Với mong muốn mang thai ở độ tuổi ngoài 60, bà mẹ này đã xin trứng của chính con gái ruột.
Thụ tinh nhân tạo bằng trứng hoặc tinh trùng hiến tặng là phương pháp được nhiều cặp đôi gặp vấn đề về sinh sản (không có trứng, không có tinh trùng sử dụng được) hoặc các cặp đôi đồng tính lựa chọn khi muốn có con. Tuy vậy, nhiều người vẫn băn khoăn khi dùng "con giống" của người lạ thì con sinh ra sẽ không có huyết thống với mình nên chọn lấy trứng hoặc tinh trùng từ chính người thân.
Bà Kathy Blattner (62 tuổi, sống tại Illinois, Mỹ) là một trường hợp như vậy. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, bà Kathy sinh một cô con gái và ly hôn. Khi ngoài 40 tuổi, bà gặp rồi tái hôn với người chồng hiện tại. Thời điểm đó, cả hai đều muốn có con chung nhưng chất lượng trứng của bà Kathy lại không còn đảm bảo. Cuối cùng, bà quyết định xin trứng từ người chị họ, kết hợp với tinh trùng của chồng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Bà sinh một cậu con trai thành công, hiện tại bé đã 12 tuổi.
Bà Kathy tái hôn khi đã ngoài 40 tuổi nên khó thụ thai bằng trứng của bản thân.
Khi con trai đã lớn, bà Kathy tiếp tục muốn có thêm con. Lúc này, bà đã ngoài 50 tuổi nên hầu hết các bệnh viện đều từ chối tiếp nhận làm thụ tinh nhân tạo cho bà. Cuối cùng sau nhiều năm tìm kiếm, bà đã gặp được tiến sĩ Sherman Silber, người khẳng định rằng sức khỏe thể chất và tâm lý của bà đều hoàn hảo, vẫn phù hợp với việc sinh con.
Lần này khi thụ tinh nhân tạo, bà Kathy đã xin trừng từ chính con gái ruột của mình. Bà mang thai lần thứ 3 ở tuổi 60 và cũng sinh con thành công. Con trai thứ 2 với người chồng mới của bà hiện được 2 tuổi.
Con trai chung thứ 2 của bà và chồng mới được thụ tinh từ trứng của con gái ruột.
Việc bà Kathy xin trứng của con gái khiến nhiều người băn khoăn và cảm thấy không hợp lý. Tuy vậy, con gái bà lại hoàn toàn thoải mái. "Đó là con của mẹ tôi. Tôi không cảm thấy bất kỳ mối liên hệ di truyền nào với đứa bé cả. Tôi vẫn chỉ là chị gái của bé mà thôi", cô nói.
Không dừng lại ở 2 con trai, hồi giữa năm 2020, bà Kathy tiếp tục chuyển nốt những phôi đông lạnh được tạo ra từ trứng của con gái và tinh trùng của chồng đã lưu trữ trước đó. Bà trải qua một lần sảy thai khi mang bầu đôi nhưng vẫn không từ bỏ và hiện tại đang "vác bụng bầu" ở tuổi 62. Bà Kathy sẽ sinh con vào tháng 4 tới đây và trùng hợp là người con gái ruột cho bà trứng cũng đang mang bầu.
"Cùng nhau mang thai cũng rất thú vị, cả hai mẹ con có thể chia sẻ và đồng cảm với nhau", bà tâm sự.
Bà Kathy đang tiếp tục mang bầu ở tuổi 62.
Trùng hợp là cả cô con gái đầu lòng - người cho bà trứng cũng đang mang thai.
Cả gia đình bà Kathy và bác sĩ Sherman Silber đều rất tâm đắc khi bà có thể mang bầu ở tuổi 62. Vị bác sĩ này cho rằng những bà mẹ mang thai khi đã lớn tuổi sẽ tự tin, chủ động và được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh tế, kinh nghiệm để mang bầu, sinh con.
Tuy nhiên, hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ không khuyến khích điều này và còn chỉ trích những bác sĩ đồng ý chuyển phôi cho phụ nữ trên 55 tuổi và thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Thực tế, việc mang thai, sinh con ở tuổi ngoài 50 luôn tiềm ẩn nhiều biến chứng, rủi ro cho cả mẹ và bé.
Ưu nhược điểm khi mang thai sau tuổi 50 Ngày nay, có rất nhiều người làm mẹ ở độ tuổi trên 35 hay thậm chí là ngoài 50. Việc mang thai muộn này có những ưu điểm riêng nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro. Ưu điểm: - Người mẹ sống lâu hơn: Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có con sau 50 tuổi thường sống lâu hơn. - Tài chính: Đây là giai đoạn mà tài chính của cả hai vợ chồng đều đã ổn định. nên áp lực kinh tế sẽ không quá nặng nề. - Có nhiều kinh nghiệm hơn, tâm lý vững vàng. Hạn chế và nguy cơ: - Rủi ro về sức khỏe: Mang thai muộn khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật… Ngoài ra, bạn còn dễ sinh non, thai chậm phát triển và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác. - Các vấn đề về thể chất: Việc mang thai sẽ khá vất vả đối với những phụ nữ lớn tuổi. Bên cạnh đó, trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong thời kỳ mang thai cũng khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi. - Đối với thai nhi: Nguy cơ sinh con bị hội chứng Down hoặc những bất thường về di truyền tăng lên theo tuổi của người mẹ. |