Dắt 2 cô con gái nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 trong tay, vợ chồng bác sĩ- kỹ sư Đinh Thị Hường- Nguyễn Bình Minh không giấu nổi hạnh phúc, bởi ở độ tuổi U 60 và U70, ông bà vẫn được tận hưởng niềm vui làm cha mẹ...
Đi họp phụ huynh cho con, người ta cứ tưởng ông bà đi họp cho cháu
Có mặt tại lễ “Ươm mầm hạnh phúc 2019” của BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng bà Đinh Thị Hường, 59 tuổi và ông Nguyễn Bình Minh, 69 tuổi ở phố Trần Quốc Toản- Hoàn Kiếm, Hà Nội liên tục cười tươi, chơi đùa cùng 2 cô con gái sinh đôi Nguyễn Thị Tố Nga và Nguyễn Thị Kim Ngân, năm nay chuẩn bị vào lớp 1.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hường cho biết, bà vốn là bác sĩ phụ trách khoa Thận tiết niệu của BV đa khoa Hà Đông, Hà Nội.
“Năm 2006 tôi lập gia đình, lúc ấy tôi 46 tuổi, còn ông ấy 57 tuổi là một kỹ sư ngành giao thông. Dù lập gia đình ở khi cả hai đều đã quá tứ tuần nhưng tôi nghĩ rằng sức khoẻ mình bình thường, rồi cả hai sẽ sớm có con”, bà Hường kể lại
Thế nhưng đợi mãi 3 năm vẫn không có kết quả. 2 vợ chồng ông bà động viên nhau đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng bác sĩ đều nói do tuổi cao nên khó có con, dù trứng còn nhiều.
Không từ bỏ hy vọng, năm 2013, ở tuổi 53, bà Hường quyết định đến BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Vợ chồng nữ bác sĩ Đinh Thị Hường hạnh phúc bên 2 con gái nhỏ chuẩn bị vào lớp 1.
May mắn, ngay lần đầu chuyển phôi, bà đã đậu cả 2 phôi. “Khi biết mình có thai, vợ chồng tôi sung sướng như trên mây, có lẽ chưa bao giờ có cảm giác hạnh phúc đến thế”- bà Hường cười tươi nhớ lại giây phút hạnh phúc đó
Dù mang thai ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng sức khoẻ bà Hường rất tốt, vẫn đi làm đến sát ngày sinh.
Đến tháng 11/2013, khi thai được gần 38 tuần, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai, 2 bé gái chào đời khoẻ mạnh với cân nặng lần lượt 3 kg và 2,5 kg khiến cả gia đình vỡ oà hạnh phúc. Bé lớn được đặt tên Nguyễn Thị Tố Nga (nặng 3 kg), bé nhỏ tên Nguyễn Thị Kim Ngân (2,5 kg).
Suốt 6 năm qua, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Minh và Hường luôn rộn rã tiếng cười.
“2 bé chậm đi, chậm nói hơn những đứa trẻ khác nên lần đầu tiên thấy con lẫm chẫm, thấy con bi bô, vợ chồng tôi nghẹn lại vì hạnh phúc quá”, bà Hường xúc động kể
Có những người nghe chuyện bà Hường lớn tuổi rồi mà vẫn sinh con đã lặn lội cách hàng trăm cây số đến hỏi bí quyết và ngắm nhìn những đứa con của vợ chồng bà.
Đứng bên cạnh vợ, ông Minh chia sẻ thêm với chúng tôi: Nhiều khi đi ra đường, hay đi họp phụ huynh cho con người ta cũng hỏi là ông bà đưa cháu đi chơi hay ông bà đi hợp cho cháu nhưng vợ chồng tôi chỉ cười trừ.
