Lúc que thử thai hiện lên 2 vạch, bà mẹ này đã bị sốc nặng bởi cô không ngờ là mình lại mang thai dày như thế.
Sau khi sinh con, ngoài công việc chăm sóc con cái, lấy lại vóc dáng ra, chuyện mà các bà mẹ đặc biệt quan tâm tiếp theo đó chính là cách phòng tránh thai. Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp phòng tránh thai mà dù bạn đang cho con bú vẫn có thể sử dụng được, chẳng hạn như đặt vòng, dùng bao cao su, uống thuốc ngừa thai hàng ngày loại dành cho phụ nữ đang cho con bú…
Song, có thể vì lu bu nhiều việc hoặc một số bà mẹ cho rằng mình sẽ không thể có thai ngay sau khi vừa sinh con nên đã “quên” mất chuyện tránh thai. Và cuộc sống của gia đình sẽ đảo lộn khi con chưa đầy năm mẹ đã mang bầu vài tháng, giống như câu chuyện của một bà mẹ 9X sinh sống ở Trung Quốc sau đây:
Chị Tiêu Linh và chồng vốn là thanh mai trúc mã của nhau. Sau khi kết hôn 2 năm, Tiêu Linh mang thai con gái đầu lòng. Với sự giúp đỡ của bố mẹ chồng, nhà lại có điều kiện kinh tế, thai kỳ của bà mẹ này trôi qua nhẹ nhàng và suôn sẻ. Vì còn trẻ lại được bồi bổ và nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể Tiêu Linh gần như đã phục hồi hoàn toàn sau một tháng sinh con.
Vừa sinh con gái được 4 tháng, Tiêu Linh đã mang thai cặp song sinh được 3 tháng (Ảnh minh họa)
3 tháng sau, đột nhiên Tiêu Linh bị buồn nôn, mệt mỏi giống như ốm nghén. Cảm thấy có gì đó không ổn, cô liền đi mua que thử thai, và sửng sốt khi thấy trên que thử hiện lên 2 vạch đậm nét đỏ chót.
Quá lo lắng, hôm sau Tiêu Linh liền đến bệnh viện kiểm tra cho chính xác. Bác sĩ thông báo cô đã mang thai 3 tháng. Tiêu Linh bị sốc nặng vì con gái mới sinh được hơn 4 tháng mà cô đã mang thai lần thứ hai được 3 tháng. Không chỉ vậy, đây còn là cặp song sinh nữa. Tin tức này khiến cả nhà Tiêu Linh náo loạn.
Sau khi hai cậu con trai song sinh chào đời, Tiêu Linh gần như biến thành một người khác hẳn. Vì chưa kịp phục hồi hoàn toàn đã mang thai sinh đôi nên sức khỏe cô “xuống dốc” trầm trọng. Đồng thời, phải chăm 3 đứa trẻ dưới 2 tuổi cùng một lúc khiến bà mẹ này kiệt sức. Dù đã được mẹ chồng phụ giúp nhưng Tiêu Linh vẫn gày gò, xơ xác, thiếu sức sống vì mất ăn mất ngủ để chăm con.
"Đẻ dày" gây tổn hại đến sức khỏe của người mẹ và em bé như thế nào?
Mặc dù không có quy định cụ thể giữa mỗi lần mang thai phải cách nhau bao lâu vì nó phụ thuộc vào sự phục hồi, sự sẵn sàng của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, dù có “nôn” có con đến thế nào đi nữa thì bạn cũng cần phải cho cơ thể thời gian ít nhất là 1 năm để nghỉ ngơi sau một lần mang thai và vượt cạn đầy khó nhọc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã từng đưa ra khuyến cáo rằng các cặp vợ chồng nên đợi ít nhất một năm, mà lý tưởng nhất là 18 tháng sau khi sinh con trước khi mang thai lại lần nữa. Bởi vì thụ thai trong vòng 18 tháng sau sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng trong lần mang thai tiếp theo.
Đẻ quá dày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe của em bé về lâu dài (Ảnh minh họa).
Người mẹ có thể sẽ gặp phải tình trạng viêm nhiễm tử cung do bộ phận này chưa quay trở về lại hoàn toàn trạng thái ban đầu và sẵn sàng mang em bé thêm một lần nữa. Bên cạnh đó, cơ thể của mẹ bầu sẽ yếu ớt do không có đủ thời gian để bổ sung vitamin, dưỡng chất cần thiết cho lần mang thai sau.
Trong khi đó, axit folic rất quan trọng vì nó giúp làm giảm nguy cơ em bé bị dị tật bẩm sinh về não và cột sống mà gọi chung là khuyết tật ống thần kinh. Nếu bạn mang thai quá sớm, nồng độ axit folic trong cơ thể thấp, em bé tiếp theo có nhiều khả năng bị sinh non hoặc nhẹ cân. Điều này dẫn đến việc bé có thể bị mắc các bệnh hen suyễn, chậm phát triển, giảm thị lực, khuyết tật thính giác…
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp “đẻ dày” đều gặp phải những vấn đề này. Trên thực tế vẫn có những em bé khỏe mạnh chào đời dù chỉ cách anh chị của mình vài tháng tuổi. Nhưng các chuyên gia vẫn khuyên các bà mẹ không nên mang thai ngay sau khi sinh, đặc biệt là trong 6 tháng đầu kể từ lúc mới lâm bồn.