôi 24 tuổi.
Nhưng đúng là “người tính không bằng trời tính”, khi tôi đã sẵn sàng thì mọi chuyện lại không như ý. Dù tôi đã cố gắng ăn uống kiêng khem và sống lành mạnh, nhưng sau một năm vẫn không thể có con.
Mẹ chồng tôi ban đầu rất thương con dâu, bà mua đủ thứ đồ ăn ngon để tẩm bổ cho tôi. Thậm chí, bà thấy thân nhiệt tôi hơi nóng, nghĩ đó là nguyên nhân khiến tôi khó có bầu nên mua hẳn tấm nệm điều hoà cho tôi nằm ngủ. Tuy nhiên, đợi mãi vẫn chưa có tin vui, mẹ chồng bắt đầu tỏ ra khó chịu, dù bà không dám nói thẳng.
Mẹ chồng thường nhắc nhở vợ chồng tôi chuyện sinh con sớm. (Ảnh minh họa)
Chồng tôi rất thương vợ, nhiều lần anh an ủi tôi: "Nếu không có con, mình nhận con nuôi cũng không sao". Tuy nhiên, tôi biết anh chỉ nói vậy để động viên tôi, chứ thực sự anh mong có con ruột hơn.
Một lần, mẹ chồng thấy tôi đi làm về nhưng không ăn tối vì đã ăn tiệc ở công ty, bà nói lớn: “Ăn uống thất thường vậy sao mà có con được?”. Tôi giải thích lý do không ăn cơm ở nhà nhưng nhưng bà tiếp tục nói: “Cây độc không trái, gái độc không con". Lời nói của mẹ chồng làm tôi tủi thân, rơi nước mắt.
Đúng lúc đó, chồng tôi đi làm về, anh vội đặt nón bảo hiểm xuống ghế rồi chạy đến nói: “Mẹ, mẹ đừng nói vợ con như thế. Chuyện khó có con là do con chứ không phải do cô ấy". Tôi và mẹ chồng đều sững lại trước lời giải thích của anh. Tôi ngăn anh lại: “Anh nói gì thế?”.
Chồng tôi đưa tờ giấy xét nghiệm cho mẹ chồng xem và giải thích: “Thật ra có chuyện này lâu nay con vẫn đinh ninh mà chưa dám kể cho mẹ và vợ nghe. Năm con đi du học, con từng bị quai bị xưng rất to, nhưng vì chủ quan nên không đi khám nên bị biến chứng xuống phần dưới. Hôm nay con đi làm xét nghiệm tinh trùng thì bác sĩ nói con có số lượng tinh trùng nhưng không chất lượng. Muốn có con tự nhiên rất khó nên con nghĩ nguyên nhân lâu nay là do con chứ không phải do vợ".
Mẹ chồng tôi nhìn tờ giấy xét nghiệm rồi rưng rưng nhìn sang tôi. Bà ngồi sụp xuống đất, trách móc: “Sao giờ này con mới nói với mẹ?”.
Nói xong bà quay sang tôi và nói: “Mẹ xin lỗi con vì lâu nay mẹ cứ nghĩ mọi chuyện là do con”.
Sau khi chuyện xảy ra, cả gia đình ngồi lại bàn bạc, quyết định để vợ chồng tôi đi can thiệp IVF để có con. Hy vọng độ tuổi của tôi cùng với sự nỗ lực của chồng thì nhân duyên con cái sẽ đến sớm với gia đình.
Đàn ông bị quai bị trong trường hợp nào thì khó có con?
Đàn ông bị quai bị có nguy cơ gặp khó khăn trong việc có con nếu bệnh quai bị dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn. Dưới đây là các trường hợp và lý do cụ thể:
- Viêm tinh hoàn do quai bị: Khi virus quai bị tấn công, nó không chỉ gây viêm tuyến nước bọt mà còn có thể lan đến các cơ quan khác, bao gồm cả tinh hoàn. Viêm tinh hoàn do quai bị thường xảy ra ở nam giới sau tuổi dậy thì và có thể dẫn đến sưng đau, sốt, và viêm một hoặc cả hai tinh hoàn.
- Tổn thương mô tinh hoàn: Viêm tinh hoàn do quai bị có thể gây tổn thương mô tinh hoàn, dẫn đến sự giảm sản xuất tinh trùng hoặc làm tinh trùng kém chất lượng. Tổn thương này có thể làm giảm khả năng thụ tinh và gây vô sinh ở nam giới.
- Biến chứng lâu dài: Trong một số trường hợp, viêm tinh hoàn do quai bị có thể dẫn đến teo tinh hoàn, tức là tinh hoàn co lại và giảm kích thước. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất tinh trùng và hormone testosterone.
- Thời điểm và mức độ nghiêm trọng của viêm tinh hoàn: Khả năng vô sinh do quai bị phụ thuộc vào thời điểm bị nhiễm virus (trước hay sau tuổi dậy thì) và mức độ nghiêm trọng của viêm tinh hoàn. Nếu chỉ một bên tinh hoàn bị viêm và tổn thương không quá nghiêm trọng, khả năng vô sinh sẽ thấp hơn so với trường hợp cả hai bên tinh hoàn đều bị viêm và tổn thương nặng.
- Phát hiện và điều trị kịp thời: Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm tinh hoàn do quai bị có thể giảm thiểu các biến chứng và tổn thương, giúp bảo vệ khả năng sinh sản.
Nếu một người đàn ông đã bị viêm tinh hoàn do quai bị và gặp khó khăn trong việc có con, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp, bao gồm các phương pháp hỗ trợ sinh sản nếu cần thiết.