Thấy vợ lo cho nhà ngoại nhiều quá nên tôi khó chịu ra mặt.
Lấy nhau từ 2 bàn tay trắng, nhà nội và nhà ngoại đều nghèo nên sau đám cưới, vợ chồng xác định tự lập là chính. Thậm chí bố mẹ vợ còn rất khó khăn vì ông bà bị nhiều bệnh mãn tính, phải thuốc thang quanh năm. Còn nhà nội dù sao mẹ tôi vẫn có lương hưu dù không cao nên vẫn có đồng ra đồng vào.
Sau đám cưới, 2 vợ chồng xác định phải cố gắng làm lụng kiếm tiền nên kế hoạch đến 5 năm chưa dám sinh con. Sau 5 năm, vợ chồng cũng mua được căn nhà nhỏ 30m2 trong ngõ sâu. Tất nhiên để mua được nhà, 2 vợ chồng vẫn nợ 800 triệu. Chúng tôi vẫn phải tích cực làm lụng để trả nợ ngân hàng hàng tháng. Tuy vậy cả 2 yên tâm hơn vì có chỗ chui ra chui vào giữa thành phố đất chật người đông này.
Từ lúc mua được nhà xong, vợ chồng mới thoải mái chi tiêu hơn. (Ảnh minh họa)
Bước sang năm thứ 6 sau khi kết hôn, vợ chồng tôi mới dám thả và may mắn có tin vui. Dù bầu bí mệt mỏi và ốm nghén nhưng vợ vẫn cố đi làm, chẳng dám nghỉ ngày nào. Bởi lương tháng của tôi dành để trả nợ ngân hàng hơn nửa rồi, số còn lại dành tiết kiệm 1 khoản. Còn lương của vợ thì để 2 đứa tiêu pha hàng tháng. Thi thoảng về nội ngoại, vợ chồng chỉ biếu ông bà được vài trăm ngàn.
Từ lúc mua được nhà xong, vợ chồng mới thoải mái chi tiêu hơn. Nhưng để tiết kiệm tiền sinh con, vợ tôi vẫn thắt chặt lắm. Nhiều quần áo đã chật mà em cũng chẳng dám mua vài cái váy bầu mặc. Tôi nói mãi thì vợ mới chịu bỏ tiền ra sắm.
Dù vợ chồng chi tiêu eo hẹp như vậy nhưng có lúc tôi cũng muốn giúp đỡ cho ông bà nội. Với tôi, nhà nội đương nhiên phải ưu ái và lo toan nhiều hơn hẳn nhà ngoại rồi. Nghĩ thế nên tôi đề xuất với vợ bầu:
“Mấy năm nay ông bà nội già quá, dù cho ông bà vẫn có 4,6 triệu lương hưu nhưng anh nghĩ phận làm con nên gửi thêm về 3 triệu mỗi tháng để hỗ trợ ông bà sinh hoạt”.
Lời đề nghị này của tôi được vợ đồng tình. Cô ấy nói tôi làm sao thì làm vì giờ tiền nhà cũng chỉ nợ 800 triệu nên không quá áp lực với 2 đứa.
Được vợ đồng tình như vậy nên mỗi tháng tôi gửi cho ông bà nội 3 triệu để chi tiêu thêm.
3 tháng trước, mẹ vợ đi hái rau thì bị xe máy tông nên gãy chân không đi lại được, phải tạm thời ngồi xe lăn. Thương mẹ không làm được việc nên vợ tôi bàn với chồng bớt của bên nội 1 triệu và vợ chồng gửi thêm triệu nữa về cho bên ngoại vì ông bà ngoại khó khăn hơn. Như vậy mỗi bên ông bà sẽ gửi 2 triệu về hàng tháng.
Thấy vợ lo cho nhà ngoại sâu quá nên tôi khó chịu ra mặt. Tôi bảo tiền gửi về nhà nội không thể bớt được. Còn nhà ngoại chỉ cần gửi 1 triệu/tháng là được vì cô ấy là phận gái. Vợ không thèm đôi co lại nhưng nhìn vẻ mặt rất thái độ.
