Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con

Ngày 18/06/2020 06:34 AM (GMT+7)

Chứng kiến sự hi sinh của vợ, anh Huy nhiều lần không cầm được nước mắt. Anh tin rằng những việc mình làm không thể so được với những gì vợ đã trải qua để sinh cho anh một đứa con.

Khi người đàn ông khóc vì chuyện khác thì không biết thế nào, nhưng khóc vì thương và lo lắng cho vợ thì đó chắc chắn phải là một “ông chồng vàng 10”. Rất nhiều chị em đã quả quyết như vậy, đặc biệt sau khi nghe anh Trần Thanh Huy (hiện đang sống tại Tp.HCM) chia sẻ lại hành trình đưa vợ đi đẻ. Bắt đầu từ ngày vợ báo que thử thai 2 vạch cho đến khi đưa vợ đi sinh, túc trực chăm lo từng chút trong bệnh viện hay chăm sóc giai đoạn hậu sản của vợ, anh Thanh Huy không ít lần rơi nước mắt. Anh xúc động vì được lên chức bố và thương xót sự hi sinh của vợ.

Xin được đăng tải lại nhật ký chăm vợ bầu bí, sinh nở của anh Huy, để các ông bố khác có thể học tập, và các bà mẹ khác có quyền tin về một hạnh phúc có thật như thế:

Cười ha ha rồi xúc động khóc vì lên chức bố

Khi vợ chụp hình que thử thai 1 vạch mờ 1 vạch nhạt, mình chạy thẳng ra tiệm thuốc gần nhà để hỏi các chị. Các chị bảo vậy là có rồi. Mình cười ha ha rồi lại xúc động khóc hồi nào giữa tiệm thuốc. Sau đó là chuỗi ngày tìm hiểu chỗ khám thai, kiến thức thai giáo, chế độ ăn uống, chăm sóc bà bầu… đặng đỡ bỡ ngỡ khi chăm vợ.

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 1

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 2

Anh Huy chăm vợ từ ngày đầu cho đến khi đi sinh.

Vợ mình bị tiểu đường thai kỳ, phải hạn chế ăn tinh bột và đường vì ăn nhiều con sẽ to mà không khỏe mạnh. 3 tháng cuối vợ phải kiêng rất khổ, dù rất thèm đồ ngọt. Cả nhà cùng cắt, vợ ăn gì thì mình ăn đó chứ không ăn ngọt gì trước mặt vợ.

Vợ hay lo lắng quá về con nên tháng cuối không thấy con đạp thì than thở, lo lắng. Mình liền tìm mua máy đo tim thai cầm tay để theo dõi nhịp tim con. Mỗi ngày, đều đặn sau 3 lần cơm nước, hai vợ chồng lại vạch bụng ra đo 20-30s rồi mới yên tâm cho tới ngày cuối sinh.

Ngày vợ vỡ ối, mình đang ở ngoài, nhưng nghe vợ gọi là bỏ hết đấy. Nghe vợ gọi: “Anh ơi, hình như vỡ ối rồi. Em gọi bác Thắm (bác sĩ đỡ đẻ) nói vậy là vỡ rồi”. Mình trả lời ngay: “Em soạn đồ, anh gọi xe liền. A tới nhà là xe tới nhà luôn rồi cùng vào viện”. Chỉ mất 30 phút sau, 2 vợ chồng đã có mặt ở viện.

Đêm đầu tiên vợ chồng không ở chung là đêm đi đẻ

Mình ngồi trong phòng chờ từ 7h tối 1/5 đến sáng 2/5, cảm giác lạnh vì điều hòa và vì cả cô đơn, lo lắng. Suốt 3 năm bên nhau, đây là đêm đầu tiên 2 đứa không ở cùng, chỉ biết nhìn màn hình tên vợ và tình trạng. Buồn ngủ mà không dám ngủ vì không biết sinh lúc nào, nhỡ mình không nghe tiếng chuông điện thoại hay thông báo thì sao. Vậy là cứ trằn trọc, thức trắng cả đêm.

