Hành động không nề hà bất cứ việc gì, kể cả chứng kiến vùng kín của vợ tan nát của anh chồng khiến các bà mẹ đặc biệt xúc động.
Dù giàu hay nghèo, một người mẹ vẫn luôn cần có người ở bên cùng mình vượt qua những giai đoạn đau đớn và cùng chăm lo, nuôi dạy con cái. Nếu đó là một anh chồng biết thương và thông cảm cho những nhọc nhằn của vợ, sẵn sàng gánh hết mọi việc nhỏ nhặt như cho con uống sữa, thức đêm bế con… chỉ mong vợ có những giấc ngủ đủ đầy thì lại càng thật tuyệt. Đó hẳn là lý do mà mỗi khi trong cộng đồng mạng xuất hiện một anh chồng nhà người ta như vậy đưa vợ đi sinh, các mẹ lại xúc động, rần rần chia sẻ và ước ao. Anh chồng của ngày hôm nay không là ngoại lệ.
Anh chồng không nề hà vệ sinh vùng kín cho vợ khi đi sinh con đang là tiêu điểm của cộng đồng các mẹ.
Ông bố trẻ dù xăm trổ đầy người nhưng vẫn thể hiện sự nhẹ nhàng, ân cần và thậm chí phấn chấn, vui vẻ khi được làm các việc như: vệ sinh vùng kín cho vợ, thay tã bỉm cho con, cho con bú sữa, bế con dỗ dành, vác đồ…
Người mẹ đương nhiên là rất hạnh phúc vì những điều đó, nên đã lên mạng chia sẻ trong một hội nhóm: “Bao năm bên nhau vẫn vậy, chăm cho vợ từng miếng ăn giấc ngủ. Và giây phút vượt cạn chưa bao giờ phải một mình, chờ 6 tiếng đón vợ từ phòng hồi sức, tự tay rửa vùng kín, thay bỉm, vệ sinh vết thương, con cái ăn ngủ gì cũng đều là chồng. Cuộc đời này làm gì cũng sai, chỉ có lấy người đàn ông này là đúng đắn nhất. Cảm ơn người đàn ông của em thật nhiều!”.
Quả thật lúc đưa vợ đi sinh là khoảnh khắc chứng minh tình cảm rõ ràng nhất của một người chồng. Bởi những người thương vợ thực sự sẽ không nề hà gì bất kỳ việc nào như rửa vùng kín, bế vợ đi vệ sinh, chăm con, hay thậm chí là sẵn sàng dùng miệng kích sữa cho vợ trước mặt bao nhiêu người… Khi ấy, người chồng chỉ còn biết vợ mình mà không màng đến những ánh mắt xung quanh, hay cảm giác ghê người chứng kiến khoảnh khắc vợ tan hoang, xấu xí nhất. Chỉ mong mẹ tròn con vuông, được nhanh chóng đón vợ con về nhà là đủ. Đó là điều kiện cần đầu tiên của một người chồng tốt.
Anh còn rất khéo trong chăm con.
Tất nhiên, các bà mẹ đã trải qua sinh đẻ đều nhất loạt đồng ý với điều này. Chẳng thế mà những bức ảnh của “ông chồng nhà người ta” tưởng chừng đơn giản ấy lại được truyền tay khắp các group hội các mẹ, nhiều người “vứt hết sĩ diện” nhận vơ là chồng mình và cuối cùng thậm chí còn không biết ai là chủ nhân thực sự của câu chuyện này. Các topic chia sẻ qua lại khắp các group này là trùng lặp, nhưng các mẹ vẫn like không ngừng. Ở mỗi lượt đăng đều thu hút gần chục nghìn lượt yêu thích. Có lẽ sâu xa cho cùng, các mẹ đều ước muốn tìm được một người chồng như vậy, dù làm gì cũng sai nhưng giá như việc chọn chồng là đúng để có thể nương tựa cả đời.
