Sau khi thử thai lên hai vạch và thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, bình thường, bà mẹ này đã chủ quan không đi khám thai cho đến tận 6 tháng.
Khi mang thai, việc đi siêu âm và thăm khám đầy đủ, đúng lịch rất cần thiết. Mẹ không thể dựa vào cảm giác và kinh nghiệm của bản thân để phán đoán tình hình phát triển của em bé được. Như bà mẹ dưới đây đã nhận một cú sốc lớn khi đi siêu âm lần đầu sau 6 tháng mang bầu.
Chị Lan (28 tuổi, sống tại Trùng Khánh, Trung Quốc) đã có một cậu con trai đầu lòng. Cách đây 6 tháng, chị bỗng phát hiện mình bị trễ kinh nên đi mua que thử thai về thử. Sau khi que thử cho kết quả hai vạch, chồng chị giục đi bệnh viện khám nhưng chị Lan gạt đi: "Em đẻ một lần rồi em có kinh nghiệm mà, khỏe mạnh thế này đi khám làm gì cho tốn tiền. Đến khi nào em cần đi khám em tự biết".
Lần mang bầu thứ 2 này, chị Lan thấy mình ốm nghén và mệt mỏi hơn hẳn lần đầu nhưng chị chỉ nghĩ có lẽ mình mang bầu con gái nên có sự thay đổi. Cùng với đó, chị cũng tăng cân khá nhanh, mới 6 tháng mà chân tay đã có dấu hiệu bị phù. Một hôm, chị Lan phát hiện mình ra máu bất thường nên chồng nhất quyết đưa chị đến bệnh viện kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi tiến hành siêu âm, bác sĩ nói một câu khiến hai vợ chồng đứng hình: "Không có thai nhi nào cả".
Bụng chị Lan rất lớn nhưng bác sĩ siêu âm lại nói không có thai nhi bên trong.
Nhìn vào hình ảnh siêu âm, bác sĩ nhận ra trong bụng người vợ không hề có phôi thai mà chỉ là những khối u nhỏ chi chít như trứng ếch. Đây là một hiện tượng bất thường của thai kỳ với tên gọi là mang thai trứng. Chị Lan sau đó lập tức được chuyển sang phòng cấp cứu để phẫu thuật loại bỏ "thai trứng" này. Tuy nhiên vì phát hiện muộn, khối y đã lan rộng khắp tử cung nên cuối cùng bác sĩ phải cắt bỏ tử cung để giữ tính mạng cho chị. Vậy là cơ hội có con lần 2 của vợ chồng chị cũng không còn.
Hình ảnh siêu âm trong một ca mang thai trứng. (Ảnh minh họa)
Mang thai trứng là gì?
Mang thai trứng (hay còn gọi là chửa trứng) là do sự phát triển bất thường của nhau thai. Nguyên bào nuôi của gai nhau phát triển quá nhanh, các tổ chức liên kết và mạch máu trong gai nhau phát triển không kịp, do vậy các gai nhau sẽ thoái hóa thành các bọng nước.
Chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trước tuổi 20 và sau 40. Chửa trứng có hai dạng là chửa trứng toàn phần (không có thai nhi) và chửa trứng bán phần (có thai nhi hoặc một phần thai nhi). Đa số trường hợp là lành tính. Tuy nhiên nếu không theo dõi và điều trị đúng, 10-30% ca chửa trứng có thể thành ác tính.
Chửa trứng ác tính khi lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài, tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung gây biến chứng nguy hiểm như thủng lớp cơ tử cung, chảy máu trong ổ bụng, thậm chí tiến triển thành ung thư tế bào nuôi.
Khi chửa trứng, bệnh nhân vẫn có dấu hiệu mang thai như tắt kinh, nghén, vú căng. Tuy nhiên nghén nặng hơn và bụng to nhanh hơn bình thường.