6h30 sáng 2/5, bác sĩ gọi mình, mình thấp thỏm vì thấy lạ. Thường sinh xong thì trên màn hình có chữ: “Đang mổ” hoặc “sinh xong”. Nhưng vẫn còn chữ “tiếp nhận” khi gọi mình. Vào đến nơi, bác sĩ thông báo cần mổ gấp vì thai loạn nhịp tim. Mình phải ký giấy chịu trách nhiệm, vừa ký vừa khóc, ướt nhẹp tới cổ.

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 3

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 4

Ký xong, mình năm nỉ được gặp vợ. Vào nhìn vợ với đống dây rợ trên người, mình không dám nhìn vào mắt em. Sợ lắm, mình cứ thế khóc òa lên, rồi nắm tay vợ nói: “Em cố gắng nha” rồi quay đi. Ra ngoài ngó nhìn em lần nữa rồi chạy thẳng ra ngoài nhìn cửa sổ khóc 1 mạch, thầm cầu nguyện mẹ tròn con vuông.

Thế mà trước đó còn gắng động viên vợ: “Nếu có mổ, anh xem trên youtube người ta rạch rồi bắt con rồi may lại trong 1 phút là xong. Nhanh lắm, em đừng lo”. Cảm giác thật bất lực, muốn vào cùng vợ nhưng chỉ nhận được lời đáp: “đẻ thường mới cho vào, mổ thì không được”. Lại chỉ biết đi ra ngoài, đứng khóc một mình như đứa con nít.

Ơn trời rồi cũng xong! Bác sĩ thông báo qua điện thoại: “Phải người nhà Thuỷ Tuyên không? Anh vui lòng tới phòng hậu sản lầu 4”. Mình chạy vào, vợ vẫn thức, con gái bé bỏng nằm cạnh bên, mình thở phào nhẹ nhõm.

Các chị hộ sinh bảo nằm chờ xíu, có phòng trống ở lầu 3 sẽ đưa xuống. Lúc đó là 8h sáng, mình chăm vợ tới 3h chiều được đưa xuống phòng hậu sản. Vì sinh vào dịp cách ly xã hội nên chỉ cho 1 người ở lại chăm bà đẻ. Mình một mình chăm cả vợ, cả con.

Mình lau bụng vợ, từ những ngày đầu tiên sau mổ, vạch ra là thấy tội nghiệp, chỉ biết nhìn lặng rồi vệ sinh thiệt nhanh. Chị hộ sinh còn bảo “Lau ít thôi ông ơi, sạch chi quá vậy!”. 

Hai ngày đầu trôi qua nhẹ nhàng với quy trình 2 tiếng cho con bú 1 lần, chăm vợ từ A-Z. Mình mệt nhưng vui, vì vợ đã sinh cho mình đứa con, phải chịu khổ và đau nhiều. Những việc như đưa nước, bưng cơm, dìu vợ đi vệ sinh, thay bỉm cho vợ hay chăm con là việc quá nhỏ nếu so với vợ. Mình chăm vợ kỹ, mấy chị hộ sinh còn đùa: “Chăm vợ kỹ quá. Này vợ thật có phúc”. Nhưng mình thấy mình có phúc hơn cả.

Sinh xong chưa phải là tất cả

Đó là điều mình hiểu được khi đồng hành bên vợ sau sinh.

Chuỗi ngày không may kéo đến sau đó. So với các mẹ khác, vợ mình khổ quá. Khi thai kỳ dính tiểu đường, phải kiêng cữ. Sinh thường không được lại phải ăn trọn combo sinh thường – tiêm thuốc sinh thường – gây tê màng cứng để mổ vì sau 24 tiếng trên bàn đẻ, cổ tử cung mở ít, nhịp tim con loạn. Sau khi sinh thì bị đau đầu nặng, có những lúc đỉnh điểm không lắc đầu qua lại, không thể xoay cổ kể cả tiểu tiện, không khác gì bị liệt.

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 5

Vợ đau đầu phải thử mọi cách để bớt đau, như là gội đầu, trùm chăn tránh hơi lạnh...

Mình phải chăm vợ tiểu tiện, ăn, lau vết thương, thay tã sản dịch ngay tại giường. 30-50 phút vợ tiểu 1 lần thì bê bô tiểu nằm lên rồi chờ tiểu xong rửa thật sạch cho tiếng sau tiếp. Vợ phải uống 4-5 lít nước mỗi ngày (tương đương 16 ly) để đào thải thuốc gây tê cho đỡ nhức. Cứ thế loay hoay cả 6 ngày sau đó, liền tù tì vậy nhưng vợ chẳng giảm đau đầu mà còn nhức hơn.

