Mang bầu ở tuần 28, chị H. chết lặng nghe bác sĩ nói thai nhi bị thiểu ối, nằm bó chặt trong tử cung.
Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng như giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp. Nước ối đa phần có nguồn gốc từ thai nhi, do sự bài xuất nước tiểu được lặp đi lặp lại tạo ra một lượng nước ối phù hợp.
Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, khi chỉ số ối AFI nhỏ hơn 5cm và màng ối còn nguyên vẹn. Thiểu ối tiềm ẩn những nguy cơ như thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi,... Mới đây, các bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cứu sống thành công thai nhi thiểu ối tuần thứ 28 nguy kịch vì hiện tượng này.
Khi mang bầu 28 tuần, chị H. được phát hiện bị thiểu ối. (Ảnh minh họa)
Trước đó, trong một lần đi khám thai định kỳ tại bệnh viện tỉnh, thai phụ L.T.H (23 tuổi) được các bác sĩ thông báo thai nhi bị thiểu ối tại tuần thứ 28. Tử cung bó chặt, thai nhi nằm co như bị hút chân không, chị được khuyên chủ động bỏ thai vì thai còn quá bé chỉ 650g.
Rất buồn, nhưng gia đình không bỏ cuộc, chị đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tìm một tia hy vọng. Tại đây, chị đã gặp TS. BSCKI. Nguyễn Thị Sim - Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai của BV Phụ Sản Hà Nội. Bác sĩ đã trực tiếp thăm khám, tư vấn và hội chẩn để thực hiện truyền ối cấp cứu cho thai phụ ngay trong ngày.
Sau khi truyền ối thành công, chị H được bác sĩ cho xem siêu âm: thai nhi cử động bình thường, hệ tuần hoàn hoạt động trở lại. Sau 5 ngày, tình trạng sức khỏe thai nhi đã hoàn toàn bình thường, sức khoẻ của mẹ ổn định nên được xuất viện về nhà.
Do ở xa nên thai phụ chỉ tiếp tục siêu âm, thăm khám tại bệnh viện tỉnh, rồi gửi kết quả cho các bác sĩ Đơn vị can thiệp bào thai (BV Phụ Sản Hà Nội) để tư được tư vấn thêm.
Chị H. sinh con thành công sau nhiều tháng thấp thỏm lo lắng.
Đến tuần thứ 34, khi thai nhi có dấu hiệu chậm lớn, anh chị lại bắt xe vượt hơn 300km về BV Phụ Sản Hà Nội để thăm khám. Quá trình điều trị em bé đã tiếp tục tăng cân. Đến tuần thứ 37, khi thai nhi có dấu hiệu cạn ối trở lại, thai phụ được chỉ định nhập viện mổ chủ động lấy thai để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.
TS. BS Nguyễn Thị Sim cùng ê kip bác sĩ BV Phụ Sản Hà Nội đã tiến hành mổ lấy thai cho bệnh nhân. Kết quả, bé trai nặng 2.500g đã cất tiếng khóc chào đời vào lúc 17h40 ngày 23/04/2022 trong niềm vui của thầy thuốc và gia đình. Hiện tại sức khoẻ của hai mẹ con đã ổn và được xuất viện về nhà.
Nguyên nhân bệnh thiểu ối Nguyên nhân thiểu ối có thể do mẹ, do thai hoặc các yếu tố khác. Cụ thể: Nguyên nhân từ phía mẹ: - Mẹ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý gan thận làm cho thai nghén kém phát triển và giảm chức năng tái tạo nước ối. - Mẹ dùng một số thuốc trong quá trình mang thai: ức chế men chuyển, ức chế tổng hợp prostagladin, hóa trị ung thư... Nguyên nhân từ phía thai: - Bất thường nhiễm sắc thể. - Dị tật bẩm sinh: tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp như não vô sọ, não úng tủy, thoát vị não màng não, thoái vị rốn, dò thực quản- khí quản, teo hành tá tràng, giảm sản phổi, không có thận, bất sản thận, nghịch sản thận, thận đa nang,... - Thai chậm phát triển trong tử cung. - Thai quá ngày dự kiến sinh. - Nhiễm trùng thai. Nguyên nhân do phần phụ của thai: - Vỡ ối non, vỡ ối sớm - Nhồi máu bánh rau - Hội chứng truyền máu thai nhi trong song thai Ngoài ra, thiểu ối không rõ nguyên nhân chiếm 30% |