Tới hôm qua, vợ chồng đều được thưởng Tết dương lịch nhưng năm nay không về quê được bởi cô ấy sắp tới ngày dự sinh. Mấy hôm nay vợ tôi có nhiều dấu hiệu sắp sinh em bé như bụng bầu tụt xuống nhiều, bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn, mất nút nhầy cổ tử cung... Hiện vợ chồng đang đợi cơn gò tử cung chuyển dạ và vỡ ối là nhập viện đi đẻ.
Biết không thể về quê Tết dương lịch này nên tôi bảo vợ gửi về quê nội biếu ông bà 3 triệu. Không thấy chồng nhắc tới chuyện gửi biếu nhà ngoại nên cô ấy làm ầm lên:
“Anh gửi luôn 30 triệu về mà biếu ông bà nội đi. Anh cứ đòi vợ phải lo hết cho bên nhà chồng thế còn bố mẹ tôi để cho thiên hạ lo à? Nếu không gửi biếu cho cả nhà ngoại ngần ấy tiền nữa thì từ giờ bố mẹ ai người ấy chăm, tiền ai người ấy tiêu cho dễ”.
Chẳng làm gì sai mà vợ bầu sắp đẻ của tôi cứ lầm lì. (Ảnh minh họa)
Rồi vợ tôi cứ lầm lì không nói năng gì, nhìn cái mặt đến là ghét. Thậm chí tôi đã xuống nước làm lành mà vợ cũng không chịu. Tôi hỏi cô ấy có dấu hiệu chuyển dạ gì chưa nhưng vợ không thèm trả lời. Tôi phải làm thế nào đây, làm sao để biết vợ sắp chuyển dạ sinh em bé để kịp thời đưa cô ấy vào viện?
Dấu hiệu nhận biết vợ bầu chuyển dạ sắp sinh em bé
Việc trang bị các kiến thức liên quan đến quá trình chuyển dạ sẽ giúp mẹ bầu có được tâm lý vững vàng và sẵn sàng cho cuộc “vượt cạn” nhẹ nhàng sắp tới.
Bụng bầu tụt xuống
Ở những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ dần dịch chuyển xuống khu vực xương chậu của mẹ để sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ.
Sau khi đầu thai nhi di chuyển vào xương chậu, mẹ bầu sẽ cảm giác dường như bụng mình đang dài ra hơn. Lúc này phần đầu của trẻ sẽ chèn vào bàng quang khiến mẹ bầu liên tục buồn tiểu và đi tiểu thường xuyên hơn. Tin vui là cũng trong thời điểm này, mẹ bầu sẽ có cảm giác dễ thở hơn vì cơ hoành đã được giảm áp lực từ thai nhi. Đồng thời, khi bụng dưới sa xuống, mẹ có thể ăn nhiều hơn so với mức ăn ở tam cá nguyệt thứ ba bởi vì áp lực tác động vào dạ dày cũng đã được giảm bớt đáng kể.
Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn
Bước vào giai đoạn tiền chuyển dạ, mẹ bầu sẽ cảm thấy thường xuyên bị chuột rút, đau lưng, đau xương mu, hai bên hông và háng nhiều hơn. Lý do là trong giai đoạn này, các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra để chuẩn bị cho bé chào đời.
Tiêu chảy, uể oải
Do các cơ trong tử cung của sản phụ đang giãn ra, chuẩn bị cho việc sinh nở nên làm cho toàn bộ cơ trong cơ thể cũng được “nghỉ ngơi”, trong đó có cả vùng trực tràng. Bên cạnh đó, khi cận ngày sinh, đường ruột của mẹ bầu sẽ nhận được các tín hiệu từ cơ thể và có cơ chế ‘tự vệ sinh” để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn. Sản phụ sẽ gặp tình trạng đi tiêu lỏng hơn, điều này là hoàn toàn bình thường báo hiệu sắp sinh.