Nhức đến nỗi phải nhờ bác sĩ bên nội ngoại khoa thần kinh, tim qua xem, xét nghiệm, chụp MRI não. Mỗi sáng dậy là rất nhiều bác sĩ tới thăm. Trung bình cứ 30 phút, vợ chồng tiếp 1 bác sỹ, 1 chị hộ sinh, rồi đi tắm, gặp bác sĩ nhi vì con vàng da 2 ngày trong lúc ở viện. Mình không thấy cực mà chỉ lo cho vợ.

Những cơn nhức đầu đến với vợ cực kỳ nặng nề, như búa đập. 7 ngày kế tiếp trôi qua là 7 ngày nhức đầu. Rất nhiều lần nghe vợ khóc, mình chỉ biết an ủi cho vợ ngủ rồi lại lén chạy ra ban công nuốt nước mắt chứ không biết làm gì. Nước biển được truyền liên tục 24/24, nước uống thì châm uống liên tục, vừa uống xong thì 5-10’ sau tiểu. Tiểu xong ráng uống chút nước rồi nằm tiếp. Tiểu thì sản dịch dính ra giường phải lau, trải tã lớn mới. Chứng kiến những cảnh này mới thấy sinh đẻ ớn lạnh cỡ nào.

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 6

Đưa vợ đi đẻ, anh chồng khóc từ đầu đến cuối, sau sinh một tay chăm cả vợ lẫn con - 7

Ông bố trẻ lần đầu chăm con, nhưng làm nhiều rồi cũng thành quen.

Mỗi ngày mình chỉ ngủ 2-3 tiếng. Được hôm mẹ vợ vào thay, mình mới tranh thủ ngủ trưa được 2 tiếng.

Nhưng những đêm dài trong viện không làm giảm cơn đau đầu của vợ vì thuộc diện nặng nhất khoa sản thời gian 2/5-10/5/20 tại bệnh viện. Cơn đau dai dẳng căng hơn vào đêm kết hợp thêm huyết áo cao 160-180 đến nỗi hộ sinh phải can thiệp khẩn và mỗi tiếng lại đo 1 lần.

Sau 8 ngày, vợ chồng ngồi suy tính và quyết định về nhà. Một phần bác sĩ cũng khuyên về nhà, một phần cảm giác ngủ ở viện không ngon vì thức giấc liên tục.

Rồi về nhà, vợ được kê thuốc an thần liều nặng. May mắn vợ bắt đầu ngủ được liên tục 12 tiếng từ 8h tối đến 8h sáng. Thuốc giảm dần, cuộc sống của gia đình quay trở lại dần. Mình quen hơn với việc làm bố, với việc chăm vợ, chăm con.

Biết vợ thử mấy bộ đồ eo thon không vừa nữa, mình bảo vợ: “Đồ cũ em cho đi. Ra tháng anh chở em đi mua đồ mới. Có shop này anh thấy đồ đẹp lắm, em mặc phải rất sang!”. Mình cố tình nói vậy để vợ bỏ đồ ôm sát ngày xưa đi. Mình tin rằng đẹp cũng chỉ để ngắm và cái đẹp chỉ tồn tại một thời gian nhất định. Còn vẻ đẹp tâm hồn mới nuôi dưỡng mối quan hệ thêm bền chặt.

Mình biết ơn vợ rất nhiều vì đã sinh cho mình một đứa con. Mọi công việc khác tạm hoãn lại, vì kiếm tiền là việc cả đời. Còn thời gian này, mình chỉ muốn ở cạnh bên chăm sóc vợ con và bù đắp cho vợ thôi!

Vợ đẻ mổ, anh chồng Hà Nội khen một thứ đẹp nhất trên đời khiến nghìn chị em thích thú
Anh Sơn cho biết vết sẹo mổ đẻ vắt ngang bụng vợ với anh là thứ đẹp nhất, cao cả nhất và thiêng liêng nhất trên đời.
Ocean - Ảnh: NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Khi vợ mang bầu