Sau khi vợ sinh con đầu lòng là con gái, người chồng đã ép cô mang bầu tiếp sớm nếu không sẽ ly hôn.
Sau khi sinh, người phụ nữ cần có thời gian nghỉ ngơi để cơ thể và tinh thần hồi phục. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo nên chờ ít nhất 1 năm sau sinh thường và 2 năm sau sinh mổ mới mang bầu tiếp. Tuy nhiên nhiều người vẫn bất chấp không tuân theo lời khuyến cáo này và cuối cùng nhận hậu quả đau lòng.
Tiểu Thanh (sống tại Hà Nam, Trung Quốc) sinh con gái đầu lòng cách đây gần 2 năm bằng phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ" nên chồng cô không hài lòng và liên tục ép cô phải nhanh chóng mang bầu bé thứ 2. Thậm chí anh này con dọa nếu Tiểu Thanh không bầu được thì sẽ ly hôn để anh lấy vợ khác. Với tính cách khá nhu nhược, Tiểu Thanh đã thỏa hiệp và mang thai lần 2 sau khi sinh con đầu lòng được hơn 5 tháng. Trong thời gian mang thai, cô không bao giờ bước chân ra khỏi cửa, ngoan ngoãn ở nhà dưỡng thai.
Chồng Tiểu Thanh không hài lòng khi cô sinh con gái nên ép mang bầu lần 2 luôn. (Ảnh minh họa)
Thai kỳ trải qua suôn sẻ nhưng đến cách ngày dự sinh 10 ngày thì đột nhiên nửa đêm Tiểu Thanh bị đau nhói bụng. Nhìn cô đau đến vã mồ hôi, chồng hoảng hốt gọi cấp cứu đưa đến bệnh viện, nghĩ là vợ sắp sinh. Vậy nhưng không ngờ ngay trên xe cấp cứu, Tiểu Thanh đã trút hơi thở cuối cùng.
Khi đến bệnh viện, bác sĩ kiểm tra cho biết cả hai mẹ con Tiểu Thanh đều đã không còn sự sống. Vậy nhưng chồng cô vẫn khăng khăng đòi mổ tử thi để lấy cháu ra ngoài. Anh không cam tâm, nghĩ rằng thai nhi đã 9 tháng và chỉ trong vài chục phút mẹ mất thì chắc chắn vẫn còn sống.
Khi Tiểu Thanh qua đời, chồng cô kiên quyết đòi mổ để lấy thai nhi ra ngoài.
Bác sĩ cuối cùng đành chiều theo ý nguyện của gia đình. Khi bác sĩ tiến hành phẫu thuật đẻ mổ thì trong bụng Tiểu Thanh là cảnh tượng khiến họ sững sờ và xót xa. Tử cung sản phụ đã bị vỡ, em bé trượt ra khoang bụng và cũng đã không qua khỏi vì thiếu oxy. Mà nguyên nhân vỡ tử cung chính là vì mang bầu quá sớm sau sinh mổ, khi vết mổ cũ còn chưa lành hẳn.
Nghe những lời bác sĩ nói, chồng Tiểu Thanh mới ôm đầu hối hận, tự trách mình đã ép vợ sinh con đến mức mất mạng.
Những ảnh hưởng khi mang thai quá sớm sau sinh mổ
Đối với mẹ
- Nguy cơ bục vết sẹo mổ cũ: Là một tai biến sản khoa nguy hiểm, thường xảy ra ở những phụ nữ đã từng có sẹo mổ ở tử cung như mổ lấy thai hay mổ u cắt u xơ tử cung... Hiện tượng bục vết mổ cũ có thể xuất hiện trong quá trình chuyển dạ sinh, nhất là khi cơn co mạnh.
- Đau vết mổ trong quá trình mang thai: Do vết mổ chưa lành hẳn nên có thể gây đau cho mẹ.
- Mẹ không có đủ sức khỏe và thời gian vừa chăm con nhỏ vừa dưỡng thai tốt.
- Tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau bám thấp và nếu đẻ mổ nhiều lần nguy cơ rau cài răng lược rất cao. Những trường hợp bất thường về vị trí bám của rau gây nguy cơ chảy máu nặng khi sinh.
- Nguy cơ thai bám vào sẹo mổ cũ: Là một tình trạng rất nguy hiểm, tuy nhiên khá hiếm gặp. Thai có thể bám và làm tổ ngay trên vết mổ cũ, ở giai đoạn sớm gây ra chảy máu nặng và thường phải bỏ thai hoặc có trường hợp bánh nhau bám sâu vào cơ tử cung tại vết sẹo mổ cũ, khi đó các gai rau sẽ ăn sâu vào cơ tử cung gây tình trạng cài răng lược thậm chí xuyên thủng tử cung gây chảy máu có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Đối với thai nhi
- Trẻ có nguy cơ sinh non rất cao: Trẻ phát triển chưa đầy đủ gây nhiều nguy cơ bệnh cho trẻ sau này.
- Nếu có tình trạng nhau tiền đạo cài răng lược nguy cơ: Thai non tháng, kém phát triển, thiếu máu, tỉ lệ tử vong sơ sinh cao.
- Ngoài ra đối với bé còn đang bú mẹ nguy cơ mất nguồn sữa mẹ, có thể không được chăm sóc đầy đủ.
Các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên đợi ít nhất 2 năm sau khi sinh mổ để vết sẹo và sức khỏe hoàn toàn ổn định mời mang thai lại.