Phía dưới câu chuyện của ông bố nhà người ta, các mẹ thể hiện sự ngưỡng mộ và khẳng định “chồng nhà người ta chưa bao giờ làm mình thất vọng”: “Xem ảnh ông ấy rửa cho vợ mà cười như vớ được vàng”; “Lấy được chồng như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Chúc 2 bạn mãi hạnh phúc bên nhau. Thường ít người đàn ông nào có thể quan tâm yêu thương vợ con được như vậy, nên hãy trân trọng những gì bạn đang có”; “Cảm ơn cuộc đời vì vẫn còn những người đàn ông thương vợ và biết chăm con như chồng chị”; “Có một người chồng như vậy là sướng cả cuộc đời, dù nghèo nhưng cũng mãn nguyện”…
Cũng không ít mẹ chia sẻ câu chuyện đi sinh hạnh phúc tương tự của mình. Dưới đây là một số ví dụ trong những câu chuyện như thế:
“Chồng mình cũng vậy các mẹ ạ. Từ lúc sinh con đến bây giờ em chưa chăm con đêm nào, toàn bố chăm thôi. Em cứ thẳng giấc mà ngủ đến sáng dậy cho con ti mẹ”.
Và thêm hình ảnh một ông chồng khác rửa vùng kín cho vợ.
“Chồng mình không thay bỉm, không bế con lúc ở viện vì mới lần đầu chưa quen, lại ỉ vào bà ngoại. Nhưng xuất viện về nhà thì đúng như anh chồng này luôn, thương vợ con, chăm vợ con, ru con ngủ cho vợ… Vợ đi làm, chồng cũng đi làm, mà con thức vẫn mang con xuống nhà ru để vợ ngủ, sợ vợ mất giấc. Mỗi cái ở xa bố mẹ đẻ thôi, chứ chồng thì cũng rất tốt”.
“Giống mình quá, vợ vào phòng sinh cứ ngó ngó vào. Bác sĩ không cho vào ngồi ngoài khóc. Tất cả việc vệ sinh, thay quần áo cho vợ, bỉm tã cho con, giặt quần áo của hai mẹ con hay nấu cơm… một tay chồng mình lo hết. Chồng chỉ nhờ bà nội với bà ngoại tắm cho con vì chồng mình thấy con nhỏ chân tay chưa cứng không dám bế để tắm cho con”.
“Chồng mình cũng vậy, giờ con 1 tuổi rồi sáng vẫn dậy sớm rửa bình sữa rồi luộc xong xuôi hết mới lên bế con, xuống thay đồ và gọi vợ dậy”.
Nhưng cũng không ít các mẹ chạnh lòng nghĩ về hoàn cảnh tủi thân của mình:
“Mình đi sinh với chồng. Chồng ra nằm phòng hồi sức. Mình chờ chồng dài cổ mấy tiếng chồng vẫn không đem đồ vào cho mình vệ sinh. Bác sĩ thông báo mấy chục lần mới vào. Ông ném cho mình bao vệ sinh rồi ra ngoài. Đi đẻ mà thấy tủi thân. Không có ai ngoài chồng mà chồng thì vô tâm. Nhìn qua thấy chồng người ta vệ sinh cho vợ mà mình thật buồn. Chủ top thật may mắn”.
“Trước mình cũng vậy, bây giờ mọc sừng to trên đầu. Nói chung rất mất niềm tin vào đàn ông”.
“Bế con còn không có chứ đừng nói tới làm mấy việc như này”.
“Đi mua cơm cho vợ đẻ còn cằn nhằn từ sáng tới chiều chưa xong. Lý do là kêu đi mua ngay lúc đang chơi game. Chứ mà kêu làm mấy việc như này chắc chắn cũng bảo việc này của mẹ, của đàn bà làm chứ đàn ông không làm”.
Và cuối cùng, các anh chồng ạ, những lần vợ đi sinh con chỉ có vài lần nhưng sẽ mang ấn tượng suốt cả cuộc đời. Nếu tự tay chăm được vợ, các bà mẹ sẽ cảm kích và dù cho thế nào cũng cảm thấy may mắn và được yêu thương, lựa chọn đúng người chồng. Đó mới là điều khiến các bà bầu mong chờ và các bà mẹ khắc ghi chứ không phải việc đao to búa gì như hình dung phần lớn của các anh!