“Ở độ tuổi này mới có con mọn nên cũng khá vất vả. Hiếm có đêm nào hai vợ chồng được ngủ trọn vẹn một giấc, rồi những lúc con đau ốm vợ chồng tôi cũng lo đến mất ăn mất ngủ. Nhưng rồi nhìn hai con lớn khôn từng ngày, xinh xắn và nhanh nhẹn là mọi mệt mỏi đều tan biến. Chúng tôi thấy đó là cả một kỳ tích" - ông Minh hạnh phúc nhìn vợ và các con
Vợ chồng bà Hường chỉ mong sẽ mãi giữ được sức khoẻ để có thể chăm sóc, lo lắng 2 con đến tuổi trưởng thành. Giờ đã nghỉ hưu nhưng bà Hường vẫn đi làm thêm ở phòng khám tư để có thêm thu nhập, còn ông Minh ở nhà chăm lo cho con. Những ngày nay, cả gia đình 4 người đang tất bật chuẩn bị bút, sách để 2 cô con gái bước vào lớp 1
Được nghe tiếng trẻ bi bô trong nhà sau 23 năm khao khát
Cũng có mặt tại chương trình, câu chuyện “tìm được con yêu” sau 23 năm kể từ ngày con đầu lòng bị mất của vợ chồng anh Trần Xuân Chính 45 tuổi, chị Hoàng Thị Hạnh 43 tuổi, ở Văn Yên- Yên Bái đã tiếp thêm hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
Anh Chính và chị Hạnh lấy nhau năm 1995 khi chi mới 18 tuổi, còn anh 20 tuổi. Vợ chồng anh chị từng sinh con ngay sau khi cưới không lâu, nhưng niềm vui của anh Chính và chị Hạnh chưa kịp kéo dài thì bé qua đời khi mới hơn 1 tháng tuổi.
Chị Hạnh kể, mấy năm sau đó, anh chị đều “sinh hoạt bình thường” nhưng đềuu không thấy có con nữa, chạy chữa khắp nơi, năm 2000, anh Chính đưa vợ đến khám tại Bệnh viện Phụ sản TW. Các bác sĩ kết luận chị bị tắc vòi trứng, cũng thử các phương pháp điều trị nhưng không kết quả (kể cả đông y, tâm linh, ai mách đâu đi đấy).
“Mất vài năm ròng rã không có kết quả, 2 vợ chồng chúng tôi cũng nản, không chạy chữa ở đâu nữa. Mãi đến năm 2017, nghe thông tin biết BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội chữa vô sinh thành công nhiều trường hợp khó, kết quả cao. Hai vợ chồng bàn bạc để thực hiện thụ tinh trong ông nghiệm tại đây”, chị Hạnh kể
Chị Hoàng Thị Hạnh bế con gái nhỏ tên Bống- niềm hạnh phúc sau 23 năm khao khát của chị.
Tuy nhiên, làm lần đầu không thành công. Bác sĩ khuyên về 2 tháng hãy làm tiếp nhưng quá sốt ruột nên mới khoảng gần 1 tháng sau thất bại lần 1, vợ chồng anh Chính, chị Hạnh đã đến gặp bác sĩ xin chuyển phôi sớm, thụ tinh trong ống nghiệm lần 2. Kết quả được 6 phôi, đặt 3 phôi, còn 3 phôi trữ lại.
“Khi biết tin vợ có bầu, hai vợ chồng tôi mừng không tả nổi, gia đình hai bên nội ngoại cũng mừng nên đã làm hơn chục mâm cơm để chúc mừng niềm vui của vợ chồng tôi”, anh Chính kể lại
Trong suốt qúa trình mang thai, chị Hạnh rất khoẻ mạnh, đến tuần thai 38, chi đến BVĐK huyện Văn Yên mổ đẻ. Bé Bống- chào đời nặng 3,1 kg và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ cho đến hôm nay khi bé đã gần 1 tuổi.
Chia sẻ câu chuyện với chúng tôi, anh Chính và chị Hạnh cho biết, do anh chị làm nghề tự do nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc nên để có được hành trình tìm con yêu thành công như bây giờ, được tận hưởng niềm hạnh phúc khi có tiếng trẻ bi bô trong nhà, anh chị cũng từng vay mượn khắp nơi. Rồi trong suốt ngần ấy năm, giữa 2 vợ chồng cũng từng nảy sinh mâu thuẫn.
Thỉnh thoảng anh ra ngoài gặp bạn bè, vẫn hay bị bạn bè “khích” là lấy vợ hai đi. Có khi tâm lý anh không vững, tức ngay lúc đó nhưng sau khi về, ngủ 1 đêm thì “cục tức” tiêu tan dần, 2 vợ chồng vẫn quyết đồng hành cùng nhau và có được đứa con như hôm nay.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, vừa nhìn vợ và con với ánh mắt hạnh phúc, anh Chính cho biết 2 vợ chồng đang có kế hoạch khi cháu bé được 2 tuổi sẽ đến bệnh viện chuyển phôi lần nữa.