Mẹ bầu chậm hoặc ngừng tăng cân
Khác với các kỳ tam cá nguyệt trước đó, giai đoạn tam cá nguyệt cuối cùng, cân nặng mẹ bầu có xu hướng tăng chậm lại, thậm chí chững cân. Nguyên nhân là do lượng chất lỏng trong cơ thể giảm đi do lượng nước ối giảm xuống, hoặc do sự tác động của các hoocmon nội tiết tố nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ.
Xuất hiện sữa non
Thông thường các mẹ có sữa non khoảng trước khi sinh 2-3 tuần và sữa ở thai con rạ sẽ nhiều hơn thai con so. Sữa non cung cấp lượng kháng thể lớn cho bé. Đây có thể được coi là một loại vắc xin tự nhiên an toàn tuyệt đối với trẻ sơ sinh.
Mất nút nhầy
Nhiều sản phụ có tình trạng ra nhớt âm đạo trong suốt thai kỳ, do đó khó xác định khi nào nút nhầy cổ tử cung được giải phóng. Có vài đặc điểm của nút nhầy có thể phân biệt so với nhớt âm đạo ví dụ như đặc và giống như thạch. Nút nhầy này cũng có thể có màu hồng, lấm tấm máu hoặc trong suốt. Nút nhầy tử cung cũng có thể bong sau khi sản phụ được bác sĩ khám cổ tử cung hoặc do quá trình quan hệ tình dục vào những tháng cuối thai kỳ.
Cơn gò tử cung chuyển dạ
Đây là một trong những dấu hiệu chuyển dạ thường gặp. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng phân biệt được đâu là cơn gò tử cung chuyển dạ và đâu là cơn gò sinh lý. Cơn gò sinh lý hay còn gọi là cơn gò chuyển dạ giả thường xuất hiện vào khoảng tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, không đều và không có tính chu kỳ. Cơn gò kéo dài khoảng 30 giây, xuất hiện bất ngờ và tự biến mất, không có cảm giác đau.
Cơn gò tử cung chuyển dạ thật thì thường xuất hiện sau 37 tuần. Biểu hiện điển hình là đau vùng bụng dưới, bụng gò cứng và thành cơn (5 - 10 phút/lần), cường độ đau ngày càng mạnh và tần suất dày hơn, ra nhầy hồng âm đạo hoặc ra ối.
Vỡ ối
Đây chính là dấu hiệu sắp sinh rõ ràng nhất cho thấy thai phụ bắt đầu chuyển dạ. Tùy tình trạng thai kỳ mà nước ối chảy nhiều hay ít. Thông thường khi túi ối vỡ ra, mẹ bầu sẽ có cảm giác một dòng nước chảy ra nhanh và mạnh từ đường âm đạo nhưng không hề thấy đau đớn.
Hoặc ở một số mẹ bầu khác chỉ thấy nước chảy ra thành dòng nhỏ, chầm chậm xuống dưới chân. Vỡ ối ở bất kỳ thời điểm nào đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi và tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập bởi vậy khi có dấu hiệu vỡ ối mẹ cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế uy tín.
Cổ tử cung mở ngay từ khi bắt đầu quá trình chuyển dạ do chịu áp lực từ các cơ co bóp. Tử cung mỏng dần để em bé có thể chui qua đường âm đạo ra ngoài, chào đời thuận lợi. Cổ tử cung từ đóng kín đến mở hoàn toàn sẽ diễn ra trong 4 giai đoạn:
- Giai đoạn chuyển dạ sớm: Mở 0-3 cm
- Giai đoạn chuyển dạ tích cực: Mở 4-7 cm
- Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp: Mở 7-9 cm
- Giai đoạn mở hoàn toàn: 10 cm, em bé sẵn sàng chào đời ngay